Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2012:

An ủi người già, động viên người trẻ

Thứ Bảy, 06/10/2012, 20:45
Ngoài giải thành tựu trọn đời về thơ trao cho tác phẩm Xem đêm của nhà thơ Phùng Cung, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2012 còn xướng tên: Nhà văn Hồ Anh Thái với tiểu thuyết “SBC là Săn bắt chuột”, nhà văn Ngô Thảo với tập tiểu luận tư liệu văn học “Dĩ vãng phía trước”, nhà thơ Nguyễn Bình Phương với “Buổi câu hờ hững”, và dịch giả Dương Tường cùng bản dịch Lolita.

Luôn được nhìn nhận như một giải thưởng có xu hướng mở, dễ gây tranh cãi và đôi khi cực đoan, giải thưởng năm nay của Hội Nhà văn Hà Nội cũng không nằm ngoài thông lệ ấy. Nhà văn Ngô Thảo, một “người trong cuộc” đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về kết quả giải thưởng.

PV: Nghe nói ông vừa trở lại Singapore để kiểm tra sức khỏe. Tất cả đều là những thông tin lạc quan và tích cực chứ?

Nhà văn Ngô Thảo: Cảm ơn bạn đã quan tâm. Theo phác đồ điều trị, sau gần một năm hóa trị và kiểm tra, thì hằng năm phải trở lại để xét nghiệm máu. Nhưng các bác sỹ bên đó gợi ý việc xét nghiệm và chụp phim có thể làm ở Việt Nam để tiết kiệm chi phí. Lần này tôi sang chỉ để họ đọc kết quả. Rất may cả bác sĩ ngoại khoa và bác sĩ điều trị ung thư đều mừng vì các chỉ số sức khỏe của tôi đang rất tốt.

PV: Có lẽ ông đã tiếp nhận thông tin tập tiểu luận - tư liệu văn học “Dĩ vãng phía trước” được giải thưởng năm 2012 của Hội Nhà văn Hà Nội ngay ở nước bạn. Lại thêm một niềm vui nữa với ông, sau niềm vui nhận giải thưởng Nhà nước vào tháng 5 vừa qua?

Nhà văn Ngô Thảo và bác sỹ điều trị ung thư người Singapore Melissa Teo.

Nhà văn Ngô Thảo: Đây là một bất ngờ lớn đối với tôi. Trong giây phút bất ngờ phát hiện bị ung thư khi vừa bước qua tuổi 70, về tinh thần, tôi rất bình tĩnh. Nhưng trong những ngày dài đêm thâu nằm chờ vết mổ phanh ở bụng liền da tôi nghĩ mình phải làm một việc gì đó trước khi từ biệt thế giới này. Hồi tưởng đến các vị đàn anh mình sắp được gặp, phải tìm chuyện để nói với họ chứ. Thế là tôi nhớ tới những gì lâu nay đã ghi chép được. Khi vượt qua những ngày khó khăn, trở về, tôi bắt tay lượm nhặt và hệ thống để có cuốn sách như hiện nay.

PV: “Dĩ vãng phía trước” ngay khi vừa ra đời đã tạo dư luận  tích cực. Ở tập sách này, ông vẫn nhất quán với con đường văn nghiệp của mình: Đưa ra những tư liệu đặc biệt quý, đặc biệt độc đáo và đặc biệt nữa là không biên tập, không chỉnh sửa về những người bạn văn cùng lứa cùng thời với ông, những chính khách và văn nghệ sỹ lớp trước. Ông muốn giới thiệu chân thực  về một giai đoạn đã qua của đất nước hay đơn giản chỉ là để người đọc hôm nay có cái nhìn cận cảnh hơn về con người ngoài văn chương của các tác giả?

Nhà văn Ngô Thảo: Thật ra, đối với họ, tôi là lớp người đến sau. Lòng kính trọng, yêu mến, cảm phục của tôi thể hiện qua việc hàng đêm ngồi ghi lại những điều mà lúc này lúc khác đã nghe họ nói chuyện với nhau. Gắng thể hiện được cách nói khác nhau của từng người. Chẳng phải lúc nào cũng làm được như mình muốn. Điều quan trọng nhất là ghi sao cho trung thực.

Khi là người sống sau, người ta dễ thấy mình là người thông minh, khôn ngoan, hơn người. Người đời sau cũng có khi không thông cảm và thể tất với người đi trước. Nếu đọc những tư liệu của tôi mà bạn đọc thông cảm và hiểu một thế hệ nhà văn trong chiến tranh đã sống và viết như thế nào, họ tự đánh giá tác phẩm mình như thế nào, thì tôi nghĩ công việc mình làm đã không vô ích.

PV: Nghe nói ông còn rất nhiều những tư liệu cũng thuộc hạng có một không hai khác nữa. Ông sẽ tiếp tục công bố chứ?

Nhà văn Ngô Thảo: Khi đã ở tuổi này rồi thì không dám hứa hẹn điều gì nữa. Với lại tôi biết nhiều bạn văn đang làm công việc này.

PV: Ông hài lòng với cách “chọn mặt gửi vàng” của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay?

Nhà văn Ngô Thảo: Tôi thật sự mừng vì cuốn tư liệu của tôi được chọn vào danh sách trao giải. Tôi nhận thức rằng đây là trao giải cho các tư liệu tôi đã công bố chứ không phải cho cá nhân tôi. Tôi cũng mừng cho các tác giả được trao giải lần này.

PV: Năm ngoái Hội Nhà văn của Thủ đô trao giải cho tập “Những ngã tư và những ngọn đèn” của nhà thơ Trần Dần. Năm nay giải thành tựu suốt đời về thơ lại thuộc về “Xem đêm” của nhà thơ Phùng Cung. Không ai phủ nhận giá trị của các tác phẩm và các tác giả đã thuộc về lịch sử ấy. Nhưng ông có nghĩ rằng, giải thưởng hàng năm tốt hơn cả nên trao cho các tác phẩm mới xuất hiện, những tác giả đang còn hoạt động hơn là trao cho tác phẩm, tác giả đã thuộc về quá khứ?

Nhà văn Ngô Thảo: Ở đây có hai việc phải nói. Trước hết, hai tác giả đó được trao giải TRỌN ĐỜI. Đó là một việc nên làm. Còn giải thưởng tác phẩm hàng năm thì đúng là nên nghĩ lại. Nên chăng cần cập nhật hơn và trẻ hóa các tác giả. Với người già, giải thưởng thường có tính chất an ủi. Còn với người trẻ giải thưởng có sức động viên rất lớn. Nhưng bạn ơi, theo bạn thì ta nên giới thiệu những tác giả và tác phẩm nào nhỉ?

PV: Thực ra vẫn có nhiều gương mặt trẻ sung sức đấy chứ ạ. Trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe ông

Mi Sol (thực hiện)
.
.
.