Bảo tàng CAND phấn đấu xứng đáng với truyền thống CAND

Thứ Hai, 03/05/2010, 12:37
Bảo tàng là nơi lưu giữ những giá trị mang tính truyền thống, lịch sử. Quá trình hình thành và phát triển 65 năm của ngành Công an luôn gắn liền với quá trình đấu tranh, xây dựng của đất nước.

Để xứng đáng với những đóng góp to lớn của lực lượng Công an trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, những người làm Bảo tàng CAND đang thầm lặng ngày đêm giữ gìn, tôn vinh những giá trị truyền thống cao đẹp của ngành. Đại tá - TS Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an, Giám đốc Bảo tàng CAND tâm sự về những hoạt động của bảo tàng CAND chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước…

- Thưa đồng chí, trước tiên xin đồng chí cho biết đâu là đặc trưng riêng của Bảo tàng CAND so với các bảo tàng khác?

- Bảo tàng CAND là nơi trưng bày những thành tích chiến đấu tiêu biểu của lực lượng CAND trong 65 năm qua và của quần chúng CAND trên mặt trận an ninh quốc gia. Với mục đích tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, cổ vũ quần chúng tham gia vào quá trình bảo vệ an ninh xã hội nên những hiện vật và cách trưng bày tại Bảo tàng CAND cũng có những đặc điểm khác biệt so với các bảo tàng khác. Mỗi hiện vật dù rất nhỏ được trưng bày tại đây đều gắn với một câu chuyện, một vụ án, một chiến công nào đó của quần chúng nhân dân và lực lượng CAND trong suốt 65 năm trưởng thành.

- Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, từ những hiện vật trưng bày tại Bảo tàng CAND, đồng chí có thể khái quát về những đóng góp của lực lượng CAND trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước?

- Có thể nói, trong các giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và từ khi hòa bình tới nay thì Bảo tàng CAND có được các hiện vật của thời kỳ chống Mỹ là rất đầy đủ. Từ những hiện vật này chúng ta có thể thấy rằng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ và ác liệt, lực lượng CAND luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, không sợ hy sinh gian khổ, đoàn kết chặt chẽ, công tác tận tụy, chiến đấu dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đánh thắng giặc Mỹ, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Trong cuộc đấu tranh một mất một còn chống kẻ thù xâm lược, đối đầu với các cơ quan tình báo gián điệp của đế quốc Mỹ và tay sai đã có gần 13.000 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân, góp phần to lớn đưa đất nước đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

- Một trong những mục tiêu của Bảo tàng CAND là tuyên truyền, tới quần chúng nhân dân truyền thống, anh hùng, hình ảnh cao đẹp người chiến sĩ CAND. Xin đồng chí cho biết để đến gần với nhân dân hơn, bảo tàng đã và đang mở rộng các hoạt động của mình như thế nào?

- Bảo tàng CAND hiện có vị trí và quy mô chưa tương xứng với tầm vóc của ngành Công an, vì vậy việc thu hút quần chúng nhân dân đến với bảo tàng vẫn còn hạn chế. Những người làm bảo tàng chúng tôi quan niệm, muốn để nhân dân hiểu về ngành Công an nhiều hơn, giúp đỡ lực lượng Công an nhiều hơn trong việc phòng ngừa, trấn áp tội phạm thì phải có những cuộc trưng bày gần gũi, thiết thực hơn nữa đến với nhân dân. Người dân ở các địa phương không phải lúc nào cũng có điều kiện về Hà Nội và đến xem Bảo tàng CAND.

Từ năm 2005 đến nay, chúng tôi đã tổ chức 5 đợt triển lãm lưu động dài ngày tại các địa phương như Cần Thơ, Đồng Nai, Điện Biên, Đắk Lắk… để nhân dân đến xem. Nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ cũng có chủ trương lập Bảo tàng CAND tại các khu di tích lịch sử. Tại các địa điểm này, cùng với các hiện vật trưng bày nói lên truyền thống của lực lượng Công an nói chung còn là những góc trưng bày truyền thống của địa phương. Như vậy để nhân dân mỗi địa phương hiểu được truyền thống Công an địa phương mình, ngoài các hiện vật, chúng tôi còn khuyến khích Công an mỗi địa phương làm một bộ phim tài liệu về lịch sử, truyền thống của mình để chiếu tại bảo tàng cho nhân dân xem.

Với các ngày lễ lớn của dân tộc, Bảo tàng CAND cũng tổ chức những cuộc trưng bày theo chủ đề, như "Bác Hồ với CAND" nhân dịp sinh nhật Bác, hay Công an nhân dân học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào dịp 19-8…

- Hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Bảo tàng CAND sẽ có những hoạt động gì, thưa Đại tá?

- Để chào mừng thành phố 1000 năm tuổi, Bảo tàng CAND sẽ tham gia trưng bày cùng với Bảo tàng Lịch sử trong chuỗi các hoạt động trước lễ kỷ niệm. Ngoài ra, là tham gia chỉnh lý bộ sách 1000 năm Thăng Long của ngành Văn hóa. Khai trương Bảo tàng CAND tại khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc ngày 19/8 tới đây cũng là một trong các hoạt động hướng tới lễ 1000 năm và được truyền hình trực tiếp.

- Đồng chí có thể cho biết khó khăn nhất của những người làm Bảo tàng CAND trong việc tìm kiếm và trưng bày các hiện vật là gì?

- Ngành Công an có những đặc thù riêng, cần bí mật trong khi đánh án và ngay cả khi "đánh" án xong rồi tài liệu cũng chưa chắc đã có thể công khai được. Việc trưng bày hiện vật tại bảo tàng cũng là một khó khăn đối với chúng tôi. Trưng bày như thế nào là đủ, là hợp lý, để nêu bật được những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù để nhân dân xem, học tập, phòng ngừa. Chỉ cần thái quá một chút thôi là việc trưng bày có thể gây cảm giác phản cảm, không tốt trong tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân.

Mong muốn của tôi trong tương lai, khi Bảo tàng CAND có trụ sở mới (đã được Bộ phê duyệt - PV) xứng với tầm vóc của ngành, việc trưng bày các hiện vật sẽ được đổi mới hơn, hấp dẫn hơn, để phục vụ đông đảo CBCS và nhân dân.

- Xin cảm ơn Đại tá Nguyễn Xuân Ngọc

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.