Bao giờ người dẫn chương trình được đào tạo chuẩn?

Chủ Nhật, 19/06/2011, 09:12
Hàng trăm sự cố của người dẫn chương trình trên sân khấu đã chứng tỏ rằng đây là một "nghề" có nhiều thử thách mà không phải ai cũng đứng vững và có cơ hội đi đến cùng. Không ít trường hợp, chỉ vì một lần nói sai, nói ngọng, người dẫn chương trình không còn cơ hội được mời lên sân khấu lần thứ hai.
Ở Việt Nam hiện nay, dẫn chương trình chưa được coi là một nghề, chưa có giáo trình đào tạo chính thống và cũng chưa có một qui chuẩn rõ ràng. Mặc dù vậy, trước nhu cầu ngày càng lớn của xã hội về lĩnh vực này, nhiều khóa học ngắn hạn đào tạo phát thanh viên, dẫn chương trình ở một số trường đại học, các trung tâm, các nhà văn hóa, và cả công ty tư nhân đã được mở.

Đây là những lớp truyền nghề bằng kinh nghiệm, mang tính tự phát và mới chỉ dừng lại ở những kiến thức sơ đẳng, trong khi cuộc sống hội nhập đang đòi hỏi người dẫn chương trình nhiều phẩm chất quan trọng. Thực tế này cho thấy đã đến lúc chúng ta phải có sự quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực còn "bỏ ngỏ" này!

Với mong muốn có thêm nhiều kiến thức về công việc của người dẫn chương trình, tôi quyết định tham gia một khóa đào tạo phát thanh viên, dẫn chương trình ngắn hạn mà tôi tự gọi vui là "một chuyến tàu tốc hành để có thể trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp". "Con tàu" mà tôi chọn cho chuyến tốc hành của mình là Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - nơi có những "người lái tàu" là các nghệ sĩ, phát thanh viên, người dẫn chương trình đã thành danh như NSƯT Kim Cúc (Đài Tiếng nói Việt Nam), NSƯT Thanh Hùng (Đài Truyền hình Việt Nam), NSƯT Lê Chức (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), biên tập viên - người dẫn chương trình Vũ Thanh Hường (Đài Truyền hình Việt Nam), người dẫn chương trình Lê Anh (Đài Truyền hình Việt Nam)…

NSƯT Lê Chức (phải), tác giả và học viên lớp dẫn chương trình.

"Con tàu" được chạy trên "đường ray lịch trình" với thời gian 2 tháng, đưa hơn 50 "hành khách" - hứa hẹn là những người dẫn chương trình tương lai - đi qua nhiều miền kiến thức từ kỹ thuật đọc, nghệ thuật kể chuyện, kỹ năng thuyết trình, nghệ thuật biên soạn lời dẫn, đến nghệ thuật trang điểm… Khi "đoàn tàu" lớp học bắt đầu chuyển bánh thì cũng là lúc chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình...

Học nói… không dễ!

Chặng đường đầu tiên của "chuyến tàu tốc hành" đưa chúng tôi trải nghiệm với môn học Kỹ thuật đọc, Nghệ thuật kể chuyện dưới sự hướng dẫn của NSƯT Kim Cúc. Lần lượt mỗi người trong chúng tôi đọc các văn bản ở nhiều thể loại gồm tin tức, bình luận, thơ và truyện ngắn. Ai cũng rất tự tin vì nghĩ rằng đọc và kể thì có gì là khó, biết chữ là có thể đọc được, kể được. Nhưng sau khi thực hành và được nghe nghệ sĩ Kim Cúc nhận xét, chúng tôi mới thấy ai cũng có những nhược điểm của mình, người thì đọc chưa chuẩn âm, người thì bị hụt hơi ở cuối những đoạn văn dài, số khác lại chưa diễn cảm… Vậy là ai cũng có thể đọc, ai cũng có thể kể nhưng để đọc hay, kể hay thì vô cùng khó, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chất giọng "trời phú" và sự khổ luyện không ngừng.

Cái "nghề" nói trước công chúng đòi hỏi phát thanh viên, người dẫn chương trình phải nói như thế nào để cho công chúng nghe và muốn nghe. Họ giống như người nghệ sĩ của ngôn từ, vừa phải có kiến thức để làm chủ một kho tàng từ ngữ rộng lớn, vừa phải "biểu diễn" ngôn từ bằng giọng nói, nét mặt, cử chỉ…, sao cho ngôn từ được chuẩn mực, sống động và cuốn hút nhất.

Theo nghệ sĩ Kim Cúc, một phát thanh viên, dẫn chương trình trên đài phát thanh, truyền hình quốc gia trước tiên phải đạt những yêu cầu tối thiểu về giọng nói; đó là tròn vành, rõ tiếng, chuẩn âm, không nói ngọng, không nói lắp. Nếu ví mỗi từ mà phát thanh viên, người dẫn chương trình nói ra tròn và sáng như một viên ngọc đã được gọt giũa thì mỗi câu mà họ nói ra cần phải là một chuỗi ngọc rực rỡ sắc màu, đầy sức cuốn hút.

Nghệ sĩ Kim Cúc cũng ví phát thanh viên, người dẫn chương trình giống như "con tắc kè hoa", phải biết cách thay đổi màu sắc giọng điệu để người nghe luôn thấy mới mẻ, không bị mệt mỏi, không bị nhàm chán. Nghệ sĩ đã chia sẻ những bí quyết tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho lời nói là thay đổi tiết tấu lời, biết cách ngắt nghỉ, đặc biệt là nghệ thuật nhấn âm, nhả chữ. Nghệ sĩ còn nhấn mạnh rằng phát thanh viên, người dẫn chương trình có giọng nói hay và chuẩn âm là chưa đủ mà còn cần đến giọng nói khỏe và dẻo dai; lời nói không chỉ đạt tốc độ, cao độ, mà còn phải đạt tới trường độ.

Để đạt được trường độ, bí quyết mà nghệ sĩ truyền đạt lại cho chúng tôi là luyện thở bụng: Cơ thể thả lỏng, hít một hơi đầy căng bụng qua mũi, sau đó hơi được thoát hết ra ngoài từ từ qua miệng. Đây là cách luyện thở giống như trong tập Yoga, hoặc tập dưỡng sinh. Nó khiến cho người tập làm chủ được hơi thở của mình, biết cách lấy được nhiều hơi, giữ hơi và dùng hơi một cách hiệu quả.

Nghệ sĩ Kim Cúc cho biết việc luyện thở bụng ban đầu sẽ gây đau toàn phần cơ bụng nhưng kiên trì vượt qua cái đau đớn ấy, người luyện tập sẽ trở thành chủ nhân của một nguồn sinh khí dồi dào, rất có lợi cho việc phát âm. Đối với nghệ sĩ Kim Cúc, việc luyện thở được diễn ra đều đặn và thường xuyên, tranh thủ cả những lúc đang làm công việc khác, đến nỗi nó trở thành một thói quen thường ngày. Mấy chục năm trong nghề, có những lúc nghệ sĩ phải ngồi đọc trong phòng thu suốt 120 phút không nghỉ. Nếu không có sự luyện tập thường xuyên thì nghệ sĩ sẽ không thể có một giọng nói dẻo dai như thế.

Đối mặt với thử thách dưới ánh đèn sân khấu

Sau những giờ học lý thuyết, "con tàu tốc hành" đưa chúng tôi tới những giờ thực hành trước ống kính máy quay. Đứng trên sân khấu, những người học "nghề" như chúng tôi mới được "nếm trải" biết bao sự nhọc nhằn của công việc dẫn chương trình. Bởi dưới ánh đèn sân khấu, người dẫn chương trình không chỉ là người nghệ sĩ của ngôn từ mà họ còn cần là một người nghệ sĩ đa tài.

NSƯT Thanh Hùng cho biết để thực hiện tốt chức năng là "người giữ lửa", là "chất xúc tác" cho chương trình với nhiệm vụ tối quan trọng là không được để chương trình trống vắng, người dẫn chương trình nên biết hát, múa, tấu hài, diễn kịch câm…, và trên hết là phải biết cách ứng xử, ứng biến linh hoạt. Muốn có được cách ứng biến linh hoạt, một trong những điều quan trọng là người dẫn chương trình phải thực sự hiểu nội dung công việc của mình và phải có sự chuẩn bị chu đáo.

Người dẫn Lê Anh cho biết, khi dẫn chương trình Robocon, anh đã phải dành thời gian để tìm hiểu về chương trình, trong đó đặc biệt tìm hiểu các thuật ngữ chuyên ngành như "Roto", "cảm ứng", "cảm biến"… Từ kinh nghiệm thực tiễn tham gia hàng trăm chương trình truyền hình trực tiếp, anh cũng cho biết khi dẫn các chương trình giao lưu nghệ thuật, anh rất chú ý lắng nghe nội dung lời nói của nhân vật để khi cần thiết có thể chủ động ngắt lời nhân vật một cách… "ngọt" nhất để người nói cũng như người nghe không bị hụt hẫng, đồng thời chương trình vẫn diễn ra trôi chảy và đảm bảo thời lượng.

Còn biên tập viên Vũ Thanh Hường lại chia sẻ rằng, chị thường chuẩn bị ít nhất hai lời dẫn cho cùng một nội dung dẫn chương trình để tùy thuộc vào tính chất và đối tượng khán giả cụ thể tại nơi diễn ra sự kiện, chị sẽ lựa chọn cách dẫn và lời dẫn phù hợp. Ngoài ra, chị cũng luôn dự kiến trước những tình huống bất ngờ để có thể linh hoạt ứng biến trên sân khấu.

Tuy vậy, không phải lúc nào người dẫn chương trình cũng dự tính và ứng biến thành công mọi sự cố trên sân khấu. NSƯT Thanh Hùng cho biết, sự cố thường gặp nhất đối với những người dẫn chương trình là quên lời dẫn, nhầm tên nhân vật hoặc nói nhịu. Nhiều năm trong nghề, nghệ sĩ đã chứng kiến và được biết không ít sự cố "dở khóc dở cười".

Trong phần giới thiệu các vị đại biểu tham dự một chương trình đầy ý nghĩa, thay vì giới thiệu tên "ông Dương Mạnh Hùng" như trong danh sách, người dẫn đã nói nhầm thành "ông… Rung Mạnh Giường" khiến khán giả bật cười nghiêng ngả, còn nhân vật được giới thiệu phải… "lặng người đi" hồi lâu, không dám ngước mặt nhìn khán giả.

Một trường hợp khác, người dẫn chương trình lại giới thiệu nhầm tên bài hát "Tôi là người thợ lò" thành… "Lo là người thợ tồi"; "Đạp xe ngang nhà em" thành "Đạp… em ngang nhà xe"; thậm chí nhầm tên hai chương trình truyền hình khá "ăn khách" hiện nay - "Ai là triệu phú", "Chúng tôi là chiến sĩ" - thành "Chúng tôi là triệu phú", "Ai là chiến sĩ"…

Hàng trăm sự cố của người dẫn chương trình trên sân khấu đã chứng tỏ rằng đây là một "nghề" có nhiều thử thách mà không phải ai cũng đứng vững và có cơ hội đi đến cùng. Không ít trường hợp, chỉ vì một lần nói sai, nói ngọng, người dẫn chương trình không còn cơ hội được mời lên sân khấu lần thứ hai.

Phát huy "tài sản quốc gia"

"Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" - Tôi tin rằng mỗi người Việt khi nghe câu nói này trên nền nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam đều không thể không xúc động và tự hào. Câu nói trở thành lịch sử; còn người nói trở thành đại diện cho cả một dân tộc anh hùng, một nền văn hóa lâu đời và một công cuộc đấu tranh giữ nước, dựng nước trường kỳ, vĩ đại… Từ đó, sẽ không quá lời khi nói rằng phát thanh viên, người dẫn chương trình trên đài phát thanh, truyền hình quốc gia là "tài sản quốc gia".

Nhưng một thực tế là công việc của những người dẫn chương trình hiện nay chưa có được cách nhìn và vị trí tương xứng. Biên tập viên Vũ Thanh Hường cho biết lực lượng người dẫn chương trình trong Đài Truyền hình Việt Nam hiện nay đa phần không biên chế, thường là cộng tác viên của Đài. Họ làm việc trong các cơ quan, đơn vị khác và coi dẫn chương trình chỉ là một công việc phụ. Theo người dẫn chương trình Lê Anh, ở Việt Nam, dẫn chương trình cũng chưa được coi là một nghề, chưa có giáo trình đào tạo chính thống và chưa có một qui chuẩn rõ ràng. Người dẫn chương trình đang phải vừa làm, vừa học, vừa tìm hiểu trên tinh thần "làm lâu khắc biết, làm nhiều khắc thành… chuyên nghiệp".

Cuộc sống hội nhập với sự đan xen nhiều giá trị văn hóa đang đòi hỏi chúng ta phải biết cách chọn lọc và tiếp thu những giá trị mới, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Một yêu cầu quan trọng đối với phát thanh viên, người dẫn chương trình trong thời kỳ hiện nay là khả năng ngoại ngữ tốt và vốn hiểu biết khá toàn diện về văn hóa, tình hình kinh tế, chính trị của các nước trên thế giới. Nhưng không vì thế mà họ được quên một nhiệm vụ trọng yếu là phải kế tiếp và phát huy truyền thống, văn hóa của dân tộc, trong đó có nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ngôn ngữ Việt.

Biên tập viên Vũ Thanh Hường cũng đề cập đến một vấn đề rất đáng quan tâm; đó là vấn đề đạo đức và lối sống của mỗi phát thanh viên, người dẫn chương trình trên đài phát thanh, truyền hình quốc gia. Theo chị, chính vì là đại diện cho quốc gia, dân tộc nên mỗi phát thanh viên, người dẫn chương trình phải có lối sống lành mạnh, mẫu mực để luôn giữ ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng công chúng.

Sau cuộc hành trình kéo dài hai tháng, "đoàn tàu tốc hành" của chúng tôi đã về tới đích. Số lượng "hành khách" đã vắng hơn so với lúc đầu bởi một số người đã không còn đủ kiên nhẫn, lòng quyết tâm để đi đến cùng con đường. Và tất nhiên, niềm vinh quang, sự thành công chỉ dành cho những ai đã và sẽ nỗ lực hết mình để hiện thực hóa một hoài bão và ước mơ lớn lao là trở thành phát thanh viên, người dẫn chương trình chuyên nghiệp

Liên Phan
.
.
.