"Bắt khẩn cấp"!

Thứ Bảy, 18/12/2004, 15:02
Chỉ chứng kiến một câu chuyện cha con, người ta giải mã một khúc mắc. Khúc mắc một thời xáo động, một thời dao động không ít người, trong đó có những văn nghệ sĩ đã bằng nhiều con đường rời bỏ sự nghiệp, rời bỏ Tổ quốc mà đi…

Ở phương Tây,  “bắt khẩn cấp” người ta áp dụng trong những trường hợp hành chính, dân sự để ngăn chặn một hành vi nào đó, một tình trạng nào đó. Người bị ngăn chặn khẩn cấp chưa chắc đã là người không tốt. Mà ngược lại có những người lại là người rất tốt, người tài hoa.

Anh là một người tài hoa. Thế mà bạn bè cứ doạ “bắt khẩn cấp”. Những người lạ trong đám đông nghe thế mà rùng mình. Bởi ở ta, bắt khẩn cấp là tố tụng hình sự rồi. Ai mà không kinh. Anh thì hiểu “bắt khẩn cấp” ở đây là theo quan niệm phương Tây. Nên anh lại cười. Cười thật vui. Cười thật chứ không phải cười mỉm. Cái cười của anh nồng ấm, thông minh và chan hoà. Người nghệ sĩ ấy vồn vã và ấm cúng trong lòng bạn bè. Người ta chưa bao giờ thấy anh nói nhiều về mình hoặc chưa bao giờ thấy anh không vồn vã, không lạnh nhạt. Mặc dù anh là nghệ sĩ tài hoa.

                                                                                             Minh hoạ: Minh Quân

Anh “bày đặt” ra công việc hay là anh bị cuốn vào vòng xoáy của công việc với vị trí là giám đốc của một tập đoàn nghệ thuật. Giám đốc mà không phải là người quản lý như thông lệ, giám đốc mà lúc thì thấy anh trong tay là mi-cờ-rô chỉ huy tập một màn múa, lúc thì như một người phu khuân vác: nào bàn, nào ghế, nào đèn, nào loa… lúc thì thương thảo ký một hợp đồng trong nước, ở nước ngoài. Tự mình lái xe công vụ. Ngồi trên xe cùng anh mới thấy chiếc xe công vụ là một văn phòng di động thực thụ như thế nào đối với hoạt động và sức sống của nhà hát. Bạn bè, anh chị em muốn gặp anh hàn huyên thật là khó. Họ bảo chỉ còn cách “bắt khẩn cấp” Muốn gặp anh chỉ còn cách “bắt khẩn cấp” tại sàn tập, sàn diễn lúc thì ở Nhà hát Lớn thành phố, lúc thì ở sàn diễn khu nghỉ mát Tuần Châu, ở Hải Phòng, ở Điện Biên…

Được nuôi dưỡng, được đào tạo chính quy từ những lúc đất nước còn chiến tranh. Là nghệ sĩ thực thụ, anh lao động như khổ sai. Những bước nhảy lớn, những vòng quay múa hiện đại, những cú tung hứng bạn múa bay lên không trung… gắn chặn với thời trai trẻ của anh. Mà có lẽ, nhờ đó mà anh trở nên cứng cáp từ lúc nào không hay biết.

Thời hoà bình là người có tài và ũng đã đến cái tuổi không thể nhảy múa được nữa. Anh làm quản lý. Lo đủ thứ chuyện: chuyện nghệ thuật. Chuyện thị trường nghệ thuật. Chuyện cuộc sống cả trăm nghệ sĩ. Anh đi khắp đó đây. Trong Nam, ngoài Bắc. Nước trong, nước ngoài. Cứ quần quật như thế. Bạn bè của anh chỉ thi thoảng gặp anh trên điện thoại hoặc trên sàn diễn. Khó mà có thể bố trí được một cuộc “bù khú” cho ra trò. Thâu đêm đến sáng. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác…Thế mà anh đã đứng vững. Vững và đẹp như hình tượng múa hiện đại hồi còn trai trẻ. Chỉ có điều thời trai trẻ anh nổi tiếng vì nghề. Nay anh nổi tiếng vì sự nghiệp.

Người nổi tiếng nào cũng có kẻ ghét, người yêu. Nhưng người nổi tiếng nào cũng chẳng thể ai xem thường về tài năng. Trong làng nghệ thuật, người quản lý, nhà tổ chức như anh là của hiếm. Lao động cật lực và sáng tạo không ngừng. Cái đoàn nghệ thuật mà anh quản lý có lẽ là đoàn nghệ thuật Nhà nước được công chúng biết đến nhiều nhất, ký được nhiều hợp đồng lưu diễn ở nước ngoài nhiều nhất. Hơn thế nữa nó là đoàn nghệ thuật trẻ trung như chính người nghệ sĩ.

Cái gì đã làm trẻ trung cả một đoàn nghệ thuật, làm trẻ trung nghệ sĩ? Mặc dầu, cuộc đời anh không bình thường. Không có thảm đỏ đưa đón. Không có dòng dõi trâm anh. Không ít sự thêu dệt bùng nhùng và có cả sự thêu dệt ác ý… Anh yêu nghề và trẻ trung tràn đầy sức sáng tạo, tràn đầy sức sống dù là kẻ ghét hay người yêu đều thừa nhận như vậy.

Muốn trả lời câu hỏi này, người ta không thể lơ mơ được, không thể hời hợt được. Người ta phải gục đầu, bóp trán mà suy nghĩ. Người phương Tây có câu: Muốn biết anh là ai thì cần biết bạn bè anh là người như thế nào. Người phương Đông thì bảo: “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã”. Có lẽ câu của người phương Tây nghe nó vào hơn.

Bạn bè anh thì nhiều lắm. Đơn cử một trường hợp thôi người ta đã hiểu cội nguồn cả tiềm năng, cả sức trẻ của người nghệ sĩ. Bạn anh là một người nghệ sĩ có tên tuổi, tầm cỡ được người Hà Nội yêu mến. Ngày người nghệ sĩ ấy ra đi. Anh tháp tùng chiếc quan tài kẽm, trở trên máy bay, đưa bạn anh ra Hà Nôi. Đám tang giản dị và sang trọng có nhiều người cùng lo toan. Anh đóng vai chính. Tổ chức chu tất cho bạn. Bốn mươi chín ngày. Một trăm ngày, dù bận công việc nước trong, nước ngoài anh cũng thu sếp cho bằng được để chia sẻ với thân nhân người quá cố.

Những đứa con, ai cũng vâỵ là hình ảnh của những bậc cha mẹ cả về khuôn hình, cả về một góc nào đó của tính cách làm người. Có cháu đang ở nước ngoài, có cháu đang ở trong nam ngoài bắc. Đứa nào cũng nhanh nhẹn, khoẻ mạnh, đẹp như trang vẽ. Còn nhớ, anh đã tất tưởi như thế nào cho thằng con trưởng về thăm quê hương, đất nước. Thằng bé đang tuổi ăn, tuổi lớn cứ quấn quýt với bổ, với mẹ, với thằng em út. Thằng em út thì đòi anh ăn mặc thế nào nó đòi mặc thế. Cắt tóc thế nào nó đòi cắt tóc thế. Đến lớp nó khoe “Anh tao to khoẻ lắm nhé! Đừng có đụng vào!”. Nó bắt bố mẹ nó đưa thằng anh đến lớp cho bạn bè nó biết mặt. Nó tự hào lắm! Đi đâu cũng khoe về thằng anh to lớn.

Ngày tạm biệt bố mẹ ra nước ngoài, thằng con trưởng bao bố mua cho nó một lá cờ đỏ thật to để nó mang theo. Mang cờ đỏ sao vàng đến nước này, nước kia đó là chuyện bình thường. Nhưng ở nước Mỹ, một nước vốn tự xưng là văn minh, là tự do, là dân chủ mà mang theo một lá cờ đỏ sao vàng thì không phải là chuyện thường.

Lá cờ biểu tượng của độc lập, tự do, của cách mạng, của tự hào và kiêu hãnh Việt Nam. Lá cờ một thời đã tập hợp một mặt trận nhân dân toàn thế giới chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hoà bình. Lá cờ là biểu tượng lương tri và phẩm giá con người. Thế mà lá cờ ấy, đến nay vẫn làm cho một nhóm người, một thế lực run sợ. Chỉ có run sợ những nhóm người, những thế lực không chiến thặng được chính mình mới hay gây ra những sự rắc rối cho người mình. Thằng con trưởng anh đã quyết như thế. Anh cũng hiểu những sự rắc rối đến nực cười có thể xảy ra với con anh. Nhưng anh đã chọn cho nó một lá cờ đỏ sao vàng rất đẹp may ở Hà Nội. Thằng con anh tạm biệt cha mẹ và thằng em út. Nó đi Mỹ với lá cờ đỏ sao vàng trong hành trang trở về nước Mỹ.

Chỉ chứng kiến một câu chuyện cha con, người ta giải mã một khúc mắc. Khúc mắc một thời xáo động, một thời dao động không ít người, trong đó có những văn nghệ sĩ đã bằng nhiều con đường rời bỏ sự nghiệp, rời bỏ Tổ quốc mà đi… Còn anh, một nghệ sĩ tài hoa, không đi trên thảm đỏ với bao nhiêu thêu dệt… mà nếu là người yếu bóng vía chắc là anh cũng từ bỏ sự nghiệp, từ bỏ Tổ quốc mà đi.

Từ câu chuyện cha con người ta mới đánh giá hết được tình yêu của những người nghệ sĩ chân chính, dù có khuyết tật vẫn là một tình yêu đi đến tận cùng. Yêu gì là yêu hết mình. Yêu ai là yêu hết mình. Câu chuyện cha con người ta cũng hiểu được tình yêu nước, yêu cách mạng, yêu cuộc sống, yêu con người của những Văn Cao, những Trịnh Công Sơn… Người đã từng yêu như anh sao lại “bắt khẩn cấp”! “bắt khẩn cấp”! bạn bè anh dọa thế! Chỉ là một trò đùa của tình yêu

Theo An ninh Thủ đô Cuối tuần, ngày 18/12/2004
.
.
.