Ai về Đà Nẵng khai hội cầu Ngư

Thứ Ba, 07/02/2012, 22:36
Đây được xem là một lễ hội cầu an lớn nhất của ngư dân Đà Nẵng, một hoạt động văn hóa mang đậm nét truyền thống đặc trưng của nhân dân vùng biển Việt Nam nói chung, của ngư dân Đà Nẵng nói riêng, nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân và cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống mọi người được ấm no hạnh phúc.

Cứ sáng ngày 7/2 tức (16 tháng giêng Âm lịch), tại Đình thờ cá Ông tại Vịnh Đà Nẵng, hàng ngàn ngư dân của làng chài Xuân Hà và du khách thập phương lại nô nức tham gia khai hội cầu Ngư, cầu một năm biển yên sóng lặng, ngư dân no đủ thuyền đầy cá tôm.

Được biết, đã thành thông lệ, cứ đúng ngày rằm tháng giêng Âm lịch hàng năm, UBND TP Đà Nẵng cùng với Hội Nông dân thành phố lại tổ chức Lễ hội cầu Ngư cho ngư dân Đà Nẵng. Lễ hội cầu Ngư diễn ra trong 2 ngày (từ 15 đến 16 tháng giêng Âm lịch) tại Đình thờ cá Ông tại Vịnh Đà Nẵng và được xem là một lễ hội cầu an lớn nhất của ngư dân thành phố. Một hoạt động văn hóa mang đậm nét truyền thống đặc trưng của nhân dân vùng biển Việt Nam nói chung, của ngư dân Đà Nẵng nói riêng. Mục đích là để tỏ lòng thành khính, tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, cầu cho Quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống mọi người được ấm no hạnh phúc.

Theo các bậc bô lão, cầu Ngư là một loại hình lễ hội mang đậm nét dân gian gắn liền với cuộc sống của cư dân miền ven biển thành phố Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, Lễ hội cầu Ngư có hầu hết tại các vùng ven biển của các phường Mân Thái, Thọ Quang, Hòa Hiệp... Lễ hội được bà con ngư dân tổ chức vào các ngày 16, 17/1 Âm lịch hàng năm trên bãi biển đường Nguyễn Tất Thành. Nó đã trở thành một lễ hội truyền thống của nhân dân nơi đây.

Lễ hội gồm hai phần chính, phần Lễ được mở đầu với Lễ Nghinh Ông (“Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả), được bà con ngư dân tổ chức trang nghiêm với lễ rước trên biển, bày tỏ sự đoàn kết giữa các vạn chài, chứng dám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Đây còn là sự tôn kính đối với các chư vị thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng cá.

Các nghi thức tế lễ và hoạt động lễ hội mang đậm nét dân gian gắn liền với cuộc sống đời thường, tập tục của cư dân miền biển. Tô đậm thêm không khí trang nghiêm của buổi lễ, Ban Nghi lễ tiến hành các nghi lễ cầu an, cầu Ngư với mục đích bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân quá cố và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, đời sống ngư dân ấm no hạnh phúc. Điều đó còn thể hiện khát vọng bình yên trong cuộc sống của ngư dân, những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển.

Phần Hội được tổ chức sôi nổi, vui tươi, lành mạnh với các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao mang đậm sắc thái của bà con vùng biển như: thi đan lưới, thi làm gỏi cá, ngoáy thúng, hát bài chòi, thả hoa đăng; các môn thể thao: bóng đá bãi biển, kéo co, đẩy gậy,… mang đậm chất văn hóa dân gian của các làng chài miền Trung với sự tham gia của các phường chài trên địa bàn, đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến xem cổ vũ.

Trong dịp này, cùng với Lễ hội cầu Ngư làng chài Xuân Hà, nhiều làng chài ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp, TP Đà Nẵng... cũng tổ chức lễ hội cầu Ngư.

Báo CAND online xin giới thiệu với bạn đọc chùm ảnh khai hội Cầu Ngư làng chài Đà Nẵng vào sáng ngày 7/2:

Khai Hội cầu Ngư.

Nhiều trò chơi dân gian, lắc thúng, kéo co được đông đảo ngư dân thành phố và du khách tham gia.
Sau lễ hội, hàng trăm ngư dân và gia đình cùng ra biển đón lộc vụ cá đầu năm .
Nhiều phụ nữ không giấu được niềm vui với cá tôm đầy thúng bày ngay ra đường biển Nguyễn Tất Thành để bán cho du khách thập phương.

Hoài Thu
.
.
.