Ba nỗi niềm của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Thứ Năm, 18/09/2008, 15:45

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mở cửa đón tôi trong căn nhà 36m2 bề bộn, chỉ đủ kê một bộ bàn ghế nhỏ và nổi lên là chiếc đàn Piano. Góc trong sau tủ sách to là giường ngủ của mẹ anh, bà Nguyễn Thị Túc, vợ cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Bà bị tai biến mười bảy năm và giờ thì nằm liệt giường bất động.

Nỗi buồn

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhìn tôi ái ngại vì căn nhà nhỏ không rộng chỗ để tìm một chỗ ngồi trò chuyện yên tĩnh. Khu tập thể 65 Nguyễn Thái Học này là nơi bốn thế hệ của gia đình anh đã ở, nó đầy ắp kỷ niệm của ngày thơ bé. Nhưng, thời bao cấp, thôi thì khó khăn chung đã đành, nhưng thời nay, gần chục người ở trong ngôi nhà 36m2 với đủ các loại đồ dùng cần thiết cho ngôi nhà, thì quả thật… hơi bất tiện!

Rồi trong lúc anh Quân đi tìm nước uống, tôi quan sát khu nhà trong sự ngạc nhiên của chính mình. Có lẽ không chỉ tôi, mà bất cứ ai đến thăm nhà anh đều sẽ có một sự ngạc nhiên như thế. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, hiện đang là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, vợ anh, NSƯT, diễn viên Chiều Xuân xinh đẹp, nổi tiếng với nhiều vai diễn xuất sắc trong các phim "Mẹ chồng tôi", "Người yêu đi lấy chồng"… lại ở trong một căn nhà có vẻ hơi… tạm bợ. Dường như, mọi thứ trong căn nhà đều cũ, cứ như một gia đình vừa chuyển đến, rồi chực sẽ chuyển đi.

Khu tập thể này, thời Pháp thuộc là một vila 3 tầng, mỗi tầng có 4 phòng. Sau giải phóng năm 1954 nó được chia nhỏ ra cho các gia đình văn nghệ sĩ, mỗi gia đình một phòng. Đây là nơi của những văn nghệ sĩ nổi tiếng đã từng ở như nhà văn Nguyễn Đình Thi, các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, nhà văn Vũ Tú Nam và nhạc sĩ Đỗ Nhuận...

Anh Quân nhớ lại: "Ngày xưa ít khẩu thì bố tôi còn kê được một cái bàn làm việc, bây giờ, như bạn thấy đấy tôi không còn chỗ để kê bàn làm việc nữa. Ngay cả chỗ nấu ăn, vợ tôi cũng phải cơi nới ở ban công và gần như cả nhà không thể ngồi ăn cơm cùng một lúc vì quá chật, muốn đông đủ lại phải rải chiếu ra giữa nhà. Và tế nhị hơn, hai vợ chồng tôi ngủ… cũng phải chia nhau ra, Xuân ngủ trên gác xép, còn tôi ngủ dưới gác xép, vốn là góc của cái ban công cải tạo lại. Nói vậy không phải để than nghèo kể khổ, mà để biết rằng, đôi khi ngôi nhà chỉ là vật chất nhưng nó chi phối đời sống tinh thần khá nhiều!".

Nghe chuyện đến lúc này tôi hỏi: "Anh từng là Đại biểu Quốc hội trong 5 năm, rồi Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, bây giờ đến chức to nhất Hội Nhạc sĩ mà không có tiền… để dành để mua nhà sao?"

- Có lẽ việc tôi làm không cố định một nơi đủ lâu (nhiều nhất 5 năm là bị điều động đi nơi khác) nên việc phân nhà phân đất tôi không có phần. Còn tiền tiết kiệm ư, hiện tại, tiền lương của tôi hơn 4 triệu đồng một tháng, cộng lại với tiền nhuận bút thì cũng chỉ đủ cho vợ chi tiêu trong một tháng, lấy đâu ra tiền mà mua nhà. Với đồng lương công chức thì chỉ có thể hy vọng sống đủ một tháng mà không bị âm là tốt rồi. Tôi giống tính bố tôi là thẳng thắn, cục mịch lại được giáo dục từ nhỏ bởi nền văn hóa Nga, nên tôi giải quyết các vấn đề không được uyển chuyển theo cách có lợi cho mình. Đó cũng là điểm yếu của tôi mà biết đấy nhưng tôi không thể sửa được, sửa là làm trái ý mình, nó cứ làm sao ấy.

- Vợ anh, NSƯT Chiều Xuân có bao giờ than phiền vì điều đó không?

- Chúng tôi lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, cùng chung lưng đấu cật từ những ngày gian khổ nhất. Bây giờ đời sống khác hơn, thời cuộc khác hơn mà tôi vẫn … chứng nào tật nấy. Xuân có than phiền, nhưng rồi mãi tôi cũng chẳng thay đổi được, cũng đành phải chịu thôi. Tôi là thế biết sao được. Tôi cũng buồn vì bản thân mình là trụ cột gia đình mà chẳng biết cách kiếm tiền cho vợ con sung sướng, chỉ có một lòng yêu thương trân trọng và ủng hộ cô ấy phấn đấu cho sự nghiệp. Xuân học đạo diễn và mở công ty riêng là một việc làm rất tốt, may ra sau này tôi được nhờ vợ.

… Niềm vui

Nhạc sĩ quá cố Lương Hải (kiêm thợ sửa xe máy) có lần kể với tôi rằng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nấu ăn rất ngon. Tôi thì nghi ngờ điều đó. Cho đến khi Đỗ Hồng Quân thừa nhận rằng, được vào bếp nấu ăn là niềm vui của anh. Năng khiếu đó được tiềm ẩn từ thời thơ ấu, khi anh mới 8 tuổi theo Trường Âm nhạc Việt Nam đi sơ tán ở Xuân Phú, Yên Dũng, Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Có lần mẹ anh gửi lên cho anh lạp sường và ruốc, cậu bé Quân ngày đó đã biết cách cắt lạp sường, trộn ruốc và đập một quả trứng cho vào cặp lồng rồi để nhờ vào lò than bếp ăn tập thể. Có lần, ông chủ nhà sơ tán, vì yêu quý nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bắt được chục con chim ngói gửi về (hồi đó mười con chim quý bằng cả tạ gạo) thì ngay tức khắc khi trở về lán trại, Đỗ Hồng Quân đã rủ chúng bạn vặt lông và nướng thịt. Đó là những kỷ niệm về ẩm thực đã ghi vào dấu ấn theo năm tháng của người nhạc sĩ đa tài này.

Gần đây nhất, rằm Nguyên tiêu năm 2006, anh đã mời bạn bè về quê nội Hải Dương tự mình trổ tài làm đầu bếp chế biến cả một con bê với đủ các món cho bạn bè thưởng thức. Để làm được điều đó, anh đã thức suốt từ 9 giờ tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau với một niềm thích thú thực sự. Đỗ Hồng Quân cho rằng nghệ thuật nấu ăn rất gần với âm nhạc. Khi bắt đầu món ăn ta đã phải tưởng tượng được kết quả nó thế nào, trong quá trình chế biến thì phải biết lúc nào nêm cái gì, cho gia vị ra làm sao, chỉ lệch đi, khác đi là sẽ trở thành một món ăn dở. Âm nhạc cũng thế, có đoạn chậm, đoạn nhanh, đoạn cao trào, đoạn trầm lắng. Bản chất của âm nhạc là sáng tạo, và công việc chế biến món ăn cũng thế, đó là sự thử nghiệm. Cũng chính là người hay thử nghiệm nên Đỗ Hồng Quân đã chế tác được một món ăn rất độc đáo, anh còn khẳng định rằng, món này bản quyền thuộc về anh, đó là món ba ba nấu rượu vang. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nghe tài nấu ba ba của anh đã nuôi hai con ba ba và dành riêng cho Đỗ Hồng Quân vào Sài Gòn trổ tài nấu nướng.

Và… điều trăn trở

Cho dù là người hoạt động ở nhiều lĩnh vực (sáng tác, dàn dựng, chỉ huy dàn nhạc… kể cả đóng phim) nhưng Đỗ Hồng Quân tự nhận rằng mình rất hợp với nghề làm thầy. Suốt hơn 20 năm qua (trong đó có 5 năm là Phó chủ nhiệm khoa Lý luận - Sáng tác và Chỉ huy - Nhạc viện Hà Nội) anh đã làm được điều mình tâm huyết, đó là truyền thụ cho học trò những kiến thức về sáng tác âm nhạc mà anh học được trong suốt cả quãng đời tầm sư học đạo cũng như tự mày mò của mình. Đỗ Hồng Quân quan niệm, cái khó của người làm thầy dạy sáng tác là phải khai sáng cho học trò con đường ngắn nhất đến với chính mình, vượt ra ngoài giáo trình, lý thuyết và phương pháp… Các lứa học trò của anh như Vũ Thiết, Vũ Thảo, Lương Minh, Trần Nhật Dương… sau này có Phạm Minh Thành, Đỗ Bảo, Lưu Hà An… đã ra trường và nay có vị trí vững vàng trong làng âm nhạc.

Tôi hỏi Đỗ Hồng Quân: "Phải chăng chính bởi kiên trì đi bằng con đường chính thống, nên anh được chọn làm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỳ này?".

Anh lắc đầu:

- Đối với tôi thì chức Chủ tịch Hội là một nhiệm vụ nặng nề, có hay không thì tôi vẫn luôn là một Đỗ Hồng Quân xưa nay mà thôi. Chỉ khác là mình bận hơn và ít có thời gian cho chính mình. Đây là một Hội nghề nghiệp, anh em tín nhiệm bầu mình lên để đáp ứng quyền lợi cho họ và mình phải làm tròn trọng trách đó. Trong quan niệm của tôi, thì tôi đang làm công việc của một người phục vụ, ai có việc gì cũng kêu đến mình và mình phải toàn tâm toàn ý mà làm sao cho thuận hòa và êm thấm, thuận lòng người, đáp ứng quyền lợi của người nhạc sĩ.

- Cổ nhân vẫn nói, con hơn cha là nhà có phúc, anh có nghĩ rằng, với một người cha tài ba như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, thật khó để đạt được điều đó?

- Như tôi đã nói, cha tôi còn được kê một chiếc bàn làm việc ở nhà để viết nhạc, còn tôi, căn nhà nhỏ chỉ là nơi lưu giữ hàng trăm nghìn kỷ niệm. Có thời gian, tôi phải thức dậy từ 5 giờ sáng để đến cơ quan viết nhạc. Ở nhà tôi chật quá, mọi đồ vật ngay ở dưới chân mình, có thể va vào bất cứ lúc nào. Tôi không đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng thời bây giờ đúng là "cơm áo không đùa với khách thơ" thật. Và với tôi, thì cha tôi là một tấm gương mà khi soi mình vào đó, bao giờ tôi cũng thấy mình là một cậu bé con ngơ ngác ngày nào.

Tôi tạm biệt nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân ra về khi trời đã nhá nhem tối. Căn hẻm nhỏ ra vào đông đúc lắm người và phải tránh đường nhau. Tôi nghĩ về đêm nhạc anh sắp tổ chức trong năm tới - một đêm nhạc đầy âu lo và trăn trở của người nhạc sĩ có cái dáng điệu an nhàn mà luôn đau đáu một nỗi niềm riêng trong suốt nhiều năm tháng. Tôi nhớ dáng người mẹ hiền bất hạnh của anh nằm liệt giường mười bảy năm trời. Và tôi nhớ ánh mắt của cô bé con vừa tròn 4 tuổi của anh với nụ cười đẹp như một thiên thần đang giơ bàn tay vẫy vẫy

Trần Hoàng Thiên Kim_VNCA số 88
.
.
.