Angelina Jolie: Không chỉ khóc, mà phải hành động

Thứ Sáu, 16/03/2007, 12:58
Nhiều năm tiếp cận, gần gụi với những cảnh đời bất hạnh ở nhiều nơi trên thế giới, Angelina hiểu rằng, chỉ rơi nước mắt thôi chưa đủ mà còn phải hành động, làm những việc dù nhỏ nhất nhưng có tác dụng làm giảm bớt nỗi khổ của từng con người cụ thể.

Nhiều phương tiện thông tin đại chúng trên thế giới ngày 15/3 dồn dập đưa tin về việc nữ minh tinh Hollywood, Angelina Jolie đã tới Việt Nam chính thức nhận cậu bé Phạm Quang Sáng tại Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi Tam Bình (TP HCM) làm con nuôi. Cô đã đặt tên mới cho bé Sáng là Pax Thiên Jolie.

Cùng đi với Angelina tới Việt Nam lần này còn có ba đứa con khác của cô (hai con nuôi và một con đẻ). Sau khi hoàn thành các thủ tục, Angelina cùng các con mình sẽ rời Việt Nam về Mỹ vào cuối tuần này.

Quyết định nhận con nuôi người Việt đã được Angelina và bạn trai của cô, nam tài tử Brad Pitt thông qua trong lần ghé thăm Việt Nam tháng 11 năm ngoái. Theo một số nguồn tin, trước khi Angelina sang Việt Nam lần này, cô đã cùng Brad làm lễ thành hôn tại Costa Rica, chiều theo lời trăng trối của mẹ cô (mới mất ngày 27/1 tại Los Angeles). Gia đình siêu sao Hollywood này hiện đang sống ở New Orleans.

Trên cương vị Đại sứ thiện chí LHQ, suốt 6 năm qua, Angelina đã tới nhiều nơi "thâm sơn cùng cốc" trên thế giới, tận mắt chứng kiến những tấn bi kịch đầy tuyệt vọng của không ít người dân tại những điểm nóng như ở châu Phi hay Pakistan... Danh tiếng của cô đã thu hút được thêm những tấm lòng thơm thảo khắp năm châu dành cho những người khốn khổ ở nhiều quốc gia.

Những năm tiếp cận gần gụi với những cảnh đời bất hạnh ở nhiều nơi trên thế giới đã giúp cho Angelina hiểu rằng, chỉ rơi nước mắt thôi chưa đủ mà còn phải hành động, làm những việc dù nhỏ nhất nhưng có tác dụng làm giảm bớt nỗi khổ của từng con người cụ thể.

Mới đây, Angelina đã có một cuộc trả lời phỏng vấn thẳng thắn với phóng viên Tạp chí Newsweek. Xin trích giới thiệu.

PV: Động cơ nào là đầu tiên thúc đẩy chị làm việc cho LHQ và thực hiện những chuyến đi như thế?

Angelina: Gần 9 năm trước đây, tôi bắt đầu thực hiện những chuyến đi như thế để làm phim. Tôi tới Campuchia, hay tin về nhiều người tị nạn ở Thái Lan, nghe chuyện về mìn bộ binh, về nhiều thứ khác.

Tôi nhớ, có lần tôi đã ngồi lỳ hai ngày liền để đọc ngấu nghiến tất cả những thứ đó. Tôi đọc thông tin về Ủy ban về những người tị nạn của LHQ và hiểu ra rằng, đây là tổ chức mà tôi chưa hề biết gì cả, nhưng đang lo lắng cho tới hơn 20 triệu người trên thế giới. Và tới giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác rằng tôi không thể nào hiểu được là làm sao tôi lại có thể suốt đời không biết được điều đó.

PV: Khi nào thì chị nảy ra ý nghĩ rằng chị có thể làm một việc gì đó một cách trực tiếp? Có ai đấy đã đề nghị chị làm ư?

Angelina: Chính tôi đã đề nghị họ cho tôi làm. Tôi nghĩ rằng khi ấy, họ tưởng rằng tôi là người bất bình thường.

PV: Chuyện xảy ra khi nào vậy?

Angelina: 6 năm trước. Tôi rất bồn chồn khi đề nghị LHQ lần ấy. Tại Hollywood, tôi bị coi là người nổi loạn. Khi đó, tôi còn là một cô bé hơi bướng bỉnh. Vậy nên thoạt đầu tôi đã tới Washington (tới Văn phòng Ủy ban về người tị nạn), ngồi trò chuyện cùng một người nào đấy và nói: "Tôi biết rằng quý vị có thể không biết tôi. Có thể quý vị đã nghe nhiều chuyện khác nhau về tôi. Tôi không muốn lôi cuốn sự chú ý không lành mạnh tới cùng tổ chức của quý vị. Nếu quý vị không thể giúp tôi được, thì tôi sẽ dùng tiền để làm".

Một năm rưỡi tiếp theo đó tôi đã tới hai trại tị nạn ở châu Phi, rồi tới Pakistan và Campuchia. Không có máy quay phim, không có báo chí, tôi đã có cơ hội nhận được những cải huấn sâu sắc trước khi tôi bắt đầu lên tiếng. Và tôi đã được biến cải một cách kỳ diệu như thế.

PV: Bây giờ thì đi theo chị là không ít các nhà nhiếp ảnh.

Angelina: Tôi đã cần phải có thêm một thời gian nữa mới đồng ý để việc đó diễn ra. Có lẽ tôi đã từng thấy nhiếp ảnh thường xuất hiện sớm hơn là hiểu biết về bản chất vấn đề và tôi tất nhiên là không muốn để chuyện như thế diễn ra với tôi và với tổ chức. Hơn nữa, tôi thực sự cũng ngại ngùng.

Tôi ngại ngùng vì khi tôi ngồi trên sàn và trò chuyện với phụ nữ thì máy ảnh cứ chụp và tôi cảm thấy việc đó làm giảm ý nghĩa công việc của tôi. Nhưng gương mặt những người mà tôi nhìn thấy đã làm thay đổi tôi. Tôi không đủ sức để miêu tả lại những điều đó - những gương mặt ấy, địa điểm ấy và những con người ấy. Và tôi chợt nghĩ, cứ để họ nói thông qua ống kính.

Và nếu như tôi có cách nào đó thu hút quý vị chỉ vì chúng ta đã quen thuộc với nhau thì cũng là sự tuyệt vời. Bởi lẽ, tôi hiểu rằng, rốt cuộc, quý vị sẽ nhìn những con người ấy chứ không phải nhìn tôi.

PV: Tôi nghĩ rằng, sẽ công bằng nếu nói rằng mọi người bắt đầu nhìn chị, Angelina!

Angelina: Cho tới khi cuối cùng họ nhìn ra những con người ấy, thì việc này còn có ý nghĩa...

PV: Khi thấy những cảnh tượng bi thương ở các trại tị nạn, chị cảm thấy tuyệt vọng?

Angelina: Tất nhiên, đôi lúc là như thế. Hai năm đầu tiên, tôi đã khóc nức nở như một phụ nữ.

PV: Như bất cứ một con người nào.

Angelina: Đúng, như bất cứ một con người nào. Tôi thực sự  không thể nói về chuyện đó mà không xúc động. Tôi đã từng trải qua giai đoạn hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi đã có lúc cảm thấy mọi sự quá mênh mông mà tôi không thể làm gì để góp phần sửa đổi được

Hương Trà
.
.
.