Bảo tồn và phát triển Chèo cổ từ một cách làm mới

Thứ Tư, 20/08/2014, 09:00
Chương trình công chiếu Chèo cổ với hình thức bán vé gắn với các tour du lịch đã chính thức ra mắt công chúng mới đây và thực sự trở thành niềm vui đối với những ai yêu mến loại hình nghệ thuật này, bởi nó còn mở ra triển vọng mới cho con đường kết nối, phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống.

Sau hơn một năm thử nghiệm, chương trình biểu diễn Chèo cổ, với hình thức bán vé gắn với các tour du lịch do Nhà hát Chèo Việt Nam xây dựng và phối hợp tổ chức đã chính thức được quảng bá rộng rãi tới khán giả tại Nhà hát Kim Mã (Hà Nội) vào tối thứ 6 hằng tuần. Chia sẻ về chương trình này, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Thanh Ngoan cho biết, trước đây chương trình biểu diễn chiếu Chèo cổ đã được lập, nhưng vì sân khấu của Nhà hát Kim Mã không đáp ứng được nên ít lâu thì phải dừng lại, chiếu Chèo cổ lỡ hẹn với khán giả. Vài năm gần đây, khi sân khấu khang trang, Nhà hát Chèo Việt Nam lại bắt tay thực hiện ý tưởng. Vì là chương trình mang tính chất bảo tồn, giới thiệu nét đặc sắc của chèo truyền thống nên ở lần trở lại này, chiếu chèo giữ nguyên phong cách cổ, chỉ nâng tầm nghệ thuật của các tiết mục lên một bước để đáp ứng yêu cầu của khán giả. Không gian của chiếu chèo được chỉnh sửa lại, bằng cách trải chiếu hoa từ trên xuống dưới, khán giả sẽ được ngồi gần với diễn viên... Đặc biệt, đối với các chương trình biểu diễn dành cho người nước ngoài sẽ có thời lượng ngắn hơn so với chương trình dành cho người Việt.

Theo NSƯT Thanh Ngoan, biểu diễn chèo phục vụ du khách nước ngoài, chị không lo lắng quá nhiều về việc bất đồng ngôn ngữ, bởi âm nhạc và văn hóa là không có biên giới. “Với những diễn viên giỏi, bằng những giọng hát hay, những cây đàn giỏi, thì ngôn ngữ không còn là rào cản” - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam nhấn mạnh.

Chèo cổ đang được làm mới trong mắt công chúng.

Tuy nhiên, do được xây dựng trên tiêu chí gắn với phát triển du lịch, hướng tới du khách nước ngoài, nên Ban tổ chức có xây dựng các tour dành riêng cho du khách nước ngoài, trong đó, các tiết mục chèo sẽ có thuyết minh bằng tiếng Anh. Nội dung của chiếu chèo bao gồm 5 chương trình được biểu diễn theo lối chiếu chèo truyền thống. Đầu tiên sẽ là cụ trùm trò dẫn chuyện; chương trình thứ 2 là một đôi hề chèo dẫn trò; chương trình thứ 3 là một nam, một nữ dẫn trò; chương trình thứ 4 là một hề áo ngắn và hề áo dài; chương trình thứ 5 là dành cho khách nước ngoài với những mảnh trò, tích trò thật ngắn gọn, mang tính chất học thuật của chèo được diễn trong vòng 45 phút để giới thiệu.

Chương trình này được kì vọng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc chèo nói riêng, nghệ thuật chèo nói chung. Đây cũng là một kênh để công chúng yêu nghệ thuật chèo được tiếp cận và gần hơn với sân khấu Chèo cổ.

Trong suốt gần 35 gắn bó với nghệ thuật chèo, NSƯT Thanh Ngoan - người đặt những viên gạch đầu tiên cho chương trình, luôn đau đáu đi tìm một hướng phát triển mới cho chèo, đặc biệt là Chèo cổ. Trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam, mong ước ấy đã kết trái và thể hiện rõ nhất, khi NSƯT Thanh Ngoan trực tiếp chèo lái “con thuyền” Nhà hát Chèo trên cương vị là Giám đốc. “Tại sao một loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như chèo lại không thể phát triển, nhân rộng và đưa vào làm du lịch? Từ trăn trở đó, chúng tôi mong muốn đưa Nhà hát Kim Mã trở thành điểm đến của du lịch, giống như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Múa rối Việt Nam” - nữ nghệ sĩ bày tỏ.

Thực tế đã chứng minh, hướng đi mới trong xây dựng chương trình nghệ thuật chèo gắn với du lịch đang ngày càng đúng hướng và đem lại hiệu quả. Tại thời điểm biểu diễn thử nghiệm, có lúc chương trình đã hạ giá vé xuống thấp để khán giả tới xem và ủng hộ, nhưng vẫn còn khá thưa thớt. Còn nay, dù giá vé đã tăng lên 150 ngàn đồng/vé, nhưng lượng khán giả đã đến đông hơn và có những phản hồi tích cực về chương trình. “Rút kinh nghiệm từ chương trình biểu diễn thử nghiệm trước đó, chương trình được điều chỉnh, xây dựng, dựng mới của chúng tôi đã được khán giả và du khách đánh giá cao” - nữ nghệ sĩ cho biết.

Nói về chương trình nghệ thuật này, tiến sỹ Trần Đình Ngôn, người được mệnh danh là “vua chèo đất Bắc” cho biết, đây không chỉ là một chương trình có tính chất biểu diễn thông thường, mà nó còn mở ra triển vọng mới với cách nghĩ, cách làm rất mạnh dạn, sáng tạo mà nhiều loại hình nghệ thuật khác phải tiếp thu. “Cần phải có những cách làm như vậy mới mong đưa nghệ thuật truyền thống ra khỏi nguy cơ bị lãng quên. Hơn nữa, chương trình này có thể mang lại giá trị du lịch lớn” - ông Ngôn cho biết.

Đồng quan điểm, nhà biên kịch Chu Thơm cũng cho rằng, nên nhân rộng mô hình trên tới nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác như ca trù, quan họ... bởi đây là những loại hình nghệ thuật rất giàu tiềm năng và có khả năng thu hút du khách rất lớn. “Tôi tin là với cách làm mới và thực sự đầu tư sâu về chuyên môn, việc thu hút du khách đến với nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo là không xa” - ông Thơm nhận định.

Hiện tại, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phát triển hình thức bán vé qua mạng, hoặc đăng kí tour theo yêu cầu của khán giả. Đối với các tour đặt trọn gói, du khách được lựa chọn chương trình, tiết mục biểu diễn riêng. Với cách làm mới loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo vừa qua, hi vọng trong tương lai không xa, nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung sẽ không còn phấp phỏng trước nguy cơ bị lãng quên trước dòng chảy hội nhập, hiện đại hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay

Nguyễn Vũ
.
.
.