Bài hát Cờ Việt Minh và tinh thần Cách mạng tháng Tám
Một năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (tháng 9/1939), phát xít Nhật vượt biên giới Việt – Trung tiến vào miến Bắc nước ta (cuối tháng 9/1940), chúng cấu kết với thực dân Pháp nhằm vơ vét bóc lột nhân dân ta tận xương tủy và tăng cường đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam. Dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sảng Đông Dương mà đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh một mạch ngầm cao trào cách mạng cuồn cuộn, mạnh mẽ chảy rộng khắp, quyết liệt chưa từng thấy, tạo nên thời kỳ tiền khởi nghĩa - bàn đạp cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã hình thành và phát triển.
Nhân dân và lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn ngày 19/8/1945. Ảnh: T.L. |
Nhà tù Hỏa Lò Hà Nội lúc này là nơi tập trung các chính trị phạm từ khắp các nơi bị bắt đưa về nhưng điều kì lạ là phủ lên màu xám xịt lãnh lẽo của tường xi măng và xà lim án chém với đủ đầy dụng cụ tra tấn tàn bạo nhất thời bấy giờ là không khí nóng của bầu nhiệt huyết cách mạng, là luồng gió chính trị từ bốn phương thổi đến, là tin tức về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, tin Bác Hồ về nước, tin thành lập Mặt trận Việt Minh mà linh hồn là các hội Cứu Quốc, tin chuẩn bị khẩn trương cho tình thế cách mạng mới…
Trong cảnh lao tù cực khổ, những tin tức ấy đã nuôi dưỡng ý chí đấu tranh, tiếp sức mạnh cho các đồng chí hoạt động cách mạng bị bắt giam. Họ đã sáng tạo ra hình thức đấu tranh mới ngay trong nhà lao Hỏa Lò nổi tiếng tàn bạo, đó là âm thầm tổ chức những cuộc sinh hoạt chính trị, văn hóa sôi nổi, tươi vui, yêu đời nhằm tăng cường tình đoàn kết, giữ vững ngọn lửa của niềm tin về một ngày không xa đất nước được tự do, độc lập. Và việc sáng tác, phổ biến bài ca cách mạng dưới mọi hình thức trong những buổi sinh hoạt tập thể hoặc tâm tình của những người bạn tù được coi là cần thiết và hữu hiệu nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: T.L.. |
Là người hiểu biết ít nhiều về âm nhạc lại may mắn được giam cùng khu với các đồng chí lãnh đạo phong trào cách mạng và bị kết án nặng, tin vui về sự ra đời Mặt trận Việt Minh, những thanh âm hồ hởi của quần chúng đi phá kho thóc Nhật, rồi hình ảnh lá cờ Việt Minh phấp phới bay đến đâu là phong trào đấu tranh dâng lên mạnh mẽ đến đó…, tất cả đã tạo nên dòng thác cảm xúc ào ạt ùa về trong lòng Vương Gia Khương, nét nhạc vút lên “Cờ Việt Minh phấp phới bay cao/Cờ Việt Minh giải phóng quốc dân” mở đường cho sự ra đời của bài hát Cờ Việt Minh!
Ca khúc Cờ Việt Minh với những dòng nhạc tự nó tuôn ra như từ một khao khát về hiện thực đẹp đẽ lạ thường sẽ đến không còn xa khi lá cờ đỏ sao vàng năm cánh – lá cờ Việt Minh tung bay dẫn đường cho lớp lớp quần chúng ào ạt tiến lên phá tan xiềng gông đế quốc. Được viết theo thể hành khúc, xuyên suốt ca khúc là âm hưởng hào hùng, giai điệu mạnh mẽ, thái độ dứt khoát biểu thị tiếng thét căm hờn, hành động quyết liệt và sự đồng tâm hiệp lực của mọi tầng lớp nhân dân vùng dậy khởi nghĩa dành lại độc lập tự do cho Tổ quốc: “Lòng yêu nước quyết chiến đấu cho nòi giống ta/Thù nước mất ta quyết trả xong bằng máu xương/Thề cùng nhau quốc dân đồng tâm thống nhất/Giết cho hết đánh cho tan/Đuổi cho xa đế quốc tàn ác...”.
Và chỉ sau mấy tháng ra đời, bài hát Cờ Việt Minh có vinh dự được vang lên trong dàn đồng ca các chiến sĩ cộng sản nhân lễ kỉ niệm mười hai năm Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời: “Ngọn cờ Việt Minh ta giương cao lên/Lòng yêu nước quyết chiến đấu cho nòi giống ta”. Theo lời tác giả, bài hát tiếp tục theo chân các đồng chí của ta mãn hạn tù hay di chuyển qua các nhà lao khác như Sơn La, Côn Đảo…, trở thành vũ khí tinh thần sắc bén, hữu hiệu, nhắc nhở tinh thần đấu tranh không mệt mỏi, củng cố lòng tin chắc thắng ở trận huyết chiến cuối cùng, đồng hành cùng toàn thể nhân dân ta vùng lên cướp chính quyền, dành độc lập, làm nên Cách mạng tháng Tám.
Ca khúc Cờ Việt Minh ra đời năm 1941, nhanh chóng lan tỏa vào đời sống cách mạng và có sức sống đặc biệt bởi tác giả đã thổi vào ca khúc tinh thần độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình và hạnh phúc cho nhân dân, đó chính là tinh thần của Cách mạng tháng Tám. Điều kì diệu là, cùng với một số ca khúc cách mạng khác, bài hát đã kịp thời có mặt trong trận chiến mới, đồng hành cùng đồng bào miền Nam và Trung Trung bộ đấu tranh chống kẻ thù mới, giữ vững nền độc lập tự do mà cả dân tộc phải đổi bằng máu xương.
Năm tháng qua đi nhưng ngày ấy 70 năm về trước vẫn luôn ở lại trong những ca khúc cách mạng một thời và mãi mãi, trong bài hát Cờ Việt Minh, trong hành trình chiến đấu dành và giữ vững độc lập tự do, trong mỗi người Việt Nam yêu nước của mọi thế hệ. Bởi trên bất cứ chặng đường nào của lịch sử dân tộc, âm nhạc nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung vẫn luôn là tiếng nói thiết tha và mạnh mẽ, khẳng định tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám.