Bâng khuâng và hoài niệm

Thứ Năm, 27/03/2008, 13:10
Chương trình Ngẫu hứng Hữu Ước và Tiếng lòng & giọt mưa xuân khép lại đã hơn 10 ngày rồi mà sao trong tôi vẫn văng vẳng những giai điệu của bài ca Chúng tôi là nghệ sĩ của tác giả - nhà văn Hữu Ước:
... Chúng tôi là nghệ sĩ; Ai bảo dại là khôn; Ai bảo khôn là dại;Nhưng nào có sá gì; Khôn và dại như nhau; Vì chúng tôi là nghệ sĩ; Nghệ sĩ của nhân dân…

Có một điều gì đó làm tôi cứ bâng khuâng và tự hỏi: Vì sao tôi lại cảm thấy như luyến tiếc một cái gì đó như tôi vừa qua một giấc mơ, một giấc mơ mà trong đó tôi được trẻ lại, được sống lại một thời  đầy đam mê và đầy khát vọng nghệ thuật.

Hình như thấy được cảm xúc đó trong tôi nên khi tôi tới toà soạn Báo CAND, một nhà báo liền mở computer để phát lại bài hát "Chúng tôi là nghệ sĩ". Quả thực, bài hát đã đánh thức trong tôi những xúc cảm nghệ sĩ mà lâu lắm rồi chúng tôi mới lại có được.

Tất cả tái hiện dần trong tôi…

Bắt đầu từ một buổi gặp mặt thân mật nhưng hết sức ngẫu nhiên tại một quán bia Tiệp trên đường Tăng Bạt Hổ đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm Nhà hát Kịch Việt Nam nên chúng tôi hội tụ đông đủ các danh tài của Nhà hát Kịch Việt Nam: Thế Anh, Trọng Khôi, Trần Tiến, Đoàn Dũng… cùng Thiếu tướng - nhà văn Hữu Ước, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận, cùng một loạt  bạn học của tôi tại Tiệp Khắc khi xưa mà nay là đại diện Chuyên đề An ninh thế giới tại châu Âu…

Chúng tôi cùng nhau ôn lại bao nhiêu kỷ niệm của một thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam, những năm tháng chiến tranh gian khổ… Rồi chúng tôi hát những bài nhạc thời xa xưa và cùng nhau đắm chìm vào hoài niệm.

Giữa không khí vui vẻ và thân mật như vậy nên mọi người không ai bảo ai đều sẵn sàng đóng góp cho cuộc vui những tâm tình của mình và nhà văn Hữu Ước đã hứng lên tặng ngay chúng tôi bài ca "Vỉa hè Hà Nội" rất độc đáo và rất Hà Nội đến nỗi Đoàn Dũng nghe xong rơm rớm nước mắt vì trong ông, Hà Nội luôn là niềm đau đáu nhớ thương…

Bài ca được mọi người tán thưởng và thế là Hữu Ước nảy luôn ra ý tưởng mời chúng tôi tham gia chương trình của ông vào tháng 3 năm 2008 - Chương trình nghệ thuật từ thiện do Báo CAND đứng ra tổ chức.

Chúng tôi vô cùng hào hứng và trong lúc bốc "máu nghệ sĩ", cả mấy anh em nhận lời luôn.

Rồi chúng tôi chia tay nhau, Đoàn Dũng, Thế Anh về Nam, Trần Tiến lại quay về với ngôi nhà "đơn bóng" tại đường Nguyễn Thái Học, còn tôi lại "một ngày như mọi ngày" bên những cây cọ, những tuýp màu và những tấm toan…

Nhưng chúng tôi biết chắc rằng Hữu Ước đã nói là làm nên vẫn ngóng chờ ngày thực hiện chương trình nghệ thuật đặc biệt này.

Sau Tết Nguyên đán, báo chí bắt đầu đưa tin và công việc chuẩn bị cho chương trình thì cũng là lúc chúng tôi thực sự lo lắng. Lo lắng vì sợ mình làm không tốt sẽ phụ lòng của Thiếu tướng - nhà văn, sẽ để lại những điều tiếng chẳng tốt lành gì…

Sự lo lắng lại càng tăng khi chúng tôi nhận được đĩa ghi âm những tác phẩm của Hữu Ước, nhất là bài ca "Vỉa hè Hà Nội" mà theo như đề nghị ban đầu của tác giả thì chúng tôi phải trình bày bài này.

Tôi nhận điện của Đoàn Dũng tâm sự thật cùng tôi về nỗi lo lắng của ông nhưng tôi cũng đùa Đoàn Dũng rằng chúng ta đã cưỡi lưng hổ rồi thì sao còn mong xuống được nữa, cứ bình tĩnh vì chắc chắn Hữu Ước cũng không đến nỗi dồn chúng ta tới chân tường đâu…

Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi vẫn chờ một quyết định thay đổi bài hát vào những ngày cuối cùng trước khi khai mạc chương trình.

Và đúng thật, Thiếu tướng đã "đánh giá đúng tình hình" và đã có một quyết định đúng đắn khi chỉ để chúng tôi tham gia trong ca khúc "Chúng tôi là nghệ sĩ" với xương sống của tiết mục là hai NSND nổi danh Trần Hiếu và Quang Thọ. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Ngày Đoàn Dũng, Trần Hiếu, Thế Anh ra Bắc là một ngày rất vui. Tất cả đều háo hức như người lính sắp bước vào trận đánh.

Trần Tiến, Quang Thọ, Trọng Khôi và tôi rất đúng hẹn tới trụ sở Chuyên đề ANTG tại Yết Kiêu để luyện tập và thật bất ngờ ngay từ lần ráp đầu tiên cùng nhạc đệm, tất cả chúng tôi đều đã thuộc làu và hát rất có lửa…

Hoá ra, với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm sân khấu suốt bao năm qua đã khiến chúng tôi có được phẩm chất chính xác và nghiêm túc trong nghệ thuật như vậy. Sau này hỏi ra mới biết từ lúc nhận được đĩa nhạc của Hữu Ước, cả lũ chúng tôi ở nhà như những kẻ dở hơi. Thế Anh thì suốt ngày đeo tai nghe và lẩm bẩm lời ca.

Tại nhà Đoàn Dũng thì cả nhà thuộc lầu bài ca "Chúng tôi là nghệ sĩ" vì ông hát từ sáng đến tối. Còn tôi thì có đêm thức dậy vẫn thấy bên tai vang lên bài ca vì tự cảm thấy tuổi tác đã khó học thuộc lời thì tốt nhất cứ cho máy nó chạy nhạc suốt hết lần này tới lần khác, trước sau nó cũng phải vào tai… Mà nó vào tai thật!

Thế là tôi hát. Hát nhiều tới độ cháu tôi phải thốt lên đùa ông rằng: "Vâng! Cháu biết các ông là nghệ sĩ rồi!".

Thật may mắn vì bài hát cũng dễ nghe và dễ thuộc!

Cũng phải nói thêm rằng: Công bằng mà nói thì số bài hát nói về thân phận nghệ sĩ ở ta xưa nay quả là ít nên khi tác giả nói về nghệ sĩ thì phần nào cũng gây được cảm xúc rất "rung" để chúng tôi thể hiện bài hát. Chúng tôi  hát mà vừa thương, vừa tự hào về chúng tôi - những người nghệ sĩ cùng bao gánh buồn vui trên vai, bao tiếng dại khôn ở đời, bao vinh quang và cay đắng… nhưng bỏ qua tất cả chỉ vì mục đích cao cả nhất được là người nghệ sĩ của nhân dân, được "dâng tiếng hát cho đời bằng trái tim yêu thương".

Những đêm diễn đầy hào hứng, xúc động và đối với chúng tôi đâu phải chỉ là ánh đèn sân khấu, phòng khán giả rộn rã những tiếng vỗ tay tán thưởng, những lời khen, những bó hoa… mà còn là những giây phút để hoài niệm về một quá khứ đầy vinh quang và đáng tự hào của mỗi chúng tôi…

Nhìn Thế Anh hát, tôi lại nhớ về một thời đã qua ở chiến trường Khu 4 ác liệt, những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tôi cùng Thế Anh, Doãn Hoàng Giang, Văn Hiệp… Chúng tôi đã cùng nhau trong tốp ca hát bài ca hài hước về lính Mỹ vô làng sập phải chông của du kích…

Lần nào ra hát cũng được vỗ tay đề nghị hát lại.

Rồi biết bao ngày trên chiến trường, chúng tôi thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu đủ mọi thứ nhưng vẫn rất vui vì được sống trong lòng dân, được diễn kịch, được hát cho bà con nơi tuyến lửa nghe dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ…

Với Đoàn Dũng thì chúng tôi đã cùng nhau diễn trên sàn sân khấu Nhà hát Lớn này biết bao nhiêu lần trong các vở "Câu chuyện tình yêu", trong "Vụ án người đốt đền", "Bài ca Điện Biên", "Hoa Anh Túc"… Con người xù xì nhưng hay khóc này đã bao lần rơi lệ khi có ai đó nhắc đến một làn gió heo may, một cái se lạnh của mùa thu Hà Nội… Vậy mà hôm nay đứng hát tung tăng như trẻ thơ…

Với Trần Tiến, Trọng Khôi thì biết bao kỷ niệm cũ của những ngày đi lưu diễn tại Liên Xô trước đây, tại Hoa Kỳ với tác phẩm bất hủ "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"…

Nhìn Trọng Khôi hát, có lẽ ít ai nghĩ rằng mới trước đó ít ngày, ông còn nằm trong bệnh viện tưởng như không thể tham gia cùng chúng tôi được.

Thế là hôm nay, sau bao xa cách, bao trắc trở của không gian, thời gian, chúng tôi lại được về cùng nhau để đứng trên sàn diễn này, sàn diễn đã gắn bó với cuộc đời của chúng tôi suốt nửa thế kỷ qua. Vậy sao mà không xúc động, sao mà không thấy thổn thức trong tim được?

Chương trình đã khép lại nhưng niềm vui và nỗi nhớ sẽ còn mãi trong tâm hồn các nghệ sỹ.

Trước giờ diễn, chúng tôi làm dáng cho nhau từ cái cà vạt cho đến cái áo vét, đôi giày và nói đùa với nhau rằng: Mấy lão già còn đỏm dáng ra phết!

Thế Anh vừa hát, vừa nói đến khản cả cổ mà vẫn nói, vẫn hát say sưa!

Đến tiết mục của chúng tôi, người chỉ huy đêm diễn phát micro cho chúng tôi và mời các "cụ" ra biểu diễn. Được gọi là "cụ" mà sao tôi thấy trong từ này có cả hai vị ngọt ngào và đăng đắng thế nào ấy…

Suốt một tuần lễ biểu diễn, đêm nào chúng tôi cũng không ai bảo ai tới nhà hát rất sớm mặc dù tiết mục của chúng tôi ở vào tận giữa chương trình. Chúng tôi đến sớm để gặp gỡ bạn bè, người thân, đàm đạo về nghệ thuật…

Nhưng chủ yếu là để được đắm mình trong hoài niệm của những không gian và thời khắc thiêng liêng của nơi thánh đường đã gắn bó cả cuộc đời chúng tôi. Để được đi lại, đếm bước chân mình trên những "lối xưa" trong nhà hát. Để tận hưởng cái giờ G của mỗi "anh lính nghệ sĩ" đêm đêm ra trận trên sàn diễn, được ngồi vào những chiếc ghế trong phòng hoá trang, được sờ vào cánh màn nhung, cánh màn trước đây đã từng bao lần cùng chúng tôi rung lên trong bom đạn thời chiến tranh, được ngửi cái "mùi sân khấu" rất đặc biệt mà chỉ những ai đã từng ở nơi đây mới cảm thụ được và cuối cùng là được đắm mình trong cái bóng tối huyền diệu của khán phòng nhà hát trước giờ mở màn…

Tất cả đều thân thương tới mức không bút nào tả xiết!

Đứng ở cánh gà trước lúc ra diễn, chúng tôi hồi hộp như ngày nào ra vai cũng ở nơi này cách đây hàng chục năm… nhưng ra sân khấu rồi thì như nhập đồng và lại vững tin, lại đem hết sức mình ra để "dâng tiếng hát cho đời bằng trái tim yêu thương".

Những lời khen, những bó hoa của khán giả thực sự đã làm chúng tôi trẻ lại, làm chúng tôi có thêm sức mạnh để duy trì và phát huy thêm những sáng tạo của chúng tôi trên con đường nghệ thuật mặc dù tuổi tác và sức lực đã không còn được như xưa.

Rồi cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc và chúng tôi chia tay chương trình Ngẫu hứng Hữu Ước với một tình cảm bâng khuâng khó tả như mình vừa bị mất một cái gì đó mà không biết cụ thể là cái gì…

Con người ta cũng lạ, đôi lúc chẳng chịu và chẳng thích chấp nhận quy luật của cuộc đời! Có bắt đầu thì phải có kết thúc chứ!

Trước khi ra sân bay để về Nam, Đoàn Dũng, Thế Anh bịn rịn và rất ít nói, các ông im lặng như thả hồn mình vào đâu đó mà tôi biết chắc rằng trong lòng các ông lúc đó đang rất nhớ những ngày vừa qua. Các ông nhắn nhủ tôi ở lại cố gắng móc nối để có được những cơ hội như lần này có lẽ phải chăng để chúng tôi được trẻ lại, được có những giây phút thăng hoa đầy cảm xúc của người nghệ sĩ, để cùng nhau trở về với những hoài niệm êm đẹp xưa kia và để cùng được sát cánh bên nhau như ngày nào…

.
.
.