16 tác phẩm đầu tiên trong 75 tác phẩm sử thi Tây Nguyên đã ra mắt bạn đọc

Thứ Tư, 07/06/2006, 08:05
Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã giúp công bố 16 tác phẩm sử thi Tây Nguyên được chuyển tải trong 16 cuốn sách, trong đó có 12 tác phẩm của người Mơ Nông, 2 tác phẩm của người Ba Na, 1 tác phẩm của người Chăm và 1 tác phẩm của người Ra Glai. Sắp tới, văn bản tác phẩm sử thi Ê Đê, sử thi Xơ Đăng sẽ đến với bạn đọc.

Cách nay hơn bốn mươi năm, chúng ta đã được biết đến tập sách “Trường ca Tây Nguyên”, trong đó có các tác phẩm “Xing Nhã”, “Đăm Di”, “Khinh Dú”, “Đăm Đơroan”, “Y Ban”, “Y Brao”.

Tây Nguyên là một vùng đất ẩn chứa nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu, trong đó nổi, bật hơn cả là sử  thi, một thể loại tự sự dân gian truyền miệng, thường thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt cộng đồng.

Từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay, chúng ta đã và đang nỗ lực phát hiện lại “Sử thi Tây Nguyên” trên địa bàn các tộc người với số lượng tác phẩm khá đồ sộ. Mở đầu là việc Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian (tức Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay) phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk tổ chức điều tra, sưu tầm văn hóa dân gian các dân tộc trong tỉnh, trong đó, sử thi là một mục tiêu quan trọng. Cùng với Đắk Lắk, các cơ quan văn hóa và cá nhân ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung cũng có những hoạt động sưu tầm sử thi.

Tháng 5 năm 1997, tại  Đắk Lắk, đã diễn ra Hội thảo khoa học về sử thi Tây Nguyên nhân kỷ niệm 70 năm phát hiện tác phẩm sử thi đầu tiên. Từ đó, dẫn tới việc xây dựng và thực thi dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên, do Chính phủ giao cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thực hiện từ năm 2001 đến năm 2007. Nhiệm vụ của dự án là: 1-Tổng điều tra toàn bộ trữ lượng sử thi; 2-Sưu tầm sử thi; 3-Biên dịch và công bố 75 tác phẩm sử thi; 4-Bảo quản kho tàng sử thi.

Từ năm 2004, các tập đầu tiên của bộ sách trên 100 tác phẩm “Kho tàng sử thi Tây Nguyên” đã được công bố. Bộ sách sẽ chia thành các bộ nhỏ hơn, như “Sử thi – khan của Ê Đê”, “Sử thi – ot ndrong của Mơ Nông”, “Sử thi – Akhat Jukar của Ra Glai”, “Sử thi – Hơ Mon của Xơ Đăng”, “Sử thi – Hơ Mon của Ba Na”… Mỗi bộ sử thi có nhiều tập. Mỗi tập sách trên dưới 1.000 trang, khổ 16 x 24cm, sẽ công bố trọn vẹn một tác phẩm sử thi. Cũng có thể mỗi tập sẽ in từ hai đến ba tác phẩm của cùng một dân tộc hoặc một tác phẩm của dân tộc, nếu độ dài quá lớn thì sẽ in trong 2-3 tập. Ngoài phần văn bản song ngữ, có các phần lời giới thiệu, chú thích, chú giải tác phẩm. Trên bìa của mỗi cuốn sách, có tên chung của bộ sách “Kho tàng sử thi Tây Nguyên”, tên bộ sử thi của mỗi dân tộc và cuối cùng là tên của tác phẩm sử thi.

Đến nay, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã giúp công bố 16 tác phẩm sử thi Tây Nguyên được chuyển tải trong 16 cuốn sách, trong đó có 12 tác phẩm của người Mơ Nông, 2 tác phẩm của người Ba Na, 1 tác phẩm của người Chăm và 1 tác phẩm của người Ra Glai. Sắp tới, văn bản tác phẩm sử thi Ê Đê, sử thi Xơ Đăng sẽ đến với bạn đọc.

Dự kiến đến cuối năm 2007, số tác phẩm sử thi Tây Nguyên sưu tầm được sẽ lên tới con số 75, được chuyển tải trong 50 cuốn. Mỗi cuốn khoảng  1.000 trang, tổng cộng sẽ là khoảng  50.000 trang, khổ sách thống nhất 16 x 24 cm. Bộ sách do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trương, Viện Nghiên cứu Văn hóa thực hiện.

Một trong những tác phẩm mới được xuất bản, đáng được chú ý là “Con đỉa nuốt bon Trăng”, Sử thi Mơ Nông. Cuốn sách do Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố năm 2005, dày 1.080 trang, gồm hai phần. Phần tiếng Mơ Nông (Glu Sok bon Tiăng) và phần tiếng Việt (Con đỉa nuốt bon Tiăng). Nghệ nhân hát kể là ông Điểu Khung, xã Ea Ver, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Hai nhà nghiên cứu Đỗ Hồng Kỳ và Trương Bi sưu tầm. Phiên âm, dịch sang tiếng Việt: Điểu Kâu. Biên tập văn học: Bùi Thiên Thai.

Là một dân tộc bản địa của Tây Nguyên, dân tộc Mơ Nông có một nền văn hóa, văn học dân gian đặc sắc, trong đó, kho tàng ot ndrong rất phong phú. “Con đỉa nuốt bon Tiăng” (Ghu sok bon Tiăng) là một thí dụ. Đây là một tác phẩm thơ ca tự sự trường thiên, dài 12.775 dòng, miêu tả những chiến tích anh hùng của dân tộc Mơ Nông.

Trong lời giới thiệu, nhà nghiên cứu Bùi Thiên Thai đã nêu một số đặc điểm của tác phẩm. Một là, tác phẩm đã tái hiện toàn cảnh xã hội Mơ Nông với hình thái cổ sơ. Hai là, chiến tranh giữa các bộ tộc là nguồn gốc của ot ndrong “Con đỉa nuốt bon Tiăng”. Ba là, mật độ trình thức dày đặc (trình thức là một đơn vị ngôn ngữ có tính lặp lại và tính ổn định).

Nhà nghiên cứu nhấn mạnh: Đây là tác phẩm sử thi truyền miệng có quy mô hoành tráng, bao quát vốn tri thức rộng lớn, ghi lại những chiến tích anh hùng trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Mơ Nông. Đây là sử thi cổ sơ, nó tái hiện xã hội của dân tộc Mơ Nông ở thời điểm mới chỉ là tập hợp rời rạc các buôn làng, chưa có sự hình thành của nhà nước hay thậm chí ở một phạm vi nhỏ hơn là bộ lạc. Đây là một sử thi anh hùng, khác với những sử thi thần thoại của dân tộc Mơ Nông đã được biết đến trước đây.

Như vậy là, 16 tác phẩm sử thi Tây Nguyên – trong đó có “Con đỉa nuốt bon Tiăng” (sử thi Mơ Nông) - đã đến với bạn đọc. Bạn đọc mong đợi sớm được tiếp cận với những tác phẩm khác mà trong dự kiến sẽ được công bố

Phan Thư Soan
.
.
.