“Chợ kịch” đầu tiên ra mắt:

“Bà mối” se duyên các tác giả với đơn vị nghệ thuật

Chủ Nhật, 06/10/2013, 14:29
Có một thực tế hiện nay là, trong khi các đơn vị nghệ thuật kêu trời vì thiếu kịch bản mà không biết tìm ở đâu, thì nhiều tác giả viết xong lại không biết gửi đi đâu. Tình trạng này diễn ra đã nhiều năm, khi việc “tiếp thị” tác phẩm vốn là điều mà “kẻ sĩ” rất ngại! Vì thế, với sự ra mắt của “Chợ kịch” điện tử vào ngày 5/10 tại Hà Nội, vấn đề này sẽ được giải quyết, khi chính thức tạo một nhịp cầu kết nối giữa đội ngũ sáng tác kịch bản và các đơn vị nghệ thuật.

Hoạt động mới mẻ và sáng tạo này được các nghệ sĩ cũng như các nhà quản lý sân khấu tràn hy vọng sẽ góp phần tạo ra một bước đi mới cho sân khấu cả nước. Bởi, ít nhất nó cũng sẽ giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay của sân khấu

NSƯT Triệu Trung Kiên, một đạo diễn có tên tuổi thuộc Nhà hát Cải lương TW, là người sáng lập “Chợ kịch”, chia sẻ: Bước đầu “Chợ kịch” đã thu hút khoảng 50 biên kịch sân khấu, trong đó, có nhiều tác giả tên tuổi như Lê Duy Hạnh, Vương Huyền Cơ, Hà Đình Cẩn, Lương Tử Đức, Lê Chức, Chu Thơm, Đăng Chương… với chừng hơn 50 tác phẩm. Điều này cho thấy, “Chợ kịch” sẽ từng bước tạo ra một địa chỉ uy tín, chất lượng cho những người có nhu cầu về kịch.

Với “Chợ kịch”, các tác giả viết kịch bản sân khấu sẽ có cơ hội tiếp xúc với các đạo diễn sân khấu kịch cả nước, từ TW đến địa phương, bằng việc đưa các tác phẩm mới lên website này. Điều này giải quyết được khó khăn trước đây là các tác giả ở phía Nam không có điều kiện ra Hà Nội giới thiệu kịch bản và ngược lại, với các tác giả phía Bắc cũng thế. Những người quản lý “Chợ kịch” giới thiệu tác phẩm đến với các đơn vị nghệ thuật.

Trong “Chợ kịch” sẽ bao gồm 2 loại: Kịch bản có sẵn và ý tưởng kịch bản. Với những kịch bản có sẵn sẽ được đăng lên mạng những phân đoạn ngắn, còn với những ý tưởng kịch bản hay, nếu được lựa chọn, sẽ có một đội ngũ viết tiếp những ý tưởng đó để cho ra đời những sản phẩm hay và chất lượng.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một kịch bản đã được dàn dựng rất nhiều lần.

Nhà viết kịch Ngọc Thụ cũng hài lòng khi từ nay, “Chợ kịch” sẽ là nơi để ông tự tin giới thiệu những đứa con tinh thần của mình với các đạo diễn, nhà hát, mà không cảm thấy ngại ngần.

“Chợ kịch” phát triển là điều đáng mừng, vì là nơi những người tài năng cũng được khẳng định mình, là nơi cho những tác giả và đạo diễn cần nhau thực sự gặp gỡ. Nếu thấy hợp thì họ “nên duyên”, còn không thì cũng sòng phẳng và nhẹ nhàng, tránh được việc làm mếch lòng nhau. Hơn nữa, việc các tác giả tên tuổi xuất hiện nhiều trên “Chợ kịch”, sẽ động viên thế hệ cầm bút trẻ học tập.

Các nghệ sĩ đều thấy rằng, “Chợ kịch” là xu thế chung để đáp ứng nhu cầu của đời sống nghệ thuật. Không thể khẳng định những điểm tích cực của “Chợ kịch”, bởi mức độ quảng bá rộng, nên các nhà biên kịch dù có tay nghề hay mới vào nghề đều có cơ hội như nhau để giới thiệu tác phẩm với công chúng và các đạo diễn.

Liệu có sợ bị ăn cắp ý tưởng ở các tác phẩm, theo nhà biên kịch Lê Quý Hiền thì điều này không ngại, vì ý tưởng luôn rất nhiều trong cuộc sống, nhưng để “biến” thành tác phẩm tốt, lại đòi hỏi bản lĩnh và đẳng cấp của người viết mới.

Hơn nữa, việc gửi tác phẩm đến “Chợ kịch”, sẽ như một bằng chứng bảo vệ tác giả, nếu về sau có xảy ra tranh chấp bản quyền. Chính việc đăng công khai trên “Chợ kịch”, cũng khiến người nào muốn đạo kịch bản cũng phải e dè

Thanh Hằng
.
.
.