Bài thơ “Nhà văn cổ điển Việt Nam” của một nhà thơ Nga

Thứ Bảy, 08/04/2006, 07:30

Tôi đọc lại bài thơ "Nhà văn cổ điển Việt Nam" của Evgheni Evtushenko (nhà thơ lớn của Nga và Liên Xô một thời) sau 34 năm nó ra đời. Bài thơ được viết ra tại Hà Nội vào năm 1972 khi cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc đã lên tới đỉnh điểm. Sự giản dị đến trong trẻo của bài thơ vẫn làm cho tôi xúc động như mới đọc lần đầu.

Giản dị bởi nó như là câu chuyện đời thường được kể lại rất chân thực, một góc nhỏ cuộc sống Việt Nam thời chiến được dọi chiếu bởi ánh sáng nhân văn muôn thuở của con người. Cái không gian nhỏ hẹp trong thơ (căn phòng) vì thế được mở rộng ra thế giới và ba nhân vật trữ tình trong tác phẩm (nhà văn Nguyễn Tuân - con mèo - tác giả) cũng mặc nhiên in dấu ấn của thời cuộc. Chiến tranh. Hiện trên "nét mặt mệt mỏi", trong tiếng "thở dài sườn sượt" của một Nguyễn Tuân từng trải "Khi trong nhà không còn lấy một món ăn gì/ Dù ông muốn phải thết khách cho lịch sự". Chiến tranh. Không ở đâu xa, nó đã được bày ra trong căn phòng nhỏ hẹp của nhà văn cổ điển Việt Nam:

Ông rót đúng một giọt Whisky vào cốc nước
Và thoải mái cười to
Trước cuộc nhậu khiêm nhường
Chỉ vẻn vẹn có một con mực nướng,
Món nhắm hạng sang trong thời buổi chiến tranh

Chiến tranh. Có trong "cơn đói" của con mèo hung "rón rén ẩn sau chai rượu" và chú ta đã quên lễ độ "dùng răng giật phắt miếng mực" ngay từ tay nhà thơ - bạn của chủ mình.

Chiến tranh. Giấu trong sự "chết lặng" của tác giả - nhà thơ khi ông tóm lấy chú mèo hư đó:

Thì ra chú mèo thật sự không trọng lượng!
Nhẹ như hạt cát nâu ấm nóng của thiên nhiên
Uốn tấm lưng cong - vành bánh xe khô đét
Trong tay tôi, nó giống như không có thật

Sự tàn khốc của chiến tranh không được phản ánh bằng đạn bom, máu lửa. Trong những năm tháng ấy, không chỉ con người phải sống thiếu thốn mòn mỏi mà đến con vật cũng phải chịu chung cảnh ngộ. Một cuộc sống bất thường tưởng như khó có thể chịu đựng được. Nhưng không! Còn có một cuộc sống khác mang đậm nét bản lĩnh Việt Nam, văn hóa Việt Nam được thể hiện qua những dòng thơ nhuần nhuyễn chất tự sự - trữ tình của nhà thơ Nga tài năng này:

Ông làm chúng tôi kinh ngạc
Khi biết nén đau ép chặt hồn mình
Với sức chịu đựng dẻo dai của một tín đồ đạo Phật
Một bên gấu quần quen đi xe đạp
Còn cái kẹp bỏ quên, dùng để cặp ống quần
Bàn tay gầy huơ huơ, như phẩy đi ngọn lửa chiến tranh
Ông điềm tĩnh nói về Bôđơle và Bạch Cư Dị

Và, ngay sau đó là lời lên án bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ gây ra:

Còn có gì đểu cáng hơn
Khi bom đạn rơi vào đúng người này

Trong trường hợp này, nhà văn đã trở thành dân tộc, đã là đại diện cho cộng đồng, cho phía đối lập với chiến tranh. Đó là khát vọng hoà bình muôn thuở của Việt Nam, của nhân loại.

Bài thơ "Nhà văn cổ điển Việt Nam" có nhiều phát hiện tinh tế, mới lạ. Nguyễn Tuân trong mắt nhà thơ Nga này là "Một cậu bé ở tuổi 70/ Có nét mặt mệt mỏi của con rùa già từng trải". Một cách cảm nhận mềm mại và tinh tường chỉ có được ở những thi sĩ tài hoa. Nhưng nhiều mới mẻ và gây ấn tượng mạnh với tôi là hình ảnh con mèo. Một con mèo hung "nghễu nghện ngự trên giá sách/ Chọn tập thơ của Xanh Giôn Pecxơ làm chiếu để nằm". Trong phép so sánh - nhân hóa con mèo đó "Như nắm xơ bông vật vờ trên ngọn cây dương/ Đôi mắt nâu ngước nhìn tôi, khẩn cầu buồn bã:/ Xin Ngài rộng bụng buông tha…". Sự nhân hóa đạt hiệu quả tối ưu, gây xúc động mạnh cho người đọc. Kỳ lạ và bất ngờ quá, từ một con mèo có thật trở thành một con mèo "không có thật", "không trọng lượng" và chính cái sự "không trọng lượng" này đã tạo ra "Sức nặng khủng khiếp của vật chất". Sức nặng đó chính là sự ám ảnh khôn nguôi về chiến tranh, về một cuộc sống không có hoà bình đã, đang và sẽ là mối đe dọa lớn nhất, khủng khiếp nhất của nhân loại.

Không triết luận ồn ào, bài thơ "Nhà văn cổ điển Việt Nam" mang tầm khái quát cao về những vấn đề lớn của nhân loại. Một bài thơ viết về chiến tranh rất giản dị nhưng sẽ còn làm xúc động nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam. Bài thơ góp phần tôn vinh tên tuổi Evgheni Evtushenko - "nhà thơ của diễn đàn, đồng thời là nhà thơ sâu lắng của tâm hồn" như nhà thơ - dịch giả Bằng Việt nhận xét

Nguyễn Hữu Quý
.
.
.