Vàng thau lẫn lộn trào lưu phát hành sản phẩm video giải trí trực tuyến

Thứ Năm, 24/09/2015, 06:42
Hàng loạt ưu điểm của mạng xã hội khiến nghệ sĩ thành danh và chưa thành danh tìm đến như kênh phát hành chính cho các sản phẩm “ra lò”. Nhưng, cũng từ việc ít được sàng lọc, sản phẩm video giải trí  trực tuyến giống như nồi lẩu thập cẩm khổng lổn nhổn những sạn với sạn

Không mất phí phát sóng, không phải qua các khâu kiểm duyệt khắt khe, dễ dàng tải lên, dễ tiếp cận khán giả và người xem có thể tiếp cận bất cứ thời điểm nào trong ngày chỉ với một chiếc smartphone, máy tính bảng, smart TV… có kết nối Internet.

Hàng loạt ưu điểm của mạng xã hội khiến nghệ sĩ thành danh và chưa thành danh tìm đến như những kênh phát hành chính cho các sản phẩm “ra lò”. Nhưng, cũng từ việc ít được sàng lọc, thẩm định chặt chẽ, sản phẩm video giải trí, kể cả là sản phẩm mang danh nghệ thuật trên các “kho” phát hành trực tuyến giống như nồi lẩu thập cẩm khổng lồ mà trong đó lổn nhổn những sạn với sạn.

Được ưa thích và trở thành công cụ hữu dụng đặc biệt phổ biến với phần nhiều nghệ sĩ, người sản xuất sản phẩm nghệ thuật, giải trí Việt hiện nay phải kể đến YouTube. Cho phép người dùng xem, tải, chia sẻ các video clip và đặc biệt thông dụng trên thế giới nhưng với Việt Nam, chỉ vài năm gần đây, YouTube mới thực sự thịnh hành.

Ngoài việc quay những video clip theo kiểu ngẫu hứng, nghiệp dư và tìm vui trên thế giới ảo, rất nhiều người, trong đó có giới làm nghệ thuật tận dụng trang này như một kênh phát hành sản phẩm hữu hiệu. Nếu đông người xem, có doanh thu thì vui, nếu ít người quan tâm, không có doanh thu, đây cũng là cơ hội để người trẻ, người mới vào nghề đo thử mức độ yêu thích, thị hiếu của công chúng.

Bên cạnh giải pháp thực hiện làm việc trực tiếp với YouTube để tải sản phẩm lên trang này, để được hỗ trợ và thu hút người xem một cách bài bản hơn, nhiều người làm các sản phẩm nghệ thuật chọn cách qua khâu trung gian – đối tác của YouTube tại Việt Nam. Đây cũng được coi là cách làm an toàn, được số đông nghệ sĩ, nhà sản xuất lựa chọn và con số này đến nay khá lớn.

“Ghiền mì gõ” – một trong những loạt video hài mượn yếu tố sex để câu kéo người xem.

Theo chia sẻ của POPS Worldwide – một trong số các đối tác Việt Nam được chứng nhận của YouTube, hiện nay, POPS là mạng lưới đa kênh của YouTube với hơn 400 kênh thành viên. Các thành viên của POPS thuộc đủ mọi lĩnh vực: âm nhạc, hài kịch, làm đẹp, gameshow…

Rất nhiều gương mặt nổi tiếng trên các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau đều có kênh phát hành: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Đan Trường, Cẩm Ly, Hiền Thục, Văn Mai Hương, Vân Sơn, Trấn Thành… Rất nhiều đài truyền hình, công ty truyền thông và nhà sản xuất nội dung cho đến nhiều nhóm làm phim còn rất mới với khán giả nghệ thuật thứ 7 cũng lập kênh thành viên. Riêng POPS Worldwide cũng đã sở hữu đến 6 kênh chuyên đề với lượng người xem cao “ngất ngưởng”, có khi lên đến trên 816 triệu lượt xem…

Thực tế, không thể phủ nhận sự tiện ích cũng như rất nhiều sản phẩm nghệ thuật được đánh giá cao, có ích cho đời sống tinh thần lành mạnh xây dựng và phát triển cộng đồng, xã hội trên các trang mạng xã hội. Nhưng, bên cạnh việc tạo cơ hội cho các cá nhân, nhóm, tập thể thỏa sức sáng tạo sản xuất video – sản phẩm nghệ thuật, khi được coi là một trong những kênh để kinh doanh hiệu quả cho nhà sản xuất, nghệ sĩ thì cũng từ đây nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.

Để thu hút người xem theo kiểu càng nhiều người tò mò xem càng tốt, bất chấp chiêu trò, thủ đoạn để đi đến mục đích phổ biến sản phẩm và hưởng lợi nhuận quảng cáo, rất nhiều sản phẩm tải lên là hài nhảm, mượn yếu tố ma quái, kinh dị, sex, ăn theo phim ăn khách, hiện tượng xã hội được chú ý kể cả bị lên án. Hàng loạt video đơn lẻ lẫn video được sản xuất thành chuỗi chương trình không ngại mượn mác sản phẩm nhạy cảm, chỉ dành cho người trưởng thành, lấy hình ảnh khêu gợi, úp mở nhiều cảnh nóng, hài thô tục để câu kéo người xem. Có những clip, người thực hiện không ngần ngại “dán nhãn” công khai: hài tục tĩu. Các sản phẩm được khuyến mãi thêm những ngôn ngữ trần trụi kiểu như “Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu” càng vô cùng… phong phú.

Chia sẻ về việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm được thành viên, người sử dụng Internet thực hiện và phát hành, phát tán, hầu hết các trang mạng đều khẳng định rằng có những nguyên tắc nhất định buộc người phát hành phải tự sàng lọc trước. Nếu vi phạm, đơn vị sẽ không chấp nhận.

Thông thường, các giới hạn đặt ra với nội dung sản phẩm là không đồi trụy, hở hang, không bạo lực, không quá khích, chống đối, không mang tính đe dọa, tiên tri, dự đoán, vi phạm bản quyền, nội dung gây hại, nội dung rác, tuyên truyền lừa đảo. Nhưng, nếu các giới hạn này được kiểm soát chặt chẽ, chắc chắn khó có các sản phẩm văn hóa phản văn hóa được lan truyền rộng rãi và phổ biến trên cộng đồng mạng như hiện nay.

Minh Hà
.
.
.