"Bảo tàng sống" về nhạc cụ văn hóa dân gian và sử thi Tây Nguyên

Thứ Tư, 07/03/2007, 08:24

Đinh Viêu có thể hát dân ca hay kể chuyện đến 3 ngày, đêm vẫn chưa hết kho tàng mình có. Ông là nghệ nhân duy nhất ở Gia Lai được công nhận là nghệ nhân dân gian Việt Nam (10/2005).

Đinh Viêu, còn gọi là Đinh Tan (72 tuổi), sinh ra và lớn lên ở làng Tờ Mật, K'bang, Gia Lai. "Tan" là biệt danh của ông một thời đi tham gia hoạt động cách mạng khi mới lên 15 tuổi. Bố Đinh Viêu mất sớm, khi ông chưa tròn 3 tuổi. Lớn lên Đinh Viêu không hình dung ra được cha mình, chỉ nghe mẹ kể lại: "Con giống cha như đúc".

Là con trai duy nhất của gia đình nhưng sớm có lòng yêu quê hương đất nước nên Đinh Viêu được giác ngộ lý tưởng cách mạng từ khi mới lên tuổi 15. Những năm tháng chiến tranh, kẻ thù đã từng kinh hoàng, khiếp vía những trận đánh bất ngờ của du kích xã Đông do Đinh Viêu chỉ huy. Ông cũng là người tham gia trận đánh đồn Knát giành thắng lợi cuối cùng ở K'bang, Gia Lai.

Sau ngày giải phóng, Đinh Viêu tiếp tục cống hiến cho địa phương với 15 năm làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, 6 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông, K'bang, Gia Lai... Cuộc đời Đinh Viêu kinh qua nhiều đạn lửa trong chiến tranh, điều mà ông tâm niệm là muốn làm cách mạng tốt phải gần dân. Muốn thế phải hiểu được đặc điểm văn hóa, cuộc sống, phong tục của người dân.

Đinh Viêu mê mẩn tiếng cồng, tiếng chiêng và những bài kể khan của già làng từ thời còn bé. Tiếng cồng, tiếng chiêng và hồn dân ca ấy ngấm sâu vào máu thịt Đinh Viêu theo từng ngày trong cuộc sống và những năm tháng tham gia cách mạng.

Đinh Viêu kể rằng, mình đi vận động dân làng bằng tiếng nhạc cụ quê hương, của dân tộc và những bài kể khan, bài hát dân ca Bah Nar. Đinh Viêu là người duy nhất ở Gia Lai đứng ra xin thành lập đội cồng chiêng của làng để lưu giữ bảo tồn. Lớp trẻ trong làng không biết đánh chiêng, dệt thổ cẩm... cũng đều tìm đến gặp Đinh Viêu nhờ truyền lại.

"Càng có nhiều người đến học càng tốt, mình chỉ giúp mà không lấy tiền công" - Đinh Viêu nói. Dân làng làm nhà rông văn hóa cũng phải nhờ Đinh Viêu chỉ dẫn từng nét hoa văn, cây nêu trang trí... Nhờ vậy, có người trong làng là học trò của Đinh Viêu bây giờ đã giỏi như Choăc (Đội trưởng Đội Chiêng của làng), hay Huân, Chuế... cũng đều đánh chiêng giỏi, chơi được các nhạc cụ truyền thống. Đội chiêng làng Tờ Mật không chỉ phục vụ ở làng, huyện, tỉnh mà còn đi biểu diễn ở nước ngoài.

Đinh Viêu có thể hát dân ca hay kể chuyện đến 3 ngày, đêm vẫn chưa hết kho tàng mình có. Ông là nghệ nhân duy nhất ở Gia Lai được công nhận là nghệ nhân dân gian Việt Nam (10/2005) về những đóng góp và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc Bah Nar. Đinh Viêu cũng là thành viên được mời tham gia trong nhóm sưu tầm biên soạn hồ sơ về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

Tuổi già, tuy đôi bàn tay run rẩy nhưng tâm hồn ông vẫn còn mãi đắm say những nốt nhạc, lời ca. Sau giờ lên rẫy, ra đồng, Đinh Viêu lại về vui với thú tao nhã của văn hóa ở làng cùng những cây đàn Goong, Kơ ni, T'rưng... những bài chiêng cổ và kể khan, H'mon cho nhau nghe.

Lũ trẻ trong làng xúm nhau nghe ông tấu những khúc nhạc truyền thống ngàn đời của bà con Bah Nar gìn giữ. Đời ông như đã gắn trọn một niềm đam mê với làng là giữ gìn cho những linh hồn nhạc cổ của Tây Nguyên được mãi mãi ngân vang với thời gian trong nhân loại

Ngọc Như
.
.
.