Bản quyền truyền hình V.League 2005: Vui là chính

Thứ Hai, 28/02/2005, 08:10

"Điều quan trọng là Liên đoàn và các đội bóng bước đầu đặt được nền móng cho việc khai thác bản quyền truyền hình, chứ chưa quan tâm lắm tới giá trị...", ông Nguyễn Lân Trung, người phát ngôn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN), nói.

Theo ông Lân Trung, việc khai thác bản quyền truyền hình trên thế giới được chia thành 3 giai đoạn tùy theo mức độ phát triển của nền bóng đá. Cụ thể là: Giai đoạn 1, khi bóng đá chuyên nghiệp đang trong giai đoạn phát triển, các CLB và doanh nghiệp làm (hoặc tài trợ cho) bóng đá có nhu cầu được truyền hình để quảng bá thương hiệu của mình. Trong giai đoạn này, bóng đá rất cần truyền hình và vấn đề khai thác bản quyền không được đặt ra.

Giai đoạn 2, khi bóng đá chuyên nghiệp phát triển đến một mức độ nhất định để có thể "bán" sản phẩm - trận đấu, Liên đoàn Bóng đá sẽ thay mặt các CLB khai thác bản quyền truyền hình với Đài truyền hình theo 2 phương thức: Bán từng trận và bán trọn gói cả giải.

Giai đoạn 3, bóng đá chuyên nghiệp phát triển tới đỉnh cao, các CLB sẽ trực tiếp khai thác bản quyền truyền hình với các đài, không cần qua cầu nối của Liên đoàn.

Căn cứ vào các giai đoạn đó, ông Trung cho biết, bóng đá Việt Nam đã đi qua giai đoạn 1 và bước vào giai đoạn 2 để có thể đặt ra vấn đề bản quyền truyền hình. Trong cuộc họp giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và 10 CLB tham dự giải, hai bên đã đi tới thống nhất việc khai thác bản quyền truyền hình mùa giải V.League 2005 sẽ được tiến hành theo phương thức Liên đoàn thay mặt các CLB "bán lẻ" từng trận cho Đài truyền hình Việt Nam (cụ thể là kênh VTV3 và VCTV3).

Tại V.League 2005, tổng số các trận đấu mà Đài truyền hình mua là 44 trận. Việc phân chia tiền bán bản quyền truyền hình giữa Liên đoàn và các CLB sẽ theo tỷ lệ 50-50, trong đó đội chủ nhà được hưởng 35%, còn đội khách là 15%. Ai bán, chia tiền như thế nào đã được Liên đoàn và các CLB thống nhất, nhưng còn giá là bao nhiêu thì lại tùy tâm... bên mua.

"LĐBĐVN và các CLB cùng nhận định ở thời điểm hiện nay, vấn đề quan trọng không phải là số tiền (bán bản quyền truyền hình - NV) thu được bao nhiêu, mà là làm sao đặt được nền móng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo", ông Lân Trung nói. Theo một số nguồn tin thì trong quá trình đàm phán, Đài truyền hình trả giá khá thấp, chỉ khoảng 20 triệu đồng/trận. Quy chiếu theo tỷ lệ phân chia giữa Liên đoàn và các đội, thì tiền bản quyền mà đội chủ nhà của trận đấu truyền hình trực tiếp được nhận khoảng 7 triệu đồng, còn đội khách là 3 triệu. Một con số quả là "khiêm tốn"!

Việc LĐBĐVN và các CLB không đặt nặng vấn đề giá trị của bản quyền truyền hình mùa giải V.League 2005 là điều khá dễ hiểu. Bởi lẽ, về mặt pháp lý, cũng như là trên mặt bằng cơ chế và các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội ở thời điểm hiện tại, thương quyền khai thác bản quyền truyền hình các trận đấu của họ không được nhìn nhận một cách rộng rãi và vững chắc. Chẳng thế mà, đề cập tới vấn đề bản quyền truyền hình, một số quan chức của LĐBĐVN từng "than thở": "Sự phát triển giữa bóng đá và truyền hình không đồng bộ. Trong điều kiện và cơ chế của Việt Nam, người dân có quyền được hưởng những phúc lợi xã hội miễn phí, trong đó có truyền hình".

Mặt khác, việc đánh giá V.League đã phát triển tới giai đoạn có thể "bán sản phẩm" cho truyền hình là khá lạc quan so với thực tế chất lượng của các trận đấu, cũng như sức hấp dẫn của nó với khán giả. Vậy nên, trong Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh TDTT đã có những quy định về vấn đề bản quyền truyền hình, nhưng rõ ràng đây chỉ là những quy phạm mang tính chất dự báo hơn là thực tế.

Dựa vào Luật Báo chí, quyền tự do ngôn luận, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được thưởng thức văn hóa - nghệ thuật của nhân dân, Đài truyền hình có thể tường thuật trực tiếp các trận đấu trong nước mà không cần phải quá bận tâm với vấn đề bản quyền. Thế nên, việc họ đồng ý trả tiền bản quyền truyền hình cho Liên đoàn được nhìn nhận như một "hảo tâm" của nhà đài đối với sự phát triển của bóng đá nước nhà, hơn là một giao dịch sòng phẳng giữa hai bên mua và bán.

Nói nhẹ đi như cách của một quan chức Liên đoàn là "hai bên làm việc với tinh thần cởi mở, hợp tác và phù hợp với quy luật đi lên của bóng đá chuyên nghiệp". Cởi mở, hợp tác như thế thì phải bán giá hữu nghị, chứ ai dám nói thách cho đặng?!

Nói bản quyền truyền hình ở V.League 2005 vui là chính cũng bởi lẽ đó! Thôi thì đành phải tự an ủi nhau là cửa đã mở, được đồng nào hay đồng ấy vậy

Bảo Hân
.
.
.