“Bệnh sĩ” của Lưu Quang Vũ tái ngộ khán giả

Thứ Năm, 10/04/2014, 13:35
Năm 1988, “Bệnh sĩ” - tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ đã lên sàn diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam. Với bàn tay đạo diễn của NSND Đình Quang, sự góp ý trực tiếp của tác giả, “Bệnh sĩ” từng “làm mưa làm gió” sân khấu suốt nhiều ngày tháng với hàng trăm suất diễn. Giờ đây, vở diễn tiếp tục tái ngộ khán giả với những thông điệp sâu sắc mang tính dự báo và tính xã hội.

Sau gần 3 thập kỷ, nhưng những vấn đề đặt ra trong “Bệnh sĩ” vẫn không hề cũ, thậm chí người xem cảm th ấy như thể Lưu Quang Vũ đang viết về đời sống hôm nay: Câu chuyện về một làng quê nông thôn đói nghèo mang tên Cà Hạ với những người dân hiền lành, chân chất. Nhưng, cũng như ông “Chủ tịch Liên hiệp xã” Toàn Nha, các xã viên của Cà Hạ đều háo danh, thích “sĩ diện” nên ai cũng muốn có một cái mác sang trọng và hiện đại. Với sự “cầm chịch” của ông Toàn Nha, làng Cà Hạ đổi tên thành Liên hiệp xã Hùng Tâm: Anh đội trưởng sản xuất bỗng thành “Chủ nhiệm Trung tâm công nghệ”, anh hoạn lợn vụt trở thành “Giám đốc Trung tâm triệt sản gia súc”, bà bán hàng trở thành “Chủ nhiệm Công ty dịch vụ”... Mọi người đều ảo tưởng trong những danh xưng đẹp đẽ mà không mang lại cho họ ấm no, khi ruộng vườn bỏ không, chăn nuôi đình đốn… “Cả làng nhố nhăng, kệch cỡm, sính hư danh để kẻ khác đục nước béo cò”, khi có gã mạo danh là nhà văn về lợi dụng, mấy anh báo chí cũng mượn cớ ăn vạ để “đục khoét” dân làng v.v…

Sau gần một năm “đổi mới”, cái làm được của Hùng Tâm chỉ là một khu văn phòng với kiến trúc hổ lốn: cột La Mã, cửa vòm Hy Lạp, ở giữa là đôi rồng chầu của văn hóa Việt Nam. Nhưng, với vốn văn hóa lớp 4, ông Chủ tịch Toàn Nha lại vẫn tự hào với “thành quả” ấy. Những người dân Hùng Tâm đói nhưng không được phép nói là mình đói, vì sĩ diện, vì sợ bị bảo “mất uy tín địa phương”, hay “chống đối”. Cả làng thành dối trá và mọi sự mưu mô, lừa dối trá được gọi là “sáng tạo, bứt phá”.

Cảnh trong vở “Bệnh sĩ".

Sau hàng loạt trớ trêu, bi hài, mọi người cũng chợt nhận ra: “Không được làm cái mình muốn thì không còn là mình nữa”, “Tại sao không yêu quý những điều thật thà, mà lại ưa những thứ giả dối"? Những câu hỏi này chính là tác giả đặt ra với mỗi chúng ta, với cả xã hội, đòi hỏi mọi người hãy sống trung thực với chính mình và với nhau. Đó cũng chính là thông điệp mà “Bệnh sĩ” đặt ra từ gần 30 năm trước, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự và tính nhân văn

Thanh Hằng
.
.
.