Bạo lực trong đời, bạo lực trong phim

Chủ Nhật, 13/11/2011, 11:07
Một trong những ám ảnh lớn nhất của các thiên tài nghệ thuật trong thế kỷ hai mươi, và kéo dài sang thế kỷ này, chính là căn bệnh nghèo tính người đang trở thành phổ biến trong đời sống nhân loại.

Khi Albert Camus viết "Người dưng", thì nhân loại đã được cảnh báo về căn bệnh rỗng khô tình người trong thời đại công nghiệp. Trước đó, Franz Kafka viết "Biến dạng" thì hình ảnh con người đích thực coi như đã bị biến mất. Đó đâu chỉ là cái nhìn bi quan về phẩm giá của loài người, đó còn là sự gào thét, sự cảnh báo về sự sa đọa ghê gớm. Con người bước vào kỷ nguyên văn minh vật chất, và rồi trí tuệ, nhân phẩm của con người đã bị teo tóp lại như một định mệnh đen tối.

Nhắc lại những gì mà các thiên tài của nhân loại đã cảnh báo ba phần tư thế kỷ trước, để chúng ta nhìn xem nền nghệ thuật chúng ta hôm nay đã làm được gì? Những tiếng nói có trách nhiệm trong văn chương, điện ảnh và các ngành nghệ thuật khác ra sao? Tôi đã ngậm ngùi khi thấy rằng, cái chân chính, thái độ trách nhiệm trong nghệ sỹ chúng ta dường như đang ngày càng bị che lấp, thậm chí nó như có vẻ mất đi.

Một nền nhân văn đang suy tàn chăng trước sức ép như vũ bão và sự thực dụng tráo trở của thời kinh tế thị trường. Sách, báo, phim ảnh đi vào những đề tài có tính giáo dục và thẩm mỹ cao liệu có thể tồn tại được dưới cái thời công nghệ thông tin Internet, cứ vào mạng là nhìn thấy đủ thứ vừa xấu xa, đồi bại, lại hấp dẫn kinh người. Làm sao để cái đẹp được tôn vinh, cảm xúc trong sáng được bảo vệ, lòng nhân ái vị tha được nhân lên?

Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh có tính chất mũi nhọn là văn hóa nghe nhìn, mà trọng tâm là phim ảnh, truyền hình. Ba phần tư thế kỷ nay, công nghệ nghe nhìn đã phát triển với tốc độ mỗi ngày một kinh khủng. Đầu tiên là sự bành trướng của truyền hình, rồi khi cách mạng Internet bùng nổ thập niên chín mươi của thế kỷ trước và những cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực truyền dẫn, bùng phát phương tiện di động đã làm thay đổi phương thức tư duy và tiếp nhận tri thức có tính truyền thống, chèn ép và làm suy tàn văn hóa đọc. Chính ở đây, những thế hệ mới gặp những sự hụt hẫng ghê gớm và một luồng cuốn xoáy hiểm nghèo.

Chìm đắm vào Internet, vào các phương tiện nghe nhìn người ta có thể bị mê lạc trong một cõi mênh mông vô tận như một vũ trụ ảo. Trên đó người ta gặp biết bao người, biết bao quan điểm, biết bao trò giải trí, bao nhiêu cạm bẫy, bạo lực, tình dục và những mưu ma chước quỷ. Con người dùng các thủ thuật ngụy trang có thể khám phá và tham gia vào nhiều trò xấu xa, nguy hiểm. Thực sự, nền văn minh Internet và các phương tiện nghe nhìn đã phát huy những mặt tiện lợi, nhưng cũng bộc lộ những tai hại có thể đẩy con người vào tình trạng bị hủy hoại về mặt tinh thần.

Cảnh phim Lý Tiểu Long truyền kỳ.

Một sản phẩm văn hóa tốt thường được sáng tạo trong sự kỳ công, trong sự vật vã và với tinh thần trách nhiệm cao. Những sản phẩm như vậy cần được nghiên cứu, bảo vệ và phổ biến một cách rộng rãi. Ngược lại, những thứ rác rưởi, xấu xa, đồi bại cần được hạn chế. Nhưng ngày nay, ở nước ta, cái tốt đã được khích lệ, nhưng cái xấu chưa bị kiềm chế. Và đáng sợ hơn, chúng ta có thời điểm đã trở thành một nơi du nhập của nhiều sản phẩm văn hóa lỗi thời, độc hại, phản tác dụng.

Đáng nói nhất là vấn đề bạo lực trong phim.

Bây giờ, hằng ngày ai cũng xem truyền hình, băng đĩa, hoặc xem phim qua Internet. Và ai trong chúng ta cũng đều phải thấy những cảnh bạo lực. Phim bạo lực chiếu ở khắp nơi. Những phim chưởng bộ Hongkong, phim xã hội đen Đài Loan chiếu ở bến xe, trên các chuyến xe khách suốt ngày suốt đêm. Phim chưởng cũng chiếu triền miên trên các kênh truyền hình miễn phí trong và ngoài nước được truyền dẫn vào tận phòng ngủ của mọi người. Cả trên các kênh truyền hình chính thống của Nhà nước thì lượng phim nước ngoài với những cảnh võ thuật đậm đặc cũng được chiếu hàng vạn tập liên tục trong vài chục năm nay mà không có dấu hiệu thuyên giảm.

Phim Việt Nam trước đây ít cảnh võ thuật, yếu về hành động, nay cũng coi bạo lực, võ thuật như một trong những phương thức truyền tải nội dung và câu khách. Sự chừng mực, giới hạn yếu tố bạo lực bây giờ gần như bị buông lỏng, nhiều người coi đó như một sự mặc nhiên. Còn trên Ineternet thì khỏi phải nói, đúng là thượng vàng hạ cám, cái gì cũng có, phim ảnh bạo lực trên đó là vô tận, bất kỳ lúc nào cũng có thể tải về máy tính cá nhân.

Hiện thực đáng buồn đó là điều không thể chối cãi.

Chúng ta có thể làm ngơ, có thể coi thường, có thể nói rằng đó là điều không tránh khỏi trong một thời đại mà sự văn minh không thể thiếu vắng bạo lực, văn hóa không thể bị định hướng bó hẹp trong một số người. Chúng ta có thể nhân danh sự tự do và tin tưởng vào sức đề kháng về mặt tinh thần của mỗi người. Nhưng xin thưa, điều đó không hoàn toàn đúng. Sản phẩm văn hóa dựa trên bạo lực đang giết chết đi biết bao điều tốt đẹp và hủy hoại sự yên bình trong mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi thế hệ và cả hành tinh.

Sẽ khó để tìm một hiệu quả trực tiếp từ một tác phẩm có tính bạo lực nào đối với sự hủy hoại nhân phẩm con người, nhưng hậu quả của nó là điều có thật. Chúng ta có thể định lượng bằng những hành động xấu xa, độc ác đang ngày càng lan rộng, phổ biến nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên, thế hệ chịu nhiều tác động và cũng là thế hệ tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa phim ảnh bạo lực: Chuyện một nam thanh niên cắt đứt đầu người yêu và nhận án tử hình trong sự thản nhiên đến kinh rợn; chuyện một nữ thanh niên cắt đứt cổ người tình trong đêm trên xe rồi bỏ đi như không có chuyện gì xảy ra; chuyện một phụ nữ cướp đứa trẻ thơ sinh vừa mới lọt lòng mẹ; chuyện những băng nhóm thanh trừng nhau trên đường; chuyện nữ sinh đánh nhau, lột quần áo của nhau trên sân trường; chuyện đua xe trái phép và chống lại người thi hành công vụ; chuyện bạo lực trong gia đình mà báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin hết năm này qua tháng khác…

Và còn biết bao điều đau thương trong sự hành xử thô bạo, trong lối sống mất gốc, trong những âm mưu toan tính bất chấp tình người và đạo lý. Cái thói hung hăng, hãnh tiến, coi người đời như cỏ rác bây giờ có cơ phát triển như một thứ bệnh dịch. Làm sao có thể nói những nhà làm văn hóa nói chung, những nghệ sỹ nói riêng không biết? Và làm sao chúng ta có thể coi như mình không hề có trách nhiệm gì trước những sự hủ bại trong tâm hồn đồng loại, sự xuống cấp của nhân cách?

Chúng ta đã có một thời nghèo đói cả vật chất lẫn tinh thần. Bây giờ chúng ta vẫn đang nghèo đói. Nhưng lạ lùng sao, chúng ta chỉ chăm lo cho bữa cơm, cho những tiện nghi sinh hoạt mà không chăm lo đầy đủ đến môi trường văn hóa. Người ta chú ý đến thực phẩm sạch, dinh dưỡng sạch mà không chú ý đầy đủ đến sự sạch sẽ, lương thiện của môi trường văn hóa, đặc biệt là phim ảnh.

Đến bao giờ chúng ta mới có những quy định hạn chế chiếu phim bạo lực trên truyền hình, hạn chế nhập các băng đĩa ngập tràn những cảnh giết chóc không biết ghê tay? Đến bao giờ việc định hướng sản xuất phim ảnh chú trọng làm giảm yếu tố bạo lực man rợ mà vẫn tạo được hấp dẫn cho công chúng?

Đã đến lúc không còn thơ ơ hay chậm trễ được nữa. Bạo lực đã hủy hoại tình người như một thứ a xít tràn lan trong môi trường văn hóa nghe nhìn. Bạo lực đang phá vỡ mọi nỗ lực tốt đẹp và thành tựu giáo dục nhân cách của chúng ta.

Hà Nội 10/11/2011

Thiên Sơn
.
.
.