Băng đĩa nhạc truyền thống: Nhọc nhằn đường đến với khán giả

Thứ Năm, 30/12/2004, 07:50

Cuối năm là thời điểm các trung tâm băng đĩa, các ca sĩ, nhạc sĩ tung sản phẩm ra thị trường. Trong số đó, băng đĩa ca nhạc dân tộc chiếm tỷ lệ khiêm tốn nhưng để bán được rất khó khăn. Việc sản xuất và phát hành các băng đĩa ca nhạc để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống đang là áp lực về tài chính đối với các trung tâm băng đĩa nhạc.

Tôi có người họ hàng phụ trách đài truyền thanh xã. Một lần, ông điện thoại nhờ tôi mua giúp mấy cái băng ca nhạc cách mạng, dân tộc để phát lên đài sau mỗi bản tin. Ông kể đã đi cả phố huyện, thậm chí lặn lội một ngày trời ở các cửa hàng băng đĩa ngoài thị xã mà cũng không tìm được. Tôi vào mấy cửa hàng lớn ở Hà Nội, cố gắng lắm cũng chỉ tìm mua được vài chiếc.

Nhiều cửa hàng thấy có để trên giá nhưng hóa ra chỉ có vỏ băng không. Các chủ hàng bán băng đĩa thì không ngần ngại phân trần rằng: Vài tháng mới có thể bán được 1-2 chiếc nên họ cũng không muốn lấy về! Cuối cùng, tôi phải tới tận Trung tâm nghe nhìn Hồ Gươm (Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội) mới mua được một số băng đĩa theo yêu cầu.

Mang nỗi vất vả của một khách hàng tới hỏi bà Nguyễn Thu Hiền - Trưởng Trung tâm, chúng tôi được bà cho biết: "Những đơn vị theo đuổi dòng nhạc cách mạng, dân tộc chưa bao giờ rơi vào tình trạng lao đao như lúc này. Sự bung ra của thứ nhạc dễ dãi, nạn băng đĩa lậu khiến Trung tâm có lúc tưởng như phải đầu hàng". Thời gian qua, những băng đĩa nhạc dân tộc, nhạc cách mạng chủ yếu để bán cho khách du lịch hoặc mua chỉ để làm quà. Còn lý do khiến nhiều đơn vị ngại làm băng, đĩa nhạc truyền thống không ngoài vấn đề tài chính.

Để làm một chương trình, tiết kiệm lắm cũng phải chi phí mất hơn 100 triệu đồng, bao gồm tiền thu hình, thu tiếng, tiền bản quyền, cát-xê... Tất nhiên, số tiền ấy không thấm tháp gì so với việc làm đĩa của một "ngôi sao" ca nhạc hiện nay để "đánh bóng" tên tuổi mình. Nhưng doanh số thu về từ bán đĩa lại ít nên việc làm băng, đĩa ca nhạc truyền thống hiện nay đành phải chấp nhận "lấy công làm lãi".

Nhưng bà Hiền cũng báo một tin vui: Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và những ngày lễ lớn trong năm 2005, Trung tâm nghe nhìn Hồ Gươm vừa hoàn thành hai chương trình về giọng hát chèo Thu Huyền, chương trình Những giai điệu quan họ và một số chương trình: Người là niềm tin tất thắng, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Cô gái mở đường, Mẹ Việt Nam... sẽ ra mắt vào đầu năm 2005.

Vậy trong tình trạng thị trường ca nhạc hiện nay thì việc ra rất nhiều các chương trình như thế có phải là một sự mạo hiểm không? Bà Hiền cho rằng: "Biết mạo hiểm nhưng vẫn phải tiếp tục làm vì khán giả (dù ít) và với một mục đích cao hơn là gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Những gì thuộc về văn hóa đích thực sẽ tồn tại mãi. Như chương trình Nhạc cụ dân tộc 1, 2 mà Trung tâm làm hơn mười năm qua vẫn được người nghe lựa chọn".

Quả thật, mấy năm qua, sự cạnh tranh khiến các trung tâm sản xuất băng, đĩa cả nước phải tìm mọi cách để tồn tại. Nếu như các trung tâm băng đĩa nhạc phía Nam có thể "nhảy" sang làm nhạc trẻ thì các đơn vị phía Bắc dường như thận trọng hơn trong việc chuyển hướng này. Tôi được một cán bộ của Hãng phim Trẻ, đơn vị rất uy tín trong việc làm các chương trình ca nhạc giàu tính nghệ thuật cho biết: Hãng sản xuất được nhiều chương trình hay nhưng trước thực trạng băng, đĩa lậu hiện nay không dám tung ra, đành phải chờ cơ hội bán ra nước ngoài. Để có thể tiếp tục theo đuổi dòng nhạc của mình, bản thân Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội phải "lấy ngắn nuôi dài", tức là xoay sang kinh doanh Vỏ đĩa, băng; nhận in sang cho các đơn vị

Thảo Duyên
.
.
.