Bản lĩnh nghệ sỹ

Thứ Bảy, 04/06/2005, 07:29

Thiên chức của nghệ sĩ là sáng tạo, vì thế nghệ sĩ phải không ngừng đổi mới nhưng không có nghĩa là gây sốc với khán giả. Việc ca sĩ Lam Trường phát hành album mới với bìa đĩa là hình ảnh khuôn mặt và bàn tay đầy máu me khiến công chúng không khỏi giật mình. Người ta bỗng lo về ý thức của người nghệ sỹ. Dù sao họ cũng là người của công chúng và không thể muốn làm gì thì làm.

Trong lĩnh vực biểu diễn, để làm mới mình trong mắt người hâm mộ, mỗi ca sĩ lựa chọn cho mình một lối đi riêng. Gì thì gì, quanh đi quẩn lại vẫn là phong thái biểu diễn, mốt thời trang, thể hiện các dòng nhạc mới và trong những năm gần đây là hình ảnh phong phú của cá nhân trong các video clip, album VCD cũng như vài điểm nhấn về sinh hoạt riêng tư trên các trang website… Có vẻ như cứ "tổng hợp" những nhóm hình ảnh trên theo phép cộng đơn giản là sẽ có thể tượng hình lên trong mắt ai sự "hoàn mỹ" về người của công chúng.

Nhưng, dường như đấy không phải phép cộng thuần túy. Thuở chưa có truyền hình, chỉ có trên trận địa và trên những dòng sông đi chiến dịch, quân dân cả nước đã mê say và đến bây giờ vẫn nao lòng tiếng ca bỏng cháy tình yêu của nghệ sĩ tài danh Quốc Hương.

Thuở chưa có video clip, chưa có các live show, người ta đã đắm chìm trong giọng hát da diết tình đất nước của các NSND Quý Dương, Trung Kiên, Lê Dung, Trần Hiếu, Thanh Huyền, Tường Vy, Thu Hiền… và nhiều tên tuổi tài năng khác.

Ngay cả những nghệ sĩ vốn "vang bóng một thời" sớm lui về như Quang Phát, Kiều Hưng dẫu gần 30 năm không xuất hiện, nhưng công chúng thuở nào vẫn nhớ về các anh với "Hồ trên núi", với "Bèo dạt mây trôi", với "Rặng trâm bầu"… mênh mang là tình

Cảm động làm sao khi thầy Trung Kiên thuở là giảng viên Nhạc viện Hà Nội đang nửa đêm đã tất tả chạy chục cây số đến một sân khấu ngoài trời kéo tay cô học trò sau này là NSND không được vì mưu sinh mà trốn thầy đi chạy show, vì "như thế sẽ hỏng mất giọng em ơi".

Và những nghệ sĩ tên tuổi dù họ được phân công ở vị trí quyền cao chức trọng, nhưng trước sau vẫn thủy chung với phẩm chất người nghệ sĩ là dâng hiến, là đốt cháy mình cho lý tưởng nghệ thuật. Những nghệ sĩ đích thực ấy, hầu như chẳng mấy ai giàu có, dẫu trong cuộc đời không phải họ không có cơ hội, không phải họ không biết cách kiếm tiền. Nhưng có khác chăng, những nghệ sĩ ấy đã không bao giờ chọn cách kiếm tiền bằng mọi giá. Phải chăng tâm thức văn hoá ở họ đã làm nên bản lĩnh của người nghệ sĩ, chính vì vậy trong dòng chảy âm nhạc của dân tộc, những nghệ sĩ lớn ấy tạo nên những điểm nhấn, nhân cách và sự cống hiến của họ đã để lại những dấu ấn tựa như những cột mốc ở mỗi cung đường âm thanh.

Liệu đó có còn là bài học "vỡ lòng" không cho những nghệ sĩ, ca sĩ trẻ hôm nay? Câu chuyện thời sự gần đây nhất mà người hâm mộ cảm thấy phản cảm khi nhìn thấy một VCD của Lam Trường, một ca sỹ thời thượng, sản xuất ở nước ngoài. Chẳng phải người ít tiền nghe anh ta quảng cáo thực hiện một bài hát trong VCD kia hết những 80 triệu đồng mà lấy làm… "ghen ăn tức ở"; chẳng phải người không ưa thì cố "bới lông tìm vết" xem ca sĩ này có sơ sểnh điều gì để nói cho bõ… miệng.

Vấn đề là ở chỗ vì "thích mới lạ" mà ca sĩ nọ tung ra một VCD với ảnh bìa là "một anh Hai với cái tay bị thương đầy máu me". Một bàn tay và khuôn mặt đầy máu me trên những vết xước đau đớn chẳng nhẽ là biểu tượng xuyên suốt cho một VCD toàn những ca khúc tình yêu ư? Một sản phẩm văn hóa dễ là kỷ vật treo trước mặt của các cô cậu mới lớn lại là khuôn mặt đầy bi thương thế sao?

Rõ ràng là ở đây có điều gì không ổn. Chủ nhân của VCD này lại giải thích: Đây là hình ảnh trong một bài hát ngoại, "Tôi không có ý đi theo khuynh hướng bạo lực mà chỉ nghĩ đơn thuần ở khía cạnh nghệ thuật. Đó là hình ảnh của một người muốn đấu tranh chống lại cái ác để bảo vệ cho tình yêu trong bài hát… Tôi muốn mọi người cảm nhận được tôi mới… lạ hơn so với trước đây".

Thật vậy sao? Dẫu cách giải thích ấy có vẻ hồn nhiên, nhưng cũng thật khó tin. Quả là tiêu chí mới và lạ luôn là cái đích vươn tới của các nghệ sĩ, nhất là người của công chúng. Nhưng hình như còn một tiêu chí nữa vốn là xương sống của nghệ thuật, đó là cái đẹp. Cái đẹp đâu là tiêu chí của riêng cõi mình, mà là của loài người, của bất cứ dân tộc nào trên trái đất này ấy chứ. Tưởng đó là chuyện "xưa như trái đất", nhưng rồi muôn đời vẫn phải nhắc lại, cái đẹp là xu thế hướng thiện của bất cứ nghệ sĩ nào, đã thành danh hay mới vào nghề.

Quảng cáo cho hình ảnh của mình mới và lạ, làm cho sản phẩm VCD ấy gây tò mò, gây "sốc" cho người hâm mộ để có thể tăng lượng phát hành, giống như cách làm của một tờ báo đăng tin đồn giật gân... là cách lựa chọn của ca sĩ nọ. Một hình ảnh xa lạ với văn hoá người Việt, được giải thích một cách khiên cưỡng có chăng chỉ hợp với bài hát ngoại.

Sản phẩm văn hóa như một loại hàng hoá đặc biệt nên chăng là phải thuần Việt, góp phần hướng thiện cho khán thính giả? Đó há không phải là sứ mệnh cao đẹp của người nghệ sĩ hay sao?

Đã từng có những ca sĩ được nuôi dưỡng bằng bầu sữa của Nhà nước, nhưng vừa mới có chút danh đã ra nước ngoài ôm chân "bầu sô ngoại", từ phát ngôn đến hành vi đã sặc mùi xu nịnh, chối bỏ. Người ta giải thích đấy là do phải kiếm tiền, phải kiếm sống ở xứ xa. Trong nước cũng đã xuất hiện sự tự lột xác, tự đổi cho thành mới lạ trên các sản phẩm hàng hóa, lại được giải thích là cổ suý cho tình yêu. Tưởng là hai dòng nhưng có lẽ cùng một mục đích. Mới hay, trung thành với lí tưởng nghệ thuật, uy vũ và tiền bạc không làm suy chuyển bản lĩnh, đó hình như không còn là chuyện riêng của bản lĩnh người nghệ sĩ nữa rồi!

Hồng Thái
.
.
.