Tiến tới Liên hoan sân khấu về ‘Hình tượng người chiến sĩ CAND’ lần thứ III – năm 2015:

Biên kịch Lê Chí Trung: Tôi sẽ còn sáng tác nhiều về đề tài Công an

Thứ Tư, 01/07/2015, 10:51
Nhà viết kịch Lê Chí Trung là tác giả của nhiều vở diễn nổi tiếng trên sân khấu cả nước. Những tác phẩm của ông luôn ăn khách, ở cả sân khấu Nhà nước lẫn tư nhân, ở cả miền Nam lẫn miền Bắc. Trong bối cảnh sân khấu đang thiếu kịch bản hay như hiện nay, cái tên Lê Chí Trung quả một điểm sáng với các đơn vị nghệ thuật. Đặc biệt, Lê Chí Trung đã sáng tác nhiều về đề tài người chiến sĩ CAND. Gần đây, ông đã có 3 vở diễn được Đoàn kịch CAND dàn dựng: “Nốt nhạc cuối cùng”, “Choáng vì tiền”, “Giông tố” v.v... và chuẩn bị dựng một vở mới của ông.

Tại Liên hoan sân khấu (LHSK) về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, Lê Chí Trung có 3 kịch bản: “Nơi lấp lánh mặt trời” (Nhà hát kịch Việt Nam), “Cho một ngày bình yên” (Nhà hát Tuổi trẻ) và “Phía sau tội ác” (đồng tác giả với Vương Huyền Cơ, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh). Trước thềm liên hoan, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng ông về đề tài này.    

PV: Trong cuộc đời sáng tác của mình, hình như ông rất có duyên với đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND?

Lê Chí Trung: Khi cầm bút, tôi không quan tâm lắm đến hai chữ “đề tài”. Trong các tác phẩm của mình, tôi chỉ có suy nghĩ về số phận con người.

PV: Theo ông, điều gì khiến kịch bản của ông được nhiều nhà hát yêu thích như vậy?

Lê Chí Trung: Có lẽ vì kịch bản của tôi ít “võ mồm”, sáo ngữ và có nhiều đất cho đạo diễn, diễn viên sáng tạo. Sân khấu Việt Nam chủ yếu vẫn là sân khấu hiện thực tâm lý. Nhà văn có thể bịa đủ thứ trên đời, nhưng không thể bịa đời sống tâm lý nhân vật, nhảy chồm chồm ra sân khấu phát ngôn thay nhân vật. Đó là căn bệnh mấy mươi năm của dòng sân khấu thông tấn, diễn viên và nhân vật vô hồn như các con rối trong tay tác giả, đạo diễn. Chính vì vậy, đừng trách khán giả đang rời xa sân khấu, mỗi người làm sân khấu hãy tự nhìn lại mặt mình trong gương.

PV: Còn ông, chắc hẳn là cũng hay “soi gương”... ?

Lê Chí Trung: Tôi hay lặng lẽ ngồi ở các phòng vé, quan sát khán giả móc tiền túi ra, tại sao thích vở này, không thích vở kia? Tôi luôn ngồi ở hàng ghế cuối  trong nhà hát và khi đóng màn, cúi đầu đi lẫn nghe khán giả bàn tán thế nào… Tôi cũng thường la cà như vạc ăn sương với các diễn viên sau nhiều đêm diễn, lắng nghe, thậm chí cãi vã với nhau về nghề, về vở. Bởi diễn viên là nhân vật trung tâm của sân khấu, chứ không phải ông tác giả hay đóng cửa phòng một mình bịa chuyện. Sợ nhất là khi ông tác giả cứ coi từng lời, từng chữ của mình như khuôn vàng thước ngọc.

Tác giả Lê Chí Trung.

PV: Những kịch bản của ông về đề tài ANTT luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ông có thể chia sẻ lý do ông hay viết về đề tài này - một đề tài vốn được coi là không dễ?

Lê Chí Trung: Tôi có người bạn thân một thời đi học. Ngày tôi lên đường đi bộ đội, xa gia đình cứ cương lên không khóc, nhưng khi chia tay mẹ bạn, tôi lại khóc suốt đường về. Mẹ là vợ một anh hùng tình báo và cả gia đình bạn mất hết, hy sinh hết hạnh phúc cho con người khác. Tôi cũng có người anh họ hàng xa, là sĩ quan Công an, mà mỗi khi viết nhân vật tử tế, tôi luôn nghĩ về anh để mình không bịa đặt. Cuộc đời là như vậy. Không có gì hoàn mỹ và ngược lại. Người viết văn phải đủ cảm xúc và sự tỉnh táo khi viết về thân phận con người. Tôi cũng có vở kịch mà mỗi lần xem tôi vẫn rưng rưng, đó là vở “Sống mãi tuổi xuân” ở Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh, viết về linh hồn những người chiến sĩ. Đôi khi người viết văn cứ hay trẻ con, tự yêu tác phẩm của mình như thế đấy..

PV: Vâng, hy vọng rằng một nhà văn như ông sẽ giữ mãi tâm hồn trẻ thơ…

Lê Chí Trung: Tôi nghĩ, văn chương, sân khấu phải chạm đến con người. Những lúc nhớ Hà Nội, tôi vẫn đọc lại các tác phẩm bàng bạc quê hương tuổi thơ của nhà văn Thạch Lam. Tôi cứ tự nhủ, hãy viết những gì mình yêu và không dối trá. Công an, trước hết, họ là những con người bằng xương bằng thịt, cũng đầy yêu thương, đổ vỡ, trắc trở, hành động, nghĩ suy. Hình tượng người Công an luôn là đối tượng, là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo của một nhà văn.

Cảnh trong vở “Choáng vì tiền” do Đoàn kịch CAND dàn dựng.

PV: Ông sẽ tiếp tục với đề tài về người chiến sĩ CAND sau những thành công? Ông có thể chia sẻ về những vở diễn của mình chuẩn bị lên sàn trong năm 2015?

Lê Chí Trung: Tất nhiên, như đã nói, tôi luôn suy nghĩ về số phận con người. Trong cuộc sống thực tế, tôi cũng được trải nghiệm, được chứng kiến sự tử tế từ những người chiến sĩ Công an. Còn những tác phẩm mới sẽ được dàn dựng trong thời gian tới, cho phép tôi được tạm thời bí mật.

PV: Xin chúc ông tiếp tục có thêm nhiều kịch bản hay về hình tượng người chiến sĩ CAND.

Biên kịch Lê Chí Trung nguyên là Phó ban Thường trực Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, giảng viên thỉnh giảng Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Kịch  bản của ông được nhiều  đơn vị nghệ thuật dàn dựng: “Mẹ và người tình”, “Nước mắt người điên”, “Số đỏ”,  “Kỹ nghệ lấy tây” (Sân khấu kịch Hồng Vân - Phú nhuận), “Tiếng giày đêm”, “Chuyện đùa như thật” (Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh), “Sống mãi tuổi xuân” (Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh), “Đêm của bóng tối”, “Trong mưa giông thấy nắng” (Nhà hát kịch Việt Nam), “Chuyện làng mầu”, “Người yêu của cha tôi”, “Công lý không gục ngã” (Nhà hát Tuổi trẻ), “Đời luận anh hùng”, “Yêu là thoát tội”, “Đứng giữa trời xanh” (Nhà hát cải lương Hà Nội) v.v…
Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.