"Bác đi... Di chúc giục lòng ta"

Thứ Ba, 11/08/2009, 20:20
Tháng 9/1967, 3 bác sĩ giỏi của Việt Nam đã được Trung ương bí mật đưa sang Liên Xô học tập, chuẩn bị công việc gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch. Họ đã góp phần quan trọng cùng các chuyên gia Liên Xô gìn giữ thi hài Bác suốt 4 thập kỷ qua.
>> Viện 69 và nhiệm vụ đặc biệt

Nhưng dịp cả nước kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, 3 bác sĩ vinh dự nhận trọng trách ấy, nay chỉ còn lại một người. Đó là Đại tá, Bác sĩ (BS) Lê Điều. Trong căn nhà xinh xắn bên Hồ Tây, người thầy thuốc đã ở tuổi 83 cùng chúng tôi ngược thời gian, lắng trong bao ký ức tự hào…

Nhiệm vụ bí mật

Ngày 21/8/1967, BS Lê Điều, phụ trách Khoa Ngoại của Bệnh viện Việt-Xô bất ngờ nhận được yêu cầu 10h sáng hôm đó đến số 6 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội để làm việc. Khi đến nơi, ông thấy Thiếu tá, BS Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý Viện Quân y 108, Trưởng phòng Pháp y Quân đội, cũng có mặt.

Theo phản xạ nghề nghiệp, 2 vị BS phỏng đoán cuộc làm việc hôm nay có liên quan đến sức khỏe của Hồ Chủ tịch. Quả thật, hôm đó, đồng chí Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đã giao nhiệm vụ cho BS Nguyễn Gia Quyền, BS Lê Điều và BS Lê Ngọc Mẫn (Chủ nhiệm khoa Nội tiết Bệnh viện Bạch Mai), sang Liên Xô học tập công nghệ gìn giữ thi hài.

18h ngày 2/9/1967, tổ y tế lên đường. Chiếc com-măng-ca phủ bạt kín mít đến từng nhà đón các BS ra ga. Từng người lặng lẽ lên xe thật nhanh, không để ai nhìn thấy. Mưa tầm tã và những ánh đèn vàng đục nhòa trong mưa tiễn chân họ.

BS Lê Điều nhớ lại: Ra đến ga, chúng tôi mỗi người một góc, như không quen biết nhau. Lúc đó, tâm trạng tôi rối bời. Nhiệm vụ phía trước thật nặng nề, vì đây là môn học khó, trong khi chúng tôi chưa biết gì. Nỗi lo không về kịp với Bác càng đè nặng trong chúng tôi.

Cuộc họp của các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam bàn về việc giữ gìn thi hài Hồ Chủ tịch (Ngày 3/9/1969).

Bạn cũng đặc biệt quan tâm đến thời gian gấp rút của công việc nên ngày 14/9/1967, vừa đặt chân đến Moskva, đoàn đã được mời làm việc với Bộ Y tế Liên Xô. Hôm sau, đoàn gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Y tế Liên Xô trước khi đến Viện Nghiên cứu Lăng Lênin để trao đổi về chương trình học tập.

Một phiên dịch người Nga biết 7 thứ tiếng được phân công giúp đỡ đoàn. Các BS Việt Nam được đưa vào khu vực thực hành mà chưa một người ngoại quốc nào được đặt chân. Họ phải nhớ từng chi tiết mà không được ghi chép và tranh thủ học bất kể ngày đêm. Ai cũng muốn nhanh chóng trở về nước.

Công việc đặc biệt

Kết thúc khóa học, các chuyên gia Việt Nam lên tàu trở về với một số thiết bị, dụng cụ y tế đặc biệt mà bạn tặng. Bạn chẳng những đáp ứng đề nghị không phải khám xét ở ga tiếp giáp biên giới Liên Xô - Trung Quốc để tránh bị lộ, mà còn dành riêng một toa cho 3 BS Việt Nam. Trước khi tàu rời địa phận Liên Xô, một đại tá Công an còn lên tàu chúc đoàn thượng lộ bình an. Xe của Việt Nam đón đoàn tại Bằng Tường (Trung Quốc) và đi một mạch đến 4h sáng tới Hà Nội.

Hôm sau, 3 BS lên Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo kết quả học tập. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe của Bác và đồng chí Nguyễn Khai, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương rất phấn khởi khi biết, chỉ sau 7 tháng học tập, các BS Việt Nam đã có thể đảm đương được công việc ướp giữ thi hài trong giai đoạn đầu.

Do yêu cầu công việc phải tuyệt đối bí mật, BS Điều và BS Mẫn cùng tình nguyện trở lại quân đội. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Lương Bằng về việc khẩn trương đào tạo đội ngũ kế cận, BS Nguyễn Gia Quyền đã cùng BS Lê Điều tuyển chọn BS Nguyễn Văn Châu, BS Sái Văn Thế, y sĩ Nguyễn Trung Hát và y công Phạm Ngọc Ảm để đào tạo, dù họ hoàn toàn không được biết mục đích của công việc.

Cùng với các thí nghiệm tiến hành ngay khi công trình gìn giữ thi hài (mang mật danh 75A) hoàn thành, tổ y tế đặc biệt cũng nhận được chỉ thị thực hiện các thí nghiệm bằng y học cổ truyền.

Mặc dù đang chiến tranh, nhưng việc huy động phục vụ thí nghiệm đã nhận được sự ưu tiên tối đa của nhiều đơn vị. Bệnh viện Việt - Xô cung cấp gần như toàn bộ dụng cụ y tế phục vụ thí nghiệm. Xí nghiệp Đá An Dương làm một chiếc bàn đá chuyên dụng để ướp giữ thi hài, giống hệt chiếc bàn trong phòng giải phẫu của Viện Thi hài Lênin ở Liên Xô.

Các dụng cụ bằng thủy tinh do Công ty Thủy tinh Đống Đa sản xuất. Đặc biệt, những chiếc kim tiêm dài do 1 nghệ nhân ở phố Hàng Bạc làm, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, đến mức đồng chí Rô-ma-cốp, Viện phó Viện Thi hài Lênin, đã rất ngạc nhiên và yêu cầu BS Lê Điều đưa đến gặp nghệ nhân tận nơi để tìm hiểu.

Để duy trì liên lạc thường xuyên, kịp thời, tổ y tế đặc biệt được lắp một máy điện thoại riêng không qua tổng đài và BS Lê Điều được phép đến nhà riêng đồng chí Nguyễn Lương Bằng để báo cáo trực tiếp. Cuối năm 1968, công tác chuẩn bị tại công trình 75A cơ bản hoàn thành đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và đánh giá cao.

"Vẫn biết trời xanh là mãi mãi"…

Ngày 24/8/1969, tổ y tế đặc biệt nhận lệnh cấm trại và tiến hành các thí nghiệm lớn. BS Lê Điều thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của Hồ Chủ tịch vì thế, ông không khỏi lo lắng giờ phút đau lòng sẽ đến.

Ngày 2/9/1969, từ 4h sáng, ông đã cùng tổ y tế tiếp tục thí nghiệm lớn. Bỗng chuông điện thoại đổ vang. BS Lê Điều lặng đi sau khi nghe cú điện thoại của đồng chí Phùng Thế Tài. Vòng quay lịch sử như ngừng lại khi trái tim "Vị thánh sống của nghìn thánh sống/ Và ân nhân của cả muôn đời" (Ismael Gomes Braga, Brazil) ngừng đập.

Ngay lập tức, ông cùng y công Ảm bắt tay vào nhiệm vụ mà ông đã phải dằn lòng chuẩn bị từ 2 năm nay, còn BS Quyền, BS Châu và y sĩ Hát lên ôtô vào Phủ Chủ tịch đón Bác. Nỗi đau đè nặng lên tâm trí, nhưng hơn ai hết, ông hiểu rằng, lúc này, tình cảm yêu kính Bác chính là phải cùng các chuyên gia Liên Xô tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Không bao giờ BS Lê Điều có thể quên được phút giây đớn đau hôm ấy, khi chiếc xe FH-1460 quay về. Nhìn Người nằm đó, thanh thản như đang ngủ, ông phải cố ghìm tiếng khóc, để không ảnh hưởng đến công việc.

Công việc làm thuốc cho Bác được tiến hành khẩn trương, để tối 4/9/1969, Người được đưa trở lại Hội trường Ba Đình để nhân dân cả nước và các đoàn khách quốc tế đến viếng. Sau lễ quốc tang trọng thể ngày 9/9/1969, BS Lê Điều còn tiếp tục cùng các đồng nghiệp Liên Xô và Việt Nam gắn bó với quá trình sơ tán thi hài Hồ Chủ tịch suốt 6 năm chiến tranh, cho đến khi Người chính thức yên nghỉ tại Lăng. Năm 1980, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông nhận nhiệm vụ khác. 

Đại tá, Tiến sĩ Vũ Văn Bình, Phó trưởng BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiêm Phó Tư lệnh BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, xúc động: Cũng như các BS trong tổ y tế đặc biệt, đóng góp của Đại tá, BS Lê Điều với sự nghiệp gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch là không nhỏ. Vì thế, tên ông mãi được ghi như một nhân chứng lịch sử ở một thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, kể về ông, cũng là dịp để mỗi chúng ta nhớ những người thầy thuốc đã có công đầu trong nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả mà dân tộc giao phó

Thanh Hằng
.
.
.