“Bản giao hưởng thơ ca” của các nhà thơ Việt Nam và thế giới

Thứ Bảy, 28/02/2015, 10:08
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: "Ngày thơ Việt Nam 2015 có khoảng 150 nhà thơ, dịch giả, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam từ gần 50 nước sẽ tham dự vào những sự kiện văn học lớn này. Ngoài các đại biểu từ các nước châu Á-Thái Bình Dương còn có đại diện của châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi và đại diện cao nhất của HNV Á-Phi cũng đến dự".

Hơn chục năm qua, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành ngày hội của thi ca, được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), thu hút rất đông khách thập phương. Để bạn đọc có thêm thông tin về Ngày thơ Việt Nam 2015, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (NT NQT), Phó Chủ tịch Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam:

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

+ Công chúng đang trông đợi Ngày thơ Việt Nam 2015. Ông có thể chia sẻ những nét đặc sắc và mới mẻ của sự kiện thi ca này được không?

NT NQT: Năm nay có nhiều khác biệt với mọi năm. Có thể nói, Ngày thơ lần thứ 13 diễn ra nhiều ngày, với một loạt hoạt động trước khi khai mạc, như Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 2, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lần thứ 3, Hội  nghị Ủy ban Thường trực HNV Á-Phi lần thứ 3.

Khoảng 150 nhà thơ, dịch giả, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam từ gần 50 nước sẽ tham dự vào những sự kiện văn học lớn này. Ngoài các đại biểu từ các nước châu Á-Thái Bình Dương còn có đại diện của châu Âu, châu Mỹ Latinh, châu Phi và đại diện cao nhất của HNV Á-Phi cũng đến dự.

Nhân dịp này, ngài Tổng thư ký HNV Á-Phi, một số ủy viên Ban Thường trực HNV Á-Phi và tôi (Phó Tổng thư ký Thứ nhất HNV Á-Phi) sẽ thảo luận về một số vấn đề quan trọng của HNV Á-Phi trong thời gian tới, mà HNV Việt Nam là một thành viên quan trọng của tổ chức này.

Các nhà văn Việt Nam và các đại diện văn học của nhiều quốc gia sẽ tiến hành hai cuộc hội thảo về văn xuôi và thơ với chủ đề: “Văn xuôi Việt Nam, hội nhập và phát triển” và “Thơ ca nơi lưu giữ tâm hồn Việt”. Hai cuộc hội thảo này sẽ phác thảo những nét cơ bản nhất chân dung nền văn học Việt Nam.

Một điều đặc biệt là năm nay, HNV xuất bản tuyển thơ “Khát vọng hòa bình”. Tuyển tập gồm 108 bài thơ của các nhà thơ Việt Nam trong 10 thế kỷ dựng nước và giữ nước, được in bằng tiếng Anh để các nhà thơ, các nhà xuất bản và các nhà nghiên cứu thế giới hiểu được một phần tinh thần độc lập và tình yêu hòa bình của con người Việt Nam. Một nhà xuất bản ở Mỹ đã đặt vấn đề xuất bản tập thơ này.

+ Hoạt động thả thơ luôn được yêu thích. HNV Việt Nam sẽ lựa chọn các câu thơ hay ra sao để tránh ý kiến khác nhau như từng có, thưa ông?

NT NQT: Có một vài ý kiến khác nhau về một số câu thơ được chọn là chuyện quá ư bình thường. Tôi nghĩ, việc này không phải là việc chúng ta phải quan tâm. Mỗi năm có 50 câu thơ được chọn. Và trong 13 lần tổ chức Ngày thơ, chúng ta có 650 câu thơ được chọn. Với khối lượng những câu thơ được chọn lớn như vậy thì việc tuyển chọn không thể hoàn hảo.

Tất nhiên, Hội đồng tuyển chọn sẽ làm hết sức để các câu thơ có được tiếng nói chung nhất. Nhưng thành công của hình thức thả thơ thực sự gây được ấn tượng mạnh mẽ. Nó tạo ra một khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng và xúc động. Nó thực sự là một vẻ đẹp. Và tinh thần của vẻ đẹp ấy đã lan tỏa.

+ Khác với thông lệ, Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ không có Sân thơ trẻ. Ông có thể cho biết lý do?

NT NQT: Năm nay không có một sân thơ trẻ riêng biệt, vì số lượng các nhà thơ quốc tế tham gia rất đông. BTC muốn tạo điều kiện cho các nhà thơ quốc tế xuất hiện và muốn dành cơ hội cho bạn đọc Việt Nam thưởng thức giọng nói thơ ca của các dân tộc khác. Không có sân thơ trẻ, nhưng các nhà thơ trẻ vẫn tham gia vào cả hai sân thơ ở Văn Miếu và tham gia vào các hoạt động khác diễn ra trước Ngày thơ khai mạc.

+ Ngày thơ năm nay cũng mang chủ đề “Hướng về biển đảo” như năm ngoái, liệu có còn nhiều các tác phẩm thơ đặc sắc về chủ đề này không, thưa ông?

NT NQT: Biển đảo là một trong những đề tài mà Ngày thơ lần thứ 13 sẽ truyền tải tới công chúng. Cùng với Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, Ngày thơ sẽ mang đến cho các đại diện văn học của các châu lục những vẻ đẹp tâm hồn của người Việt Nam thông qua thơ ca.

Slogan cho Hội nghị quảng bá văn học là “Mỗi dân tộc cần mỗi dân tộc, mỗi con người cần mỗi con người” (nhà thơ Nguyễn Đình Thi) đã trở thành một trong những thông điệp của những sự kiện văn học lớn năm nay. Các nhà thơ vẫn tiếp tục viết về biển đảo và chủ quyền lãnh thổ bằng nhiều cách thể hiện và những bài thơ hay về đề tài này vẫn tiếp tục ra đời.

+ Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.