“Bi kịch nhỏ” của "kẻ giết người" trong phim “Chuyện làng Nhô”
Vụ án chuyện làng Nhô xảy ra cách đây 17 năm và phim Chuyện làng Nhô được trình chiếu trên Truyền hình cách đây 11 năm. Nhưng bài học trong chuyện làng Nhô đối với nông thôn Việt Nam như vẫn còn nguyên vẹn. VTV4 cũng vừa phát lại bộ phim này.
Phóng viên Cảnh sát toàn cầu đã gặp nghệ sỹ Nguyễn Hải, người thủ vai Trịnh Khả, kẻ giết người trong phim “Chuyện làng Nhô”- người mà bây giờ không ít người vẫn gọi anh với lòng yêu mến và cả sự "căm ghét" bằng cái tên Trịnh Khả.
11 năm đã trôi đi kể từ ngày bộ phim truyền hình nhiều tập "Chuyện làng Nhô" công chiếu, nhưng cái tên Trịnh Khả vẫn không tách khỏi anh. Cái tên đó vừa ám ảnh anh vừa ám ảnh khán giả. Trong nhiều cuộc gặp gỡ với đồng nghiệp và với người dân, họ vẫn gọi anh bằng cái tên Trịnh Khả.
Quả thực phim “Chuyện làng Nhô” đã tạo nên một cơn sốt của phim truyền hình và cũng tạo nên cơn sốt nhân vật chính của phim: "Trịnh Khả". Ngay cả cái tên trong phim "Đội cực nhanh" cũng tạo ra một "hội chứng thuật ngữ".
Đó cũng là vai diễn đánh dấu tên tuổi của anh, dù sau này Nguyễn Hải thành công ở rất nhiều vai diễn phản diện, nhưng anh tự thấy rằng chưa vai nào có thể vượt qua được "Trịnh Khả"…
Trong niềm vui với sự thành công nghệ thuật của mình, anh vẫn mang một nỗi giày vò và đau đớn về chính nhân vật mà anh đã thủ vai vô cùng xuất sắc. Đó là một con người thật với cái tên Trịnh Khải ngoài đời và con đường từ một trí thức như Trịnh Khải trở thành một kẻ giết người.
Trịnh Khải đã cho những kẻ điên rồ ở làng Lác Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam mà sau này được gọi là làng Nhô giết chết hai thanh niên cùng huyện đến mua cá giống. Đêm đó, Trịnh Khải ngồi trên phản giữa nhà và ra lệnh cho đàn em quay điện và đánh đập hai thanh niên mà Trịnh Khải nghi họ vào làng để tìm cách bắt Trịnh Khải.
Trịnh Khả trong phim "Chuyện làng Nhô". |
Cứ khi hai thanh niên ngất đi thì Trịnh Khải lại ra lệnh cho đàn em múc nước bể nhà hắn đổ vào mặt họ cho tỉnh lại để tra tấn tiếp. Không ai có thể biện minh cho hành động thú tính ấy của Trịnh Khải đối với đồng loại của mình ngay trong những năm cuối cùng để bước sang thế kỷ 21.
Trong hồ sơ vụ án, sự việc mà Trịnh Khải làm còn man rợ hơn nhiều những gì một Trịnh Khả làm trong phim. Những người làm phim đã không dám đưa lên màn ảnh một trong những sự thật diễn ra ở làng Nhô (Lác Nhuế). Và việc giết chết hai thanh niên ngay trong sân nhà Trịnh Khải là một trong những sự thật đó.
Đêm ấy, sau khi đánh chết hai thanh niên mua cá giống, những thanh niên làng Nhô đã kéo lê xác họ ra sân đình. Nửa đêm, trời có mưa. Một trong hai thanh niên bị đánh chết lúc tối đã sống lại. Những kẻ trông xác hai thanh niên đã phát hiện ra người thanh niên sống lại.
Người thanh niên đã cầu xin chúng cho anh được sống. Anh sẽ im lặng suốt đời và không khai báo gì với Công an. Anh sẽ sống tết chết giỗ chúng. Nhưng đám người đó đang trong cơn say máu cuồng điên. Một kẻ trong chúng đã thò tay bóp hạ bộ người thanh niên sống lại kia cho đến khi chết.
Người thanh niên vô tội kia đã phải chết lần thứ hai. Sau khi giết chết hai thanh niên kia, Trịnh Khải ra lệnh cho đám tay chân giữ xác họ nhiều ngày để đòi tiền chuộc.
Khi bộ phim ra mắt khán giả, không ít người cho rằng đó là một câu chuyện được các nhà làm phim "bịa" ra. Chính thế mà những người làm phim đã phải bắn thêm những dòng chú thích khi tập cuối cùng của bộ phim với địa danh cụ thể mà câu chuyện đã xảy ra.
Sự dã man đó bây giờ hồi tưởng lại Nguyễn Hải vẫn thấy xây xẩm mặt mày. Kinh hãi và đau buồn hơn là chuyện đó lại xảy ra trên chính quê hương anh. Nhưng còn kinh hãi và đau buồn hơn thế là một trong hai người thanh niên bị giết chết kia là cháu họ của nghệ sỹ Nguyễn Hải.
Có người biết chuyện đó cho rằng đó chính là một lý do mà anh thành công ngoài sức tưởng tượng của đạo diễn và của chính mình với vai diễn đó. Anh vừa diễn vừa kinh tởm kẻ giết người man dại ấy. Anh vừa diễn vừa đau đớn cho số phận thương tâm của người cháu.
Nguyễn Hải nói, thành công trong vai diễn Trịnh Khả khiến anh được nhiều nhưng mất mát cũng không ít. Sau khi bộ phim phát sóng tập đầu tiên, ngay lập tức cụ thân sinh ra anh đã gọi điện lên và mắng anh té tát: "Sao bao vai diễn tử tế mày không diễn, mày lại đi đóng cái vai ác như thế. Mày định bôi gio trát trấu vào cái gia đình này à?".
Và ông cụ dường như đã không để cho anh có cơ hội để giải thích. Thì ra bản thân ông cụ tức một nhưng vì phải nghe nhiều lời dị nghị của bà con làng xóm và những lý do thầm kín khác nên nỗi ấm ức ấy càng được nhân lên. Vì thế, sau khi phim phát sóng, phải đến gần một năm sau anh mới dám trở về nhà. Nhưng lần trở về nhà ấy anh vẫn mang trong lòng mình nỗi buồn đau về con người.
Cùng với sự nổi tiếng, Nguyễn Hải cũng phải chấp nhận cả những con mắt thiếu thiện cảm của khán giả đối với mình. Vì nhiều người không hiểu rằng: Anh là anh, là một con người thẳng thắn, cương trực và chưa từng sống ác với ai bao giờ mà họ vẫn luôn mặc định trong đầu anh chính là Trịnh Khả - một kẻ đểu giả, lưu manh.
Có một thực tế là, rất nhiều người không biết Nguyễn Hải là ai, nhưng nói đến nhân vật Trịnh Khả thì không ai là không biết. Anh bảo, mình mất tên từ lúc nào không hay… Công bằng mà nói, khi diễn một vai phản diện mà bị mọi người ghét cay ghét đắng, thậm chí là tẩy chay thì có nghĩa là vai diễn đó đã quá thành công.
Có khán giả đã nói với anh rằng: "Thấy anh đóng vai phản diện, xem tôi thấy ghét lắm nên chỉ muốn đập tivi nhưng nếu bây giờ anh đóng vai chính diện thì có lẽ tôi cũng muốn đập tivi, chỉ vì nhìn "cái mặt đểu" của anh tôi không tin anh lại có thể tốt được".
Sau này, khi bộ phim được phát trên sóng truyền hình, ngay từ tập đầu tiên đã để lại dấu ấn mạnh mẽ và gây xôn xao dư luận. Đến tập 2 thì không khí thực sự căng thẳng. Khi ấy đạo diễn Lưu Việt Bảo có gọi điện cho Nguyễn Hải và nói với anh rằng "Nhiều khả năng bộ phim sẽ bị dừng chiếu. Chú hãy tìm cách nào để giải cứu nó đi!".
Rất may anh lại là học trò của thầy Tấn Phương, lúc ấy đang giữ chức Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ nên đã nhờ thầy can thiệp giúp. Nhờ sự tích cực can thiệp và đánh giá công bằng của các cơ quan chức năng, của thầy Tấn Phương với Đài Truyền hình nên bộ phim vẫn tiếp tục được phát sóng.
Và "Chuyện làng Nhô" khi ấy là bộ phim duy nhất từ trước đến nay được phát trên nhiều kênh truyền hình và vào những múi giờ khác nhau để khán giả tiện theo dõi. Bộ phim phát đến tập thứ hai thì một người bạn của anh ở xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng gọi điện lên cho anh bảo: "Khắp nơi ở quê tôi, từ thôn đến xã đã nghỉ cả gặt lúa để ở nhà xem phim của ông đấy. Xem xong rồi họ bảo ông giống ông Khả lắm!".
Bộ phim càng thành công bao nhiêu thì dường như anh càng phải đối mặt với nhiều sóng gió bấy nhiêu. Và sóng gió ấy xảy ra ngay tại cái gia đình bé nhỏ của anh trên thành phố. Còn nhớ khi ấy, con trai đầu lòng của anh mới đang học lớp 4, nó đã phải bỏ học do bị bạn bè trêu trọc và "hítle" chỉ vì nó là "con trai của một kẻ phạm tội".
Có những lần Nguyễn Hải đến trường học để đón con mà chịu không tìm thấy con đâu. Thì ra vì xấu hổ với bè bạn nên nó thường xuyên bỏ học và lang thang ra vườn hoa chơi. Trông thấy con lủi thủi một mình ở vườn hoa anh thấy tội nghiệp cho nó quá. Nhưng khi nhìn vào kết quả học hành sa sút của con, không kiềm chế được anh đã đánh cho nó một trận. Nó không giải thích gì, chỉ mếu máo nói rằng: "Nếu bố còn đóng phim giống như thế con sẽ bỏ học".
Nó còn quá bé để hiểu rằng, bố nó chỉ đang cố gắng làm sao để thể hiện cho tròn vai diễn...
Hồi ấy ở phòng khách nhà anh có một bộ ghế xô pha, khi cả gia đình ngồi quây quần xem phim "Chuyện làng Nhô", hễ cứ đến cảnh nào có bố đóng là thằng con trai anh lại nấp ngay xuống sau chiếc ghế sô pha. Hỏi lý do vì sao thì nó bảo: "Nhìn thấy bố ác như thế, con sợ lắm!"…
Với vai diễn quá thành công trong “Chuyện làng Nhô”, nghệ sỹ Nguyễn Hải không những đóng góp cho nghệ thuật điện ảnh mà còn đóng góp vào cuộc đấu tranh chống lại cái ác trong cuộc sống.
Với vai diễn của mình, anh đã lột trần được sự giá lạnh, hận thù, độc ác và dục vọng mù lòa trong một con người, đặc biệt là một con người có hiểu biết nhưng chỉ sống vì những tham lam và vô cảm của bản thân mình. Vai diễn của Nguyễn Hải đã gián tiếp lý giải con người tội phạm.
Nó cũng gián tiếp nói với chúng ta rằng, để chống lại cái ác không chỉ là dùng vũ lực trấn áp mà phải hiểu được bản chất cái ác và con đường sinh ra cái ác. Và đó chính là điều cốt lõi