Ann Rule, bậc thầy của truyện "vụ án có thực" ở Mỹ

Thứ Tư, 31/05/2006, 08:54

Ann Rule được đánh giá là một trong những cây bút hàng đầu viết về giới tội phạm ở Mỹ hiện nay. Bà đến với nghiệp văn chương bằng sự hiểu biết vững chắc về pháp luật và hệ thống pháp lý chống tội phạm. Bà đã từng là nữ cảnh sát Seattle, cựu nhân viên tư vấn cứu trợ xã hội Bộ Ngoại giao ở Washington.

Ann Rule sinh ngày 22/10/1935, tại Lowell, Michigan. Bà tốt nghiệp Trường trung học Coatesville và nhận bằng cử nhân Văn chương tại Đại học Washington. Ngoài ra, Ann còn tham dự các khóa học điều tra tội phạm của ngành cảnh sát và hiện vẫn tham gia giảng dạy chuyên đề cho nhiều nhóm thi hành pháp luật. Bà có chứng chỉ trợ giảng nhiều chuyên đề như Giết người hàng loạt, Giết người tàn bạo, Nữ sát nhân, Nhận dạng tội phạm và còn là thành viên lực lượng đặc nhiệm của Bộ Tư pháp Mỹ.

Hơn 30 năm góp mặt trên văn đàn, bà đã xuất bản được 20 đầu sách và hàng ngàn bài báo, tập trung vào ba lĩnh vực: nạn nhân; thám tử và cách thức phá án kết hợp phương pháp cũ của cảnh sát với khoa học pháp lý hiện đại; cuộc sống của những kẻ giết người.

Đầu thập kỷ 70 tại vùng Pacific Northwest bỗng dưng có một số phụ nữ trẻ mất tích. Lúc đầu họ biến mất quanh SeattleOlympia, Washington và sau đó là Oregon. Trong cùng một ngày của tháng 7, kẻ nào đó đã bắt cóc hai phụ nữ ở hồ Sammamish. Vài tháng sau thi thể của họ được tìm thấy. Chưa dừng lại, tên sát nhân bí ẩn tiếp tục bắt cóc và sát hại 4 phụ nữ tại Utah. Nạn nhân thứ 5 may mắn trốn thoát và đã giúp cảnh sát tìm ra hung thủ. Thật bất ngờ y đã có thời cùng làm việc với Ann tại một bệnh viện ở Seattle. Tên y là Ted Bundy. Năm 1979 Ted mới chịu thú tội và sau đó y bị kết án tử hình. 

Vụ này được Ann viết thành tác phẩm đầu tay “Người lạ bên tôi” - một trong những tác phẩm viết về những kẻ giết người hàng loạt thành công nhất. Trong cuốn sách, Ann đã mô tả cặn kẽ mối quan hệ kéo dài suốt 20 năm với Ted Bundy, người bà đã từng coi là bạn tâm giao và bà thực sự bị sốc khi biết rằng người đàn ông đêm đêm vẫn ngồi bên bà lại chính là sát thủ mà cảnh sát đang truy tìm. Từ năm 1980 đến nay “Người lạ bên tôi” đã được tái bản đến 40 lần.

Tiếp theo “Người lạ bên tôi”, Ann bắt tay vào viết bộ ba “Con thú giết người”, “Sát thủ quảng cáo” và “Sát thủ 1 - 5”. Trong “Con thú giết người”, nhân vật Jerry Brudos có một sở thích bệnh hoạn: thèm khát giày dép và… đồ lót nữ. Người đầu tiên trong số 5 nạn nhân của y ở Oregon là một nữ nhân viên bán hàng. Y đã hãm hiếp rồi bóp cổ cô. Cả trước và sau khi giết con mồi của mình y đều chụp ảnh. Nhưng Brudos vẫn chưa là gì so với Harvey Louis Carignan trong “Sát thủ quảng cáo”. Carignan căm ghét nữ giới mặc dù y đã hai lần lập gia đình. Y dụ con mồi vào chiếc bẫy giương sẵn của mình bằng cách đăng quảng cáo. Hành trình cưỡng hiếp và giết chóc của y còn kéo dài đến Midwest. Chỉ nhờ sự phối hợp của một loạt tiểu bang, Carignan mới bị sa lưới.

Khi viết về những đối tượng này, Ann Rule luôn cố gắng quay về thời thơ ấu của chúng, thậm chí tìm hiểu cả lai lịch gia đình chúng để tìm ra căn nguyên hình thành thái độ của loại người này. Bà đã dành nhiều tháng trời nghiên cứu tài liệu, bắt đầu từ những phiên tòa, tiếp đó là những chuyến đi không mệt mỏi đến những địa phương xảy ra tội ác. Chỉ khi nào đã thu thập đủ chứng cứ cần thiết bà mới trở lại văn phòng và bắt tay vào viết sách.

Nhiều tác phẩm của bà như “Từng hơi thở”, “Điệu nhảy cuối”, “Cơ hội cuối”  được Thời báo New York xếp vào hàng best-seller. Bốn tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình, trong đó có “Những hy sinh nhỏ nhoi”, “Chết trước hoàng hôn”, “Đừng để nàng ra đi”. Bà đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương như Peabody Awards, Anthony Awards, giải Thống đốc tiểu bang Washington và ba lần được đề cử giải Edgar Poe dành cho các nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám Mỹ.

Trong tác phẩm của Ann, đa số nạn nhân là phụ nữ. Họ là những người quen biết kẻ sát nhân và không hề đề phòng chúng. Ann thể hiện lòng thương cảm sâu sắc đối với những nạn nhân của nạn bạo hành. Ngòi bút của bà đã diễn tả vì sao những kẻ yêu nhau bỗng dưng trở thành ác thú, vì sao tình dục và thú tính lại khiến những người bình thường có những hành động liều lĩnh và cách các nhà điều tra phá án.

Trong “Sông Xanh biến thành sông Đỏ”, bậc thầy viết về những vụ án có thực của nước Mỹ đã phải dành ra 20 năm thu thập tài liệu và nghiên cứu hồ sơ về “Sát thủ Green River” - kẻ đã giết hại ít nhất 49 phụ nữ trẻ. Cuộc điều tra làm rõ chân tướng tên giết người hàng loạt ghê gớm nhất trong lịch sử nước Mỹ đã trở thành một phần cuộc sống của Ann. Một số thi thể nạn nhân được tìm thấy chỉ cách nơi bà sống và nuôi dạy các con chưa đầy 2km. Trong vòng 22 năm, y “tác nghiệp” như một cỗ máy giết người nhằm “giải thoát thế giới” khỏi những người phụ nữ mà y coi là quỷ dữ. Sự mê tín đến mức ngu muội đã làm y trở nên nguy hiểm hơn bất kỳ kẻ giết người hàng loạt nào trong danh sách tội phạm.

Ann Rule cũng hay viết về những nữ sát thủ. Trong “Kết cục đắng cay”, bà viết về một nữ bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng nghiện ma túy và không từ một thủ đoạn nào, kể cả giết người, để thỏa mãn chính mình. Trong “Những hy sinh nhỏ nhoi”, Ann dựng lại chân dung Diane Downs, một người mẹ ở Oregon đã bắn chết các con của ả năm 1983 để có thể có được người đàn ông ả muốn. Theo Ann, số phụ nữ xấu ít hơn so với nam giới. Nhưng khi tay đã nhúng chàm, họ sẽ trở nên cực kỳ sa đọa. Ann cho biết, viết về những tội phạm nữ khó hơn và thường làm bà nổi cáu.

Nhưng dù trong tác phẩm thủ phạm có là đàn ông hay đàn bà, Ann cũng không bao giờ bỏ quên các nạn nhân và gia đình họ. Và một trong những nguyên tắc của bà là không cho khán giả biết kết cục của câu chuyện trước khi đọc xong cuốn sách. Hơn ai hết bà hiểu rằng, khi tội ác vẫn chưa bị quét sạch thì cuộc sống của những người vô tội vẫn còn bị đe dọa. Chết dưới bàn tay những kẻ sát nhân là nỗi đau lớn hơn những gì nhân loại có thể chịu đựng

Lương Lê Giang
.
.
.