Bất ngờ thú vị trước kho tàng hiện vật thành nhà Hồ

Thứ Tư, 16/09/2009, 09:17
"Bảo tàng" đang trưng bày hiện vật thành nhà Hồ, ngôi thành đá mà Hồ Quý Ly xây dựng cách đây hơn 600 năm chỉ là một ngôi nhà cấp bốn, nằm khiêm tốn bên cổng Nam ngôi thành đá. Thế nhưng bước vào bên trong, du khách lại được khám phá những bất ngờ thú vị từ hàng trăm hiện vật được khai quật từ lòng đất và sưu tập trong các vùng lân cận.

Có câu chuyện truyền miệng trong vùng mà những ai lần đầu nghe được sẽ vô cùng ngạc nhiên. Chuyện xảy ra cách đây hơn 600 năm. Chuyện kể rằng, sau khi xây dựng xong thành, người dân trong vùng đã phát hiện cả thúng xương đốt ngón tay. Kể cả sau này, tại một vài đoạn tường thành bị lở, người ta vẫn thấy xương đốt ngón tay ở trong đấy.

Theo người kể chuyện, xương đốt ngón tay chính là của những người thợ, dân phu xây thành trong quá trình vận chuyển những khối đá khổng lồ đã bị đá kẹt làm đứt, gẫy. Tôi nghe câu chuyện này khi đến thăm một gia đình ở làng Thổ Phụ, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, nơi cách cửa Tây thành nhà Hồ khoảng 2km.

Tôi đã hỏi lại người kể, có ai nhìn thấy những đốt xương ấy không thì nghe trả lời rằng, chuyện này do người già kể lại. Thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau và câu chuyện truyền miệng này như một cách để người dân giải thích một việc tưởng như không tưởng khi triều Hồ xây dựng được công trình kiến trúc kỳ vĩ, độc đáo vào bậc nhất nước ta thời bấy giờ.

Hướng dẫn khách tham quan hiện vật trong nhà trưng bày.

Những viên bi đá trưng bày trong bảo tàng (tôi xin phép được gọi nhà trưng bày bằng cái tên này), hiện vật tìm thấy trong thành nhà Hồ được chứng minh là công cụ để người xưa vận chuyển đá từ nơi khai thác (núi Yên Tôn) về điểm tập kết và để xây nên các bức tường thành...

Tôi đã đứng rất lâu trước ô trưng bày những viên bi đá và nhớ lại câu chuyện kể của người xưa. Còn cô hướng dẫn viên xinh đẹp thì giới thiệu với khách tham quan công dụng của các viên bi đá này khi xây thành...

Thống đất nung có kích cỡ lớn được đặt trong tủ kính đặt tại vị trí trang trọng nhất trong phòng trưng bày cũng khiến người xem ngạc nhiên, thích thú. Chiếc thống được phục dựng từ những mảnh vỡ được phát hiện trong quá trình khảo cổ.

Theo cách hiểu thông thường, đây là vật chứa nước để vua rửa tay. Chiếc thống có niên đại từ thế kỷ XIV, vì thế giá trị văn hóa rất lớn. Ngoài ra, còn có bộ sưu tập mảnh đồ gốm men rạn, men ngọc, hoa lam... Những hiện vật này là minh chứng cho thấy sự phát triển của nghề gốm trong thời kỳ này.

Thành tựu quân sự nhà Hồ thường được các nhà sử học đánh giá cao. Mặc dù tại phòng trưng bày không có súng thần công, một phát minh của triều Hồ nhưng tại đây có một bộ sưu tập vũ khí thời bấy giờ.

Thật thú vị khi tận mắt nhìn những viên đạn đá các kích cỡ. Người xưa đã dùng những vật thô sơ được chế tác từ loại vật liệu sẵn có trong vùng để chiến đấu với quân xâm lược. Bộ sưu tập vũ khí còn có mũi giáo sắt, dao sắt, mũi tên sắt...

Cuộc chiến đấu chống giặc Minh của quân dân nhà Hồ đã xảy ra trên chính mảnh đất mà Hồ Quý Ly đã lựa chọn xây thành. Mảnh đất mà nhiều nhà quân sự đánh giá rất cao tầm nhìn của Hồ Quý Ly khi dựa vào thế núi, thế sông để xây thành. Tiếc rằng lòng dân không thuận nên cha con vị vua họ Hồ đã không dựng nghiệp lâu bền.

Hiện vật từ đầu rồng bằng đất nung với hoa văn tinh xảo đến viên gạch vồ được chế tác từ thời kỳ dựng thành đều toát lên giá trị to lớn. Nó là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử, một triều đại dù chỉ tồn tại không lâu trong tiến trình lịch sử nước ta.

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao trách nhiệm cho Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao hoàn chỉnh hồ sơ gửi UNESCO đề nghị công nhận thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

Việc sưu tập được hàng trăm hiện vật liên quan đến ngôi thành đá kỳ vỹ này là một trong những căn cứ để thuyết phục Ủy ban UNESCO nhìn nhận giá trị của ngôi thành đá

Thái Tuấn
.
.
.