Báo chí Việt Nam - từ văn hóa dân gian đến hiện đại

Chủ Nhật, 21/01/2007, 09:20

Từ góc nhìn của báo chí truyền thông, tôi cho rằng, báo chí Việt Nam cũng đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức trong một “thế giới phẳng”, và người Việt Nam đã tìm ra cách riêng, đã biết làm báo một cách rất hiện đại trên một “căn tính nông dân” (chữ dùng của cố GS Trần Quốc Vượng).

Xin bắt đầu bằng những sự kiện truyền thông cụ thể, mà tôi đã đọc được ở báo giấy và báo mạng gần đây, trong thời gian diễn ra APEC và hậu APEC ở Hà Nội:

1. Thủ tướng Úc John Howard vẫn giữ thói quen tập thể dục buổi sáng từ quê hương “chuột túi” của mình, bằng cách đi bộ, chạy bộ vòng quanh một nơi đẹp nhất Hà Nội: Hồ Hoàn Kiếm. Tôi đoan chắc rằng ông thấy vô cùng thoải mái, sung sướng hít thở không khí tinh khôi buổi mai trong vắt của Hồ Gươm, Hà Nội.

2. Cặp vợ chồng siêu sao điện ảnh Mỹ: Brat Pitt và Angelina Jolie, với trang phục khá là xuềnh xoàng, giản đơn, dạo chơi dòng dòng bằng xe máy, mua sắm, ăn uống khá là thoải mái, tự do trên đường phố Sài Gòn.

3. Trưa mồng 6/12. Tôi hoàn toàn không ngờ mình đang đi xe máy dọc theo phố Tràng Tiền, đúng theo con đường đi bộ của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Tôi dừng xe trước đèn đỏ, cạnh Tràng Tiền Plaza, quay nhìn đúng lúc Bill Clinton cùng những người tháp tùng đang chuẩn bị sang đường, đi qua tiệm phở 24, về phía Hồ Gươm...

Ngay tối hôm ấy đi dạy học về, mở Vietnamnet đã thấy đưa tin, bài và ảnh Bill Clinton cười tươi rói, thân mật bắt tay, trò chuyện với người dân Hà Nội ngay trên nền mặt Hồ Gươm sóng êm, sương mỏng đẹp khủng khiếp.

Đi lướt qua, quay đầu nhìn lại, tôi mừng cho Bill Clinton đã chọn được thời khắc dạo Hồ Gươm vào một buổi trưa mờ sương quá đẹp của cái rét đầu đông Hà Nội. Và ngay lúc ấy, càng mừng cho các đồng nghiệp nhà báo đã có công “canh me” ông cựu Tổng thống Mỹ đẹp trai, lịch thiệp này từ sáng sớm, chờ suốt mấy tiếng đồng hồ, cho đến gần 12 giờ trưa mới được tác nghiệp. Thấy họ chụp ảnh lia lịa mà thèm!

Ở đây, tôi thấy xuất hiện những vấn đề truyền thông hiện đại ở báo chí Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

Sau ba sự kiện truyền thông vừa kể trên, sau nhiều quan sát, suy tư, nghiệm sinh, và kể cả âu lo nữa, về phương cách làm báo của những tờ báo có nhiều độc giả nhất ở Việt Nam (Thí dụ: Thanh niên, Tuổi trẻ, An ninh thế giới...) và so sánh tác động đa dạng của các loại hình báo chí: từ báo giấy, đến báo nói, báo hình, báo điện tử... thì thấy rằng, trước hết, cả thế giới đương đại trong thế kỷ XXI, đã được gọi đúng như tên gọi một cuốn sách “best seller” mới được dịch sang tiếng Việt gần đây: “Thế giới phẳng” của tác giả người Mỹ Thomas L.Friedman.

Đúng là “thế giới phẳng” thật (hoặc ít nhất là cũng gần phẳng): muốn biết tin tức toàn cầu, và nói chung, muốn biết những gì cần biết, có thể chỉ bằng một cú nhấp chuột! Và “toàn cầu hóa”, “hội nhập” đã là xu thế đương nhiên, không thể tránh!

Từ góc nhìn của báo chí truyền thông, tôi cho rằng, báo chí Việt Nam cũng đang đứng trước cả cơ hội lẫn thách thức trong một “thế giới phẳng”, và người Việt Nam đã tìm ra cách riêng, đã biết làm báo một cách rất hiện đại (nhất là gắn báo chí với chính trị, như một cách làm văn hóa, đúng như tôi đã thấy và đã đưa ra ba sự kiện truyền thông vừa nói ở phần mở bài), trên một “căn tính nông dân” (chữ dùng của cố GS Trần Quốc Vượng).

Căn tính này, vốn không mấy thuận lợi cho việc phát triển một nền báo chí hiện đại kiểu phương Tây. Lý do: Trong cấu trúc xã hội nông nghiệp của làng xã Việt Nam cổ truyền, cơ chế thông tin duy nhất là “cơ chế tin đồn” (cũng là chữ dùng của cố GS Trần Quốc Vượng).

Tôi vẫn cho rằng với lao động chăm chỉ, cần mẫn vốn có trong mặt mạnh của “căn tính nông dân”, và ngày nay, đã thành mặt mạnh của một “căn tính truyền thông”, các nhà báo Việt Nam hôm nay đã thật sự “hiện đại hóa” nghề báo của mình bằng hai phẩm chất thật đáng quý: đó là sự nhạy cảm về chính trị và khả năng chịu thương chịu khó “cày sâu cuốc bẫm” trong hành nghề, bằng cách chịu đi, nhìn, nghe, nghĩ, ghi chép, chụp ảnh, ghi hình... và cả đời họ, có lẽ chỉ bận tâm trả lời câu hỏi duy nhất khắc khoải của nghề báo, vốn là nghề thông tin và chỉ thông tin về: Cái gì mới?

Phải nói thêm là, trong “căn tính nông dân”, “căn tính truyền thông” của tính cách nông dân Việt, còn hàm chứa một nét văn hóa nữa: đó là một thứ tinh thần dân chủ làng xã của nếp sống dân chủ - bình đẳng, mang đậm tính cộng đồng, cho nên, báo chí Việt Nam hôm nay còn phát lộ một vẻ đẹp nữa của sự dân chủ, bình đẳng: đó là vẻ đẹp của những tác phẩm báo chí mang tính phản biện. Nhiều trường hợp tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cửa quyền... đã bị báo chí phanh phui, bóc trần, với một tinh thần dũng cảm, biểu lộ rõ vẻ đẹp của tính khuynh hướng trong báo chí Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, cũng là cái nhìn biện chứng, khi thấy rằng, mặt hạn chế của căn tính truyền thông, như là kết quả của căn tính nông dân, cũng biểu lộ rất rõ ở một thực trạng của báo chí Việt đương đại, như thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện những bài báo bịa đặt, dựng đứng thông tin không thương tiếc, hoặc “nhanh nhẩu” “cầm đèn chạy trước ôtô”, hoặc quá đà trong đưa tin, hoặc khai thác quá thô bạo vào chuyện riêng tư của văn nghệ sĩ trong nước, ngoài nước v.v... Tóm lại, vẫn còn tồn tại đâu đó, thậm chí còn dai dẳng những kiểu cách thông tin hiện đại theo “cơ chế tin đồn” lạc hậu và xưa cũ...

Song, chính là sự kiện Việt Nam vào WTO đã như một cú hích mới cho báo chí Việt chuyển mình. Cú hích này đã khiến trước mặt báo chí đương đại Việt Nam hiện rõ mồn một cả thách thách lẫn triển vọng, hơn nữa lại trên một nền cảnh “thế giới phẳng” về thông tin, đã khiến báo giới Việt Nam buộc phải nhìn lại mình, với cái nhìn thật sự mang chiều sâu triết học.

Xin được đặt niềm hy vọng vào báo giới Việt Nam, cùng sự đổi mới thật sự tư duy truyền thông, với tư cách là chủ thể thông tin!

.
.
.