17 năm trước tôi viết bài thơ về liệt sỹ CSND Đỗ Kim Thành

Thứ Sáu, 20/07/2012, 10:33
Ra Giêng tôi dành một buổi đi ngược đến bãi sông nơi anh Thành hy sinh. Trong tiết trời xuân ấm áp, tôi bỗng nhận ra nước dòng sông trong xanh hơn thường ngày. Hai bên bờ hoa cỏ dưới nắng xuân bỗng sáng bừng cả lên. Và tôi có cảm nhận dường như thiên nhiên cũng thấu hiểu ý nghĩa sự hy sinh của Đỗ Kim Thành vì cuộc sống bình yên này. Đó là cái ý đầu tiên gợi cho tôi viết bài thơ “Nơi anh nằm xuống”.

Nơi anh nằm xuống

(Kính tặng hương hồn liệt sỹ Đỗ Kim Thành)

Dòng sông Bứa vẫn trong xanh muôn thuở
Hoa cỏ mùa xuân ấm áp đôi bờ
Tôi tìm về ngọn nguồn lặng lẽ
Nơi anh nằm xuống buổi chiều xưa

Một chiều - Trời quê hương trong mắt anh lần cuối
Bao thân yêu xin gửi lại nơi này
Với cái ác phải tận cùng truy đuổi
Dáng anh vẫn đi, về hiển hiện đâu đây.

Sông quê ôm anh bằng dòng nước trong
Người quê tự hào bằng giọt nước mắt
Đồng đội nhớ anh
chỉ có một con đường không thể khác
Vì cuộc sống yên bình, không tiếc tuổi xanh.

Đến cuối năm này là tròn 18 năm, ngày liệt sỹ Đỗ Kim Thành đi xa, nhưng tôi và những đồng đội của anh ở Công an tỉnh Phú Thọ vẫn không có cái cảm giác xa vắng anh, vẫn nghĩ anh đang cùng trong đội ngũ và bận một chuyến công tác đi xa đâu đó.

Có lẽ do công tác đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho cuộc sống luôn diễn ra thường xuyên và khốc liệt, đòi hỏi người chiến sỹ cảnh sát phải tập trung cao độ trí tuệ, bản lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ, không có thời gian để ngẫm nghĩ đến số phận, hoặc tính toán thiệt hơn. Những nhiệm vụ mà Đỗ Kim Thành dang dở để lại, các thế hệ sau anh luôn tiếp tục xả thân, phấn đấu làm thật tốt, để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của anh.

Dòng sông Bứa chảy qua trước nhà tôi ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê trước khi đổ về sông Hồng. Nơi Đỗ Kim Thành hy sinh chỉ cách đó vài cây số về phía thượng nguồn. Vì là đoạn sông vừa mới ra khỏi cửa rừng, nên nước còn chảy xiết, hai bên bờ còn lắm lau lách um tùm, dân cư thưa thớt. Chính vì thế mà đối tượng hình sự, đối tượng trốn truy nã đã lợi dụng lẩn trốn giả làm người hái củi, đánh cá, hòng qua mắt cơ quan điều tra.

Nhớ lại mùa đông năm 1994 ấy lạnh giá thấu xương, cứ chiều xuống đến đêm,  sương muối giăng mịt mờ đồng bãi. Đỗ Kim Thành và đồng đội khi xác định đối tượng truy nã đang lẩn trốn trên một chiếc thuyền ở giữa sông, không quản ngại, các anh triển khai kế hoạch truy bắt. Vì tác chiến trong đêm tối, trên địa hình bất lợi, lại với sự ngông cuồng của đối tượng, khiến Đỗ Kim Thành hy sinh trong đêm khuya, giữa dòng nước lạnh. Sự hy sinh của anh đã khiến không chỉ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an, mà nhân dân trong vùng vô cùng xúc động, tiếc thuơng.

Sau ngày anh hy sinh, tôi có dịp đến thăm nhà để thắp cho anh nén nhang. Trong căn nhà cấp 4 ở khu tập thể cạnh trụ sở Công an tỉnh cũ, mọi thứ đều tuềnh toàng. Bàn thờ anh đặt trên chiếc tủ gỗ cũ nghi ngút khói hương. Chị Thụ, vợ anh vừa trải qua cơn sốc nặng vẫn phải có người dìu bên cạnh. Hai đứa con nhỏ của anh chị thấy ngày ngày nhiều người đến thăm hỏi thì ngơ ngác, chứ chưa biết thấm nỗi đau mất bố. Tết năm ấy tôi về quê.

Ra Giêng tôi dành một buổi đi ngược đến bãi sông nơi anh Thành hy sinh. Trong tiết trời xuân ấm áp, tôi bỗng nhận ra nước dòng sông trong xanh hơn thường ngày. Hai bên bờ hoa cỏ dưới nắng xuân bỗng sáng bừng cả lên. Và tôi có cảm nhận  dường như thiên nhiên cũng thấu hiểu ý nghĩa sự hy sinh của Đỗ Kim Thành vì cuộc sống bình yên này. Đó là cái ý đầu tiên gợi cho tôi viết bài thơ “Nơi anh nằm xuống”. Bài thơ được viết ra cách đây đúng 17 năm và đã được giới thiệu đến bạn đọc, in vào trong sách.

Nhân Ngày truyền thống 50 năm lực lượng CSND, nhắc lại kỷ niệm về ngày Đỗ Kim Thành hy sinh và hoàn cảnh ra đời của bài thơ viết về sự hy sinh cao cả  của anh, thêm một lần chúng ta tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng đã  không quản ngại gian khổ hy sinh, tận tụy quên mình vì bình yên cuộc sống

Nhà thơ Hà Văn Thể
.
.
.