Ảnh nude: nghệ thuật hay khiêu dâm?

Thứ Năm, 01/03/2012, 09:53
Những bức xúc về một số tấm ảnh “nóng” trên các trang báo mạng thời gian qua, đã khiến hội thảo về dự thảo Thông tư quy định một số hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, do Bộ VH,TT&DL tổ chức sáng 29/2 thu hút sự quan tâm của cả các nhà quản lý, nghệ sĩ lẫn báo chí.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH,TT&DL), dự thảo được góp ý sửa chữa đã 7 lần, nhưng vẫn chưa đề cập hết những vấn đề mà đời sống nhiếp ảnh đang cần. Đặc biệt, việc phát tán ảnh nude trên mạng đang là vấn đề nóng mà dự thảo cần phải bổ sung các điều khoản quản lý cụ thể.

Ông Hoàng Minh Thái – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH,TT&DL cho rằng, tiền kiểm không đảm bảo quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, vì thế, chỉ có thể xử lý nếu vi phạm. Với ảnh nude, điều quan trọng là thái độ ứng xử. Nghệ sĩ muốn chụp thế nào cũng được và nếu để trong nhà thì không sao, nhưng nếu đưa ra công chúng thì phải xem tác động thế nào. Vì thế, chức năng của cơ quan Nhà nước là hạn chế tác hại.

Theo đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh thì cơ quan quản lý Nhà nước cần ngăn chặn ảnh nude phát tán trên mạng bằng việc xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động của trang mạng đó, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền luật pháp trong sử dụng tác phẩm ảnh trên mạng. Bên cạnh đó, nên có nhiều tác phẩm nude nghệ thuật đưa đến công chúng, để người xem so sánh và tẩy chay những cái lệch lạc về ảnh nude trên mạng.

Tuy nhiên, ngay chính các nhà nhiếp ảnh có mặt trong hội thảo cũng chưa có quan điểm thống nhất thế nào là ảnh nude nghệ thuật, thế nào là nude dâm ô, nên sẽ rất khó cho công tác quản lý. Cũng chính vì thế, ngay bản thân những nghệ sĩ nhiếp ảnh còn dè dặt trong công bố ảnh nude nghệ thuật. Những người có chuyên môn vẫn mong muốn có nhiều hơn những triển lãm, hay những trang web ảnh nude nghệ thuật để công chúng thưởng thức và hiểu đúng thế nào là nude nghệ thuật.

"Nét xuân thì" của Mai Phương Thúy gây chú ý của dư luận thời gian qua.

Vì thế, ý kiến của nhà báo Việt Văn, người có bộ sưu tập dày dặn các giải thưởng ở nước ngoài, đã nhận được sự đồng tình: Cần làm rõ khái niệm ảnh nude, nhưng hiện sự phân biệt giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh khỏa thân rất khó, thậm chí người trong nghề chưa chắc phân biệt được. Vì thế cần nêu rõ ảnh nude hở những bộ phận nhạy cảm của người mẫu, nếu muốn đưa lên mạng phát tán rộng rãi cần có một Hội đồng nghệ thuật thẩm định. Nhưng Hội đồng nghệ thuật lại không thể chung chung là có kinh nghiệm và uy tín như Thông tư quy định, mà cần cụ thể hơn, như phải có chuyên môn nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm hoạt động nhiếp ảnh từ 10-15 năm trở lên, am hiểu sâu sắc về lĩnh vực đó, chứ đừng bắt nghệ sĩ chụp ảnh phong cảnh thẩm định nghệ sĩ chụp ảnh nude.

Nhà báo Việt Văn còn đề nghị: Ngay cả với mỗi bức ảnh nude được “cấp phép” lên mạng cũng nên áp dụng cách làm của nhiều trang web nước ngoài là để ảnh ẩn và ghi dòng chữ “Ảnh người lớn” với lời cảnh báo người xem phải đủ độ tuổi cần thiết và chịu trách nhiệm về hành vi xem ảnh của mình. Cũng như nhất thiết phải có quy định về việc không được phát tán những hình ảnh làm tổn hại hình ảnh đất nước, con người Việt Nam (trong đó có các nhân vật tên tuổi - người của công chúng).

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tuyên giáo TW:  Nhà quản lý cần có cái nhìn cởi mở

Thưa ông, chính các nghệ sỹ nhiếp ảnh còn khó phân biệt nude nghệ thuật với nude dâm ô, thì việc quản lý sẽ rất khó. Ông nghĩ sao về điều này?

- HS. Lương Xuân Đoàn: Trong nghệ thuật nhiếp ảnh của ta, ảnh khỏa thân nghệ thuật lại bị loại ra khỏi sự sáng tạo, dù nhiều người đã thành công như Thái Phiên, Trần Huy Hoan, Trọng Thanh v.v… Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật nào. Các tác phẩm của Thái Phiên đã không được triển lãm ở cả TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế. Trong khi chúng ta ngại ngần cấp phép triển lãm, thì những cuốn sách ảnh nude của Thái Phiên lại được tái bản nhiều lần, là điều các nhà quản lý phải quan tâm.

Tôi cho rằng, chúng ta cần chấp nhận ảnh nude nghệ thuật là một loại hình trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Vì khi đã phát tán trên mạng, chúng ta không có cách gì quản lý được đâu, nên cần để khán giả làm quen với ảnh nude nghệ thuật, từ đó phân biệt được và không lầm lẫn với ảnh khiêu dâm, đồi trụy. Trước mắt, hãy cấp phép triển lãm ảnh nude nghệ thuật được công bố. Nghệ sỹ chịu trách nhiệm trước tác phẩm của mình, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Chứ cứ giấu giếm, nghệ sỹ khổ, mà bản thân công chúng muốn được thưởng thức lại không được xem thoải mái. Cũng không cần cân nhắc địa điểm trưng bày tác phẩm nude nghệ thuật. Quá muộn rồi khi đã mấy nhiệm kỳ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mà chưa có một triển lãm ảnh khỏa thân nghệ thuật được tổ chức.

- Như vậy, có phải cơ quan quản lý đang cứng nhắc vì không theo kịp cuộc sống và điều cần cởi mở chính là cơ quan quản lý?

- HS. Lương Xuân Đoàn: Hãy dám để nghệ sỹ tự chịu trách nhiệm về sáng tạo nghệ thuật của mình. Tôi xem các bức ảnh của các nghệ sĩ đều thấy, tự tác giả khi chụp đã rất kín đáo, rất phương Đông, dù phô phang hình thể, như Trần Huy Hoan, Thái Phiên. Vấn đề là khi tiếp nhận vẻ đẹp, đặc biệt là của người phụ nữ Việt, phải trong không gian như thế nào, để tôn vinh thêm vẻ đẹp lõa thể của phụ nữ, phải cho thêm xúc cảm thẩm mỹ chứ không phải phản cảm. Điều này đòi hỏi cao sự sáng tạo của nghệ sỹ.

- Với góc nhìn của một nghệ sĩ, cũng là một nhà quản lý, ý kiến của ông về bộ ảnh Nét đẹp xuân thì của Mai Phương Thúy?

- HS. Lương Xuân Đoàn: Không phải là nude, vì vẫn có tà áo dài. Bản thân hình thể bên trong chỉ là thấp thoáng. Có vẻ như mọi người hơi nặng nề với Mai Phương Thúy, vì bức ảnh đó đã chụp trên lịch, nhưng khi phát tán trên mạng và truyền thông vào cuộc lại thành “to chuyện”. Theo tôi, người phụ nữ muốn khoe cơ thể mình thì cũng nên tôn trọng sự dũng cảm đó. Nhìn ảnh chụp thấy rất khó nhận biết được là ai, vì ảnh không mang khuôn mặt người đàn bà cụ thể, chỉ là nét đẹp cơ thể được phơi bày. Người quản lý phải hiểu và chia sẻ với sáng tạo của nghệ sĩ. Khi người quản lý chưa hiểu thì người nghệ sĩ phải bình tĩnh thuyết phục.

- Như vậy, điều quan trọng là cần cởi trói về quan niệm thẩm mỹ?

- HS. Lương Xuân Đoàn: Trung Quốc là nước phong kiến, nhưng hiện nay, trên đường phố Bắc Kinh, tranh, tạp chí khỏa thân nghệ thuật được công bố rất nhiều. Vì thế, mong rằng Thông tư trong lĩnh vực nhiếp ảnh sẽ tạo điều kiện cho các nghệ sĩ nhiều hơn, vì ảnh nude nghệ thuật là loại hình khó khăn nhất trong nhiếp ảnh.

- Xin cảm ơn ông!

T.H.

Thanh Hằng
.
.
.