200 tỷ đồng cho bộ phim Thái Tổ Lý Công Uẩn?

Thứ Năm, 03/04/2008, 09:54

Nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ ra tiền tỷ để sản xuất bộ phim có thể đoạt giải Oscar đem lại vinh dự cho điện ảnh nước nhà thì cũng ráng bấm bụng, đằng này phim Thái Tổ Lý Công Uẩn chỉ nhằm phục vụ cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Liệu có phí?

Bộ phim truyện nhựa Thái Tổ Lý Công Uẩn vừa được Hãng phim truyện Việt Nam - đơn vị được UBND TP Hà Nội đặt hàng sản xuất, để chiếu phục vụ cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đưa ra mức giá là 200 tỷ đồng. Một con số kỷ lục từ trước đến nay đối với nền điện ảnh Việt Nam.

Đầu tư hoành tráng chưa chắc đã hay

Đối với dân trong nghề thì con số 200 tỷ cho một bộ phim lịch sử quả là điều phải ao ước... nhưng với  một bộ phận nhân dân thì cho rằng với trình độ điện ảnh của chúng ra hiện nay thì cần phải cân nhắc trước khi quyết định. Lo lắng ấy cũng không phải là không có cơ sở bởi đã có nhiều bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng làm xong thì chỉ "lưu kho" (vì không có khán giả xem). Lâu lâu đem ra chiếu phục vụ công chúng miễn phí vào những dịp lễ, Tết. Nên nhớ tiền ấy là mồ hôi nước mắt của nhân dân đóng góp.

Có nhất thiết phải bỏ tiền ra để xây đủ các bối cảnh nào là Cổ Loa, Điện Bách Bảo Thiên Tuế, rồi cố đô Hoa Lư đến cung Thúy Hoa, thành Đại La… Liệu ta có làm được như Trung Quốc là xây dựng phim trường được phục vụ cho nhiều phim tiếp theo và còn tận dụng để khai thác du lịch để lấy lại kinh phí đầu tư ban đầu, đồng thời có kế hoạch bảo tồn hẳn hoi chứ không phải quay xong phim là đập bỏ. Không biết ta đã nghĩ đến điều đó chưa?

Còn nữa, để làm một bộ phim lịch sử không đơn giản là hoành tráng, đánh đấm, diễn viên hàng ngàn người, xe, ngựa, tàu, thuyền, binh mã mà đòi hỏi ê kíp thực hiện phải hiểu biết lịch sử ở tầm chuyên gia hay nghiên cứu sử học chứ không phải bê nguyên xi những gì viết trong sách ra làm phim. Trong khi hiện nay trình độ làm phim về lịch sử của Việt Nam chưa mấy kinh nghiệm.

Ngay cả người trong cuộc là đạo diễn Lưu Trọng Ninh còn lo lắng: "… Nếu ta cứ làm theo hướng hoành tráng thì dù có đầu tư  200 tỷ đồng hay hơn nữa cũng không thể làm được như họ. Bởi ta chưa đủ người, chưa đủ công nghệ, trình độ kỹ xảo… Do đó ta nên khai thác thân phận nhân vật là chính sẽ dễ thuyết phục người xem hơn".

Thật vậy, nội dung câu chuyện mới là quan trọng. Ai đã từng xem "Tam Quốc Chí" của Trung Quốc, dù không nhiều cảnh đánh nhau hoành tráng, trang phục rất ít thay đổi và hơn phân nửa thời lượng phim là lời thoại nhưng vẫn thu hút được khán giả từ đầu đến cuối phim qua sự diễn xuất và câu thoại của diễn viên.

Biết là không đủ lực khi làm bộ phim "Lý Công Uẩn" về kỹ xảo nên ta phải đi thuê các công ty danh tiếng của nước ngoài mà tiền cát sê được tính bằng phút (một phút kỹ xảo cát sê 50.000 - 500.000 USD theo dự kiến trong phim có đến 15 phút kỹ xảo). Vả lại, để làm một bộ phim lịch sử cần có thời gian nghiên cứu, xây dựng được tính bằng năm, thậm chí chục năm như một công trình chứ như hiện nay khâu chuẩn bị của ta vẫn còn nằm trên giấy. Vậy mà mong phim kịp ra mắt vào năm 2010, liệu có ổn?

Bỏ ra 200 tỷ, phim dở, ai chịu?

Nhiều ý kiến cho rằng nếu bỏ ra tiền tỷ để sản xuất bộ phim có thể đoạt giải Oscar đem lại vinh dự cho điện ảnh nước nhà thì cũng ráng bấm bụng, đằng này chỉ nhằm phục vụ cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Liệu có phí? Hơn nữa, nếu phim dở hay chưa thể hiện đúng ý đồ của chủ đầu tư thì ai sẽ chịu trách nhiệm, vì xưa nay chưa có đơn vị nào sản xuất hay đạo diễn nào gánh phần ấy cả.

Còn về mặt nhận thức, giáo dục khi trình chiếu phim "Lý Công Uẩn" trong lễ hội đơn vị đặt hàng là UBND TP Hà Nội mong muốn đưa người dân, nhất là giới trẻ nhớ về lịch sử ông cha, cội nguồn, dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước qua bộ phim…

Thay vì lấy 200 tỷ đồng đầu tư bài bản cho môn lịch sử, vì hiện nay theo thống kê trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2007 có gần 6.000 thí sinh bị điểm 0 môn lịch sử, chỉ có 17 thí sinh đạt 9/10. Vậy điểm trung bình của môn lịch sử là 2,09 thấp nhất so với các môn (một con số đáng buồn) một trong những nguyên nhân tuột dốc môn sử một phần do trình độ giáo viên không được thường xuyên bồi dưỡng. Môn lịch sử bị xem là môn phụ, giáo viên lịch sử không thể dạy thêm như các môn khác, thu nhập bấp bênh  thì lấy đâu ra tâm trí dạy tốt...

Chọn đề tài phim lịch sử để ra mắt dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là việc phải làm. Song đừng nêu tiêu chí "phải có 200 tỷ" mới có phim hay, mới đúng tầm… sẽ là không đúng khi Chính phủ đang chỉ thị các cấp, các ngành phải triệt để tiết kiệm, chống lạm phát, xây dựng đất nước mạnh giàu

Đình Đình
.
.
.