Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng:

Bảo tàng riêng của “ông vua phóng sự đất Bắc”

Thứ Hai, 22/10/2012, 09:02
"Ông vua phóng sự đất Bắc" Vũ Trọng Phụng tuy có một cuộc đời ngắn ngủi nhưng những tác phẩm của ông còn sống mãi với những thế hệ mai sau. Vợ chồng con gái ông đã tìm kiếm, lưu giữ những hiện vật khi ông còn sinh thời để tưởng niệm và được nhiều du khách thăm viếng.

Chỉ “rong chơi” trên trần thế 27 năm ít ỏi, đã hơn 7 thập niên sau ngày dời xa cõi tạm, nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn kịp để lại cho hậu thế những nhân vật đặc biệt, không chỉ tồn tại sinh động trên các trang sách, mà còn hiện hữu y như thật ngay giữa cuộc sống đương thời. Những Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cậu em chã, những nghị Hách, Thị Mịch… đã định danh Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn xuất sắc bậc nhất thế kỷ XX. Tròn 100 năm Ngày sinh Vũ Trọng Phụng (1912-2012), Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm vào sáng 22/10.

Chào đời ngày 20/10/1912, quê gốc ở Mỹ Hào, Hưng Yên, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, gắn bó trọn cuộc đời ngắn ngủi với Hà Nội, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã trải qua những năm tháng, theo bạn bè cùng thời truyền tụng lại, vô cùng nghèo túng, khốn khó. Ông sớm mắc trọng bệnh, một trong tứ chứng nan y thời ấy - bệnh lao phổi, không có tiền chữa trị và chăm sóc y tế kịp thời, nên đã mãi mãi ra đi ngày 13/10/1939, lúc giọt máu duy nhất của mình - bà Vũ Mỵ Hằng - chưa tròn tuổi thôi nôi.

Trong bài viết mang tựa đề “Gia thế ông Vũ Trọng Phụng” in trong tạp chí văn học Tao Đàn số đặc biệt tháng Chạp năm 1939 khóc thương “ông vua phóng sự đất Bắc”, nhà văn Ngô Tất Tố đã cảm thán: “Trong số các nhân vật làng văn hiện thời, ông Phụng là người nghèo lắm. Khác hẳn những ông Trần Tế Xương và Nghiêm Phúc Đồng, cái nghèo của ông Phụng lại là thể “nghèo gia truyền”, không phải “nghèo lỏi”.

Tuy nhiên, cũng ngay thời khắc ấy, nhà văn Ngô Tất Tố đã tiên đoán: “Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ”. Ngô tiên sinh đã rất chính xác, các tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Làm đĩ, Vỡ đê, Trúng số độc đắc… các phóng sự… Kỹ nghệ lấy Tây, Lục xì, Cơm thầy cơm cô, Cạm bẫy người… vẫn được in đi in lại hàng chục lần suốt bao nhiêu năm qua, được công chúng nhiều thế hệ tìm đọc, được chuyển thể thành phim, thành kịch và được tụng ca vì sự tương thích kỳ lạ với thời cuộc hôm nay.

Vũ Trọng Phụng được yêu mến, vì ông đã đọc vị rõ ràng bản chất kệch cỡm của xã hội thực dân nửa phong kiến thời ấy, và hơn nữa, còn vì ngòi bút của ông, tư tưởng của ông luôn đồng hành cùng những phận người nghèo khổ, cùng đinh bậc nhất.

Thẻ nhà báo của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng trên tem bưu chính mới phát hành.

Giữa làng Giáp Nhất gần cầu cống Mọc (Hà Nội) nay đã lên phố, ngay góc trong cùng của khu đất hương hỏa do gia đình bên vợ Vũ Trọng Phụng để lại, mộ phần nhà văn và những người thân yêu nhất nằm kế bên nhau, yên bình tĩnh lặng. Người nẩy sinh ý tưởng và âm thầm thực hiện, biến một phần không gian sinh hoạt của gia đình thành nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng chính là con rể nhà văn, ông Nghiêm Xuân Sơn. Mến phục tài văn của bố vợ dù chưa một lần biết mặt, sớm thấu hiểu giá trị của di sản tinh thần mà Vũ Trọng Phụng để lại, năm 1983, sau 3 lần phần mộ nhà văn phải di dời dịch chuyển vì các lý do khách quan, ông Nghiêm Xuân Sơn, trưng cầu ý kiến của Hội Nhà văn Việt Nam, đã quyết định đưa mộ phần Vũ Trọng Phụng về xây cất tại thửa đất riêng của cả nhà.

Ông Sơn thành gia thất với bà Vũ Mỵ Hằng từ năm 1956, trở thành trụ cột của gia đình bên vợ vốn neo người. Cùng vợ nuôi bà ngoại vợ (mẹ đẻ nhà văn Vũ Trọng Phụng - mất năm 1964), mẹ vợ (bà Vũ Mỵ Lương - phu nhân nhà văn Vũ Trọng Phụng - mất năm 1976), vợ chồng ông Sơn đã cùng nhau chăm chút khu tưởng niệm nhà văn, biến không gian bình dị giữa phố Giáp Nhất xô bồ ồn ã trở thành địa chỉ văn hóa được nhiều du khách gần xa tìm về thăm viếng.

Cách này hay cách khác, ông Nghiêm Xuân Sơn dày công kiếm tìm, lưu giữ được nhiều hiện vật quý từng liên quan đến cuộc đời nhà văn, như giấy khai sinh, thẻ nhà báo, cuốn sách mang tiêu đề Cơm thầy cơm cô và Lục xì - hai thiên phóng sự do nhà Minh Phương xuất bản năm 1937, tạp chí văn học Tao Đàn đặc biệt năm 1939, và nhiều, rất nhiều tác phẩm được tái bản đi tái bản lại trong chiều dài 70 năm qua, biến một phần tư gia thành bảo tàng riêng của nhà văn được mệnh danh “ông vua phóng sự đất Bắc”.

Ông Nghiêm Xuân Sơn, con rể Vũ Trọng Phụng bên phần mộ nhà văn tại khu tưởng niệm của gia đình ở Giáp Nhất - Hà Nội.

Khu mộ phần và nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng lúc nào cũng khang trang ấm cúng sạch đẹp, vì cháu con luôn quây quần ngay bên cạnh. Đây cũng chính là tài sản riêng của gia đình ông Nghiêm Xuân Sơn, được pháp luật thừa nhận. Năm 1996, vợ ông Sơn, bà Vũ Mỵ Hằng, người con gái độc nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng cũng qua đời. Từ đấy, ông Sơn thay vợ, tiếp tục tỉ mẩn với bổn phận mà ông đã tự nguyện ràng buộc vào đời mình, chăm nom khu lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, ông Sơn lại có một tâm nguyện, được Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội lên tiếng ủng hộ.

Từ năm 2003, ông Nghiêm Xuân Sơn cùng các cơ quan liên quan, đã gửi đơn lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Di sản đề nghị công nhận khu mộ phần và nhà lưu niệm nhà văn Vũ Trọng Phụng là di tích lịch sử văn hóa. Ngoài tuổi 70, ông Nghiêm Xuân Sơn vẫn tin tưởng ước nguyện của mình sớm thành hiện thực. Ông thấy vui mừng năm 2012, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh, Bộ Thông tin Truyền thông đã phát hành con tem in chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng - một nhà văn của những người lao khổ

Mi Sol
.
.
.