Bảo tàng chưa hút khách: Đổi mới tư duy để hút khách đến bảo tàng
Hiện cả nước có hơn 130 bảo tàng cả công và tư nhân, hầu hết đều nằm ở các vị trí tuyệt đẹp, như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nằm sát với Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nằm ở phố Điện Biên Phủ, Bảo tàng Mỹ thuật nằm trên đường Nguyễn Thái Học, Bảo tàng Phụ nữ cũng nằm ở phố Lý Thường Kiệt vv…
Hàng năm, các bảo tàng còn được đầu tư hàng chục tỷ đồng như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, đặc biệt, ngoài 2.300 tỷ đồng cho xây dựng, Bảo tàng Hà Nội còn được ngân sách đầu tư tới hơn 775 tỷ đồng cho phần nội dung trưng bày, chưa kể số tiền chi hàng năm. Các bảo tàng còn lưu giữ nhiều di sản quý của đất nước ở nhiều lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, kiến trúc, thiên nhiên vv… là những thế mạnh độc đáo.
Thế nhưng, không như kỳ vọng từ những gì được ưu đãi, hầu hết các bảo tàng đều có điểm chung là lượng khách khá khiêm tốn. Với số tiền đầu tư “khủng”, nhưng theo như ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, thì số khách tham qua Bảo tàng Hà Nội 5 năm qua chỉ khoảng 760.000 người, riêng 6 tháng đầu năm 2015 có 50.875 lượt khách.
Các bảo tàng cần đổi mới để thu hút khách tham quan. |
Theo Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trung bình mỗi tháng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chỉ đón khoảng 2.000 khách, giảm hơn 10% so với những năm trước. Trong số các bảo tàng ở Hà Nội, có lẽ chỉ Bảo tàng Hồ Chí Minh đông hơn cả với trên một triệu khách mỗi năm, tiếp đó là Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nhưng cũng chỉ chừng hơn 300.000 lượt khách/năm. Nếu so với các bảo tàng ở nước ngoài mỗi năm có cả chục triệu lượt khách mới thấy sự chênh lệch là không hề nhỏ.
Dĩ nhiên, với số lượng khách ít ỏi, số thu từ khách tham quan của các bảo tàng không đủ bù chi. Chưa kể, nhiều bảo tàng có số thu chủ yếu nhờ vào dịch vụ cho thuê địa điểm mở nhà hàng, chứ không phải từ bán vé cho khách. Cô giáo Ngô Kim Chúc, giáo viên Trường THCS thị trấn Đại Từ, Thái Nguyên, kể: Mới đây, cô đưa các em học sinh về tham quan một bảo tàng lớn ở Hà Nội. Nhưng sau khi thăm một số hiện vật thì các em đòi ra ngoài sân chơi, vì “chẳng có gì hay cả, đá với cây thì ở gần nhà em có đầy, mà là cây thật chứ không phải cây giả cô ạ”.
Tại sao du khách không muốn đến các bảo tàng? Dễ nhận thấy là hệ thống bảo tàng của ta đang trong tình trạng có cái gì thì bày cái đó, hoặc cố gắng phục chế hiện vật, đưa tranh ảnh vào trưng bày, coi bảo tàng như cuốn sách lịch sử, mà ít chú ý đến yếu tố hấp dẫn. Trong khi hiện nay, mọi người đều có nhiều phương tiện để tìm hiểu giải trí thì cách làm cũ kỹ như vậy làm sao có thể níu chân khách.
Tư duy không theo kịp xã hội được phản ánh ở nhiều bảo tàng, mà Bảo tàng Hà Nội là một điển hình, khi giữa đầu tư nhà bảo tàng với hiện vật bên trong không có sự đồng bộ. Chính vì thế, ngày khai mạc được tổ chức hoành tráng, với nhiều lãnh đạo cao cấp đến dự, nhưng ngôi nhà đã quá rỗng khi không có đủ hiện vật để trưng bày. Số đã có hầu hết là mượn của các nhà sưu tập đồ cổ và hiện nay, cũng chưa phải đã phong phú.
Nhà sử học Lê Văn Lan gọi cách làm bảo tàng đó là “tư duy hàng xén”. Với tư duy đó, các bảo tàng trưng bày chỉ như để giới thiệu cho hết số hiện vật, mà không chú ý đến tính gắn kết trong một chủ đề, chuyên đề mang tính thống nhất và có ý nghĩa. Như vậy làm sao người xem thấy được những thông tin xâu chuỗi, chiều sâu tri thức, trong khi đây là yếu tố tạo nên sức hút của bảo tàng.
Tư duy chậm đổi mới còn thể hiện ở việc các bảo tàng chưa quan tâm đến đa dạng hóa hoạt động dịch vụ, quảng bá thương hiệu. Hiện mới chỉ thấy Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội có những thành công bước đầu khi mời kiến trúc sư Veronique Dollfus, người Pháp mang được tính nghệ thuật vào không gian trưng bày, tôn được giá trị của các hiện vật.
Ngại đổi mới trong trưng bày là nét phổ biến ở các bảo tàng. Cũng chỉ có một số nơi như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới với quy chuẩn rõ ràng, khai thác khía cạnh chuyên sâu mà trưng bày thường xuyên không đáp ứng được, mang cho người xem nhiều thông tin và sự hấp dẫn. Có lẽ đó là lý do khiến 2 bảo tàng này luôn đông khách hơn cả!
Lạm dụng tính tuyên truyền, lại thiếu sự sáng tạo và tính nghệ thuật cũng là điểm chung ở nhiều bảo tàng khiến việc trưng bày trở thành khô cứng, thiếu sức sống.
Một cán bộ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, mô hình hệ thống bảo tàng Việt Nam ảnh hưởng của Liên Xô (trước đây) nên ngoài bảo tàng quốc gia và chuyên ngành, tỉnh nào cũng có bảo tàng phản ánh cả tự nhiên, văn hóa, xã hội của địa phương, trong khi hiện vật, tài liệu không đủ, khiến có những khoảng trống trong trưng bày.
Sở hữu rất nhiều lợi thế, nhưng hệ thống bảo tàng vẫn chưa phát huy được thế mạnh, có nguyên nhân lớn nhất là nguồn nhân lực chưa đủ trình độ, năng lực không theo kịp xã hội đang phát triển mạnh mẽ.
Đương nhiên, khi không hút được được khách tham quan thì mục tiêu giáo dục, tuyên truyền lẫn doanh thu của bảo tàng cùng bị phá sản. Văn hóa là thứ cần được đầu tư, coi trọng nhưng không thể cứ đầu tư mà không thấy hiệu quả. Do đó, cần phải thay đổi tư duy làm bảo tàng từ những người quản lý, để việc đầu tư thực sự có hiệu quả.