Ba quốc gia một điểm đến

Thứ Năm, 14/08/2008, 15:21
Đó là nội dung hội thảo quốc tế về du lịch do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức hôm 8/8 tại phố núi Pleiku, Gia Lai. Hội thảo phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển này thêm một lần nữa khẳng định chính sách du lịch của Việt Nam, Lào, Campuchia có chung một hướng đi: Ba quốc gia một điểm đến.

Tại hội thảo, ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch khẳng định: Ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia có nhiều nét tương đồng về văn hóa, giao thông thuận lợi, nhiều điểm du lịch hấp dẫn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Kể về những điểm đến có một không hai ở khu vực tam giác phát triển như thác 7 tầng của Campuchia, đền Wat Phu (Lào), không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Việt Nam).

Theo ngài Khom Douangchantha, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Lào cho rằng, tiềm năng du lịch các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển rất dồi dào với nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên như thác nước, hồ, sông Mê Kông, các di tích lịch sử như đền cổ, Khu chuyên đề đá, đường Hồ Chí Minh trên đất Lào, di tích làng nghề truyền thống... của các tỉnh trong tam giác phát triển có nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch.

Đặc biệt, các cửa khẩu quốc tế như cửa khẩu đường bộ đến Bờ Y (Việt Nam), Stung treng (Campuchia), và sân bay quốc tế Pakse đã mở ra nhiều thuận lợi cho du khách đi lại và giao thương hàng hóa. Ngoài ra, còn có thể xuôi về Campuchia bằng đường thủy theo sông Mê Kông và sang Thái Lan bằng cửa khẩu đường bộ ở thành phố Pakse - Chămpasak.

Còn ngài Khamera, Bộ Du lịch Campuchia cho rằng, các tiềm năng du lịch của các tỉnh trong khu vực như Vườn quốc gia Virakchey, thác nước Sopheak Mith, điểm du lịch rừng ngập mặn Ramsar, hồ Yeak Loam… của Campuchia ở các tỉnh Stung treng, Natanakiri, Mondunkiri có nhiều thuận lợi cho các tour du lịch sinh thái, văn hóa.

Đối với 4 tỉnh Việt Nam trong tam giác phát triển gồm Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum hiện có 2 cửa khẩu quốc tế bằng đường bộ sang Lào và Campuchia là những tỉnh có điều kiện hạ tầng kinh tế, xã hội khá. Đây là vùng văn hóa đặc thù của Việt Nam với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như Không gian văn hóa cồng chiêng, Vườn quốc gia Yok Đôn, Vườn quốc gia KonKaKinh, Chư Đăng Ya, Ngọc Linh, Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mô Ray, di tích Tây Sơn thượng đạo, Khu nghỉ dưỡng Măng Đen... đã và đang hứa hẹn nhiều tiềm năng du lịch độc đáo, gây nhiều ấn tượng cho du khách.

Hiện ở Gia Lai đang tổ chức một số tour du lịch lữ hành sang các nước láng giềng qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) như Pleiku-Pakse-Pleiku; Pleiku-Pakse-Bangkok-Patttaya-Nongkhai-Viêng Chăn; Pleiku-Pakse-Viêng Chăn-Luang prabang, Pleiku-Pakse Viêng Chăn-Sanvan-Đà Nẵng…

Đặc biệt, hàng ngày từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định có nhiều chuyến xe khách đi Atopư, Pakse và ngược lại. Với bán kính 350km từ Pleiku đi Chămpasak (Lào), Pleiku-Stung treng (Campuchia) hoặc từ ngã ba Đông Dương ở Kon Tum qua Lào, Campuchia "chỉ một bước chân" hy vọng tiềm năng du lịch trong tam giác phát triển sẽ nhanh chóng biến thành lợi thế du lịch

Ngọc Như
.
.
.