Bí mật về chiếc hộp sọ của văn hào Gogol

Thứ Bảy, 29/10/2005, 09:09

Trong cuộc khai quật mộ của văn hào Gogol, người ta phát hiện thi hài ông đã bị mất hộp sọ. Theo lời một số người đầu thế kỷ XIX nắm được bí mật về chiếc hộp sọ của nhà văn vĩ đại, cái bình chứa trí tuệ của Gogol được dành một sự kính trọng đặc biệt trong Bảo tàng Sân khấu của Bakhtushin. Tuy nhiên cho đến nay điều đó cũng chưa được kiểm chứng rõ ràng.

Mùa hè năm 1931, nghĩa trang tu viện Danilov ở Moskva, nơi nhà văn Nga Nicolai V.Gogol yên nghỉ, được xây thành trại cải tạo dành cho trẻ em vị thành niên phạm pháp. Vào những năm đó cùng với việc chuyển đổi nói trên, mộ của hàng chục người đã một thời làm rạng danh cho nước Nga cũng bị hư hoại. Chỉ có di hài của Khomyakov, Yazykov (hai nhà văn Nga cùng thời với Pushkin) và Gogol được chuyển tới nghĩa trang tu viện Novodechi.

Trong hồi ký có nhan đề “Cuộc di chuyển hài cốt của N.V. Gogol”, nhà văn V.G. Lidin, Giáo sư trường Viết văn, người có mặt tại buổi lễ bốc mộ, viết:

“Tháng 6/1931, một cán bộ của Viện Bảo tàng lịch sử gọi điện thoại cho tôi: Ngày mai tại nghĩa trang Danilov sẽ tiến hành bốc mộ Gogol, ông đến nhé.

Hôm ấy là một ngày hè ấm áp. Theo thói quen, tôi mang máy ảnh. Cùng với mộ Gogol, ngày hôm ấy người ta còn bốc cả mộ Khomyakov và Yazykov.

Mộ Gogol được khai quật gần suốt cả ngày. Nó nằm sâu hơn nhiều so với những ngôi mộ bình thường. Sau khi đào được một lúc, các công nhân chạm phải một hầm mộ bằng gạch rất cứng, nhưng không phát hiện ra nắp cửa. Vì vậy, họ phải đào chếch sang ngang và đến chiều thì phát hiện ra một cửa phụ bên cạnh hầm mộ, qua đó quan tài Gogol được chuyền vào hầm mộ chính.

Công việc bốc dỡ hầm mộ kéo dài rất lâu. Cuối cùng, khi quan tài Gogol được mở ra thì trời đã nhá nhem tối. Những mảnh ván thiên phía trên đã bị mục, nhưng các mảnh bên cạnh vẫn còn nguyên do được giữ bằng nhiều thanh kim loại, ke sắt. Điều ngạc nhiên là người ta không tìm thấy hộp sọ của Gogol trong quan tài. Bộ hài cốt của nhà văn, từ các đốt xương cổ trở xuống được liệm cẩn thận trong một tấm áo lễ phục màu tàn thuốc lá, thậm chí lớp vải lót bên trong với những chiếc cúc bằng xương vẫn lành lặn. Đôi giày ông đi cũng còn nguyên, nhưng lớp chỉ khâu đã bị mục làm da bong ra, để lộ những chiếc xương bàn chân. Đế giày của Gogol rất cao, khoảng 4-5 cm, chứng tỏ nhà văn là người không cao lắm.

Vấn đề chiếc hộp sọ của Gogol biến mất từ bao giờ và trong hoàn cảnh nào là một điều bí ẩn. Lúc bắt đầu đào mộ ông, ở tầng đất nông trên hầm mộ bịt kín người ta phát hiện ra một chiếc hộp sọ, nhưng các nhà khảo cổ khẳng định rằng nó thuộc về một người trẻ tuổi. Tôi không chụp ảnh được bộ hài cốt của Gogol vì lúc đó trời đã nhá nhem tối, còn sáng hôm sau thì nó đã được chuyển tới nghĩa trang tu viện Novodechi để mai táng. Tôi đã xin phép cắt một mảnh áo lễ phục của Gogol, sau đó nhờ một thợ giày lành nghề khâu thành một cái túi để đựng cuốn tiểu thuyết “Những linh hồn chết” của nhà văn. Di vật này hiện đang được giữ trong thư viện của tôi”.

Vậy câu hỏi đặt ra là chiếc hộp sọ của Gôgôn biến đi đâu? Về vấn đề này hiện nay có rất nhiều phỏng đoán, giả thuyết. Nhà văn V.G. Liđin kể tiếp: “Năm 1990, khi dựng đài kỷ niệm Gôgôn trên đại lộ Prechxten ở Moskva, người ta đã tiến hành trùng tu mộ Gogol, Bakhushin (nhà hoạt động sân khấu Nga, 1865-1929, Giám đốc Bảo tàng Sân khấu Nga) dường như đã xúi các tu sĩ tu viện Danilov lấy cho ông chiếc hộp sọ của Gogol. Đúng như vậy, hiện ở Bảo tàng Sân khấu của Bakhtushin có lưu giữ ba chiếc hộp sọ, nghe nói, một của nghệ sĩ Shepkin, một của Gogol, còn chiếc thứ ba không rõ của ai”.

Theo lời kể của một số người đầu thế kỷ XIX nắm được bí mật về chiếc hộp sọ của nhà văn vĩ đại, cái bình chứa trí tuệ của Gogol được dành một sự kính trọng đặc biệt trong Bảo tàng Sân khấu của Bakhtushin: nó được viền trong một vòng nguyệt quế bằng bạc và được đặt trong một cái tráp bằng gỗ quý có lót da dê màu đen. Mặc dù vậy, những giai thoại về di vật khác thường này vẫn lan truyền khắp thành phố Moskva, và cuối cùng lọt vào tai người cháu họ của Gogol, Trung úy Hạm đội Hải quân Hoàng gia Nga Yanovsky. Anh chàng sĩ quan  hải quân này vốn là một con người nóng nảy, dễ xúc động. Yanovsky bèn đến gặp Bakhtushin, rút khẩu súng lục đặt lên bàn và tuyên bố: “Trong khẩu súng này có hai viên đạn, một dành cho ông, nếu ông từ chối trao chiếc hộp sọ của Gogol; viên thứ hai dành cho tôi...”

Tuy không phải là một người hèn nhát, Bakhtushin cho rằng tốt nhất là từ bỏ cái di vật nguy hiểm này. Trung úy Yanovsky mang cái tráp gỗ quý đến Sevastopon, nơi có chiếc tàu thủy chuẩn bị lên đường sang nước Ý. Yanovsky dự định đến trình diện Đại sứ quán Nga ở Roma và để lại chiếc hộp sọ của Gogol trên đất Ý - nơi mà nhà văn vĩ đại sinh thời coi là tổ quốc thứ hai của mình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chuyến đi không thành. Đúng dịp đó có đoàn tàu phóng ngư của Ý sang Sevastopon tìm kiếm hài cốt của các vị tướng Sandegnl tử trận trong cuộc phong tỏa thành phố vào những năm 1854-1855. Yanovsky đã gửi chiếc tráp đựng hộp sọ Gogol cho Đại úy Borcheze, một trong những sĩ quan chỉ huy đoàn tàu phóng ngư lôi, nhờ ông chuyển cho Đại sứ quán Nga tại Roma. Borcheze là người Roma, ông ta hứa sẽ chuyển chiếc tráp một cách nhanh nhất.

Nhưng rồi Borcheze không trở lại Roma. Ít lâu sau, người ta cũng không tìm thấy dấu vết của ông ta đâu nữa, và cùng với viên đại úy, chiếc hộp sọ của Gogol cũng biến mất

Trần Hậu
.
.
.