1001 chuyện về chuột

Thứ Sáu, 01/02/2008, 00:05
Không chỉ có Mỹ, mà Trung Quốc cũng đã và đang phải đối mặt với sự hoành hành của giặc chuột. Theo thống kê, khoảng 6 triệu hecta đồng cỏ chăn thả gia súc (chiếm khoảng 20% diện tích) của tỉnh Tân Cương từng bị chuột đe dọa...

Từ phát hiện của khoa học và công dụng của chuột

Mặc dù bị truy sát tại tất cả các nước trên thế giới, nhưng loài chuột nhảy tai dài, trông rất giống kangaroo của Australia có tên khoa học là Euchoreutes naso lại được ghi danh vào sách đỏ IUCN và thuộc loại động vật quý hiếm, cần bảo vệ bởi chúng đang bên bờ tuyệt chủng.

Hình ảnh về Euchoreutes naso vừa được Hiệp hội động vật học London, Anh đưa lên sóng truyền hình hôm 11/12/2007 và chúng được các nhà khoa học tìm thấy ở vùng sa mạc Mông Cổ và Trung Quốc. Theo các nhà khoa học, Euchoreutes naso sống chủ yếu nhờ vào ăn côn trùng ban đêm nên được coi là con vật có ích.

Còn các nhà khoa học Nhật Bản cũng vừa mới tạo ra một loại chuột không biết sợ mèo được biết tới dưới tên gọi "chuột GM". Theo Giáo sư Ko Kobayakawa, một trong những tác giả của công trình khoa học này thì chỉ cần loại bỏ các cơ quan cảm giác mùi vị (thay đổi cấu trúc gen ở khứu giác), chuột sẽ không còn cảm giác sợ mèo và "chuột GM" đã chứng minh cho nhận định này. Kết quả này của Giáo sư Hitoshi Sakano, cha đẻ của "chuột GM" có ý nghĩa quan trọng bởi nó cho thấy có thể loại bỏ ác cảm bẩm sinh mà tất cả các loài động vật có vú, kể cả con người, đối với một mùi nhất định nào đó.

Giới khoa học cũng rất quan tâm tới khả năng sống lâu của loài chuột chũi không lông châu Phi được biết tới dưới tên khoa học là Heterocephalus glaber. Tuy rất bé nhỏ nhưng Heterocephalus glaber có thể sống tới 26 năm hoặc lâu hơn và chúng vẫn có thể sinh sản ở tuổi rất già. Theo các nhà khoa học, Heterocephalus glaber có đời sống xã hội giống như loài côn trùng (sống quần cư thành từng đàn lớn trong hang nằm sâu dưới mặt đất) và dựa vào số lượng đông, đàn chuột chũi có thể bảo vệ tổ trước sự tấn công của những con vật khác.

Tuy bị ghét bỏ nhưng người ta vẫn tìm thấy những công dụng từ chuột để phục vụ cuộc sống con người. Theo Đại tá Javier Cifuentes, Giám đốc Học viện Cảnh sát Sibate ở Colombia thì nước này có thể là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng chuột để thực hiện công việc của cảnh sát - dùng chuột để phát hiện bom mìn.

Đến những nỗi kinh hoàng từ chuột

Cách đây không lâu (thượng tuần tháng 9/2007), cả nước Mỹ đã vô cùng lo lắng sau khi 3 chú chuột bạch mang virus dịch bệnh tuyến Limpo nguy hiểm đột nhiên biến khỏi phòng thí nghiệm ở bang New Jersey. Khi đó người ta quan ngại bọn khủng bố có thể sử dụng 3 chú chuột này làm vũ khí tấn công sinh học. Ngay sau khi nhận được tin cấp báo, cả FBI và Trung tâm khống chế và dự phòng dịch bệnh đã triển khai gấp việc truy tìm trên phạm vi toàn nước Mỹ.

Thậm chí người ta còn huy động cả lực lượng đặc biệt chống khủng bố, các chuyên gia về vũ khí sinh vật và sát thương hàng loạt vào cuộc tìm kiếm 3 chú chuột kế trên. Nhiều giả thiết đã được đưa ra như bị đánh cắp, bị thiêu hủy một cách vô tình, bị đồng loại ăn thịt vì những con chuột nhiễm dịch có thói quen xơi lẫn nhau…

Mặc dù mới xuất hiện lần đầu tiên trên đảo Grassy Key năm 1999, nhưng chỉ trong vòng 8 năm qua, giống chuột Gambia đã sinh sôi với tốc độ kinh hoàng khiến chính quyền bang Florida lo lắng. Ngoài việc sinh sôi nhanh, người ta còn sợ chúng phá hoại mùa màng cũng như nhiều loài vật khác bởi chuột Gambia có thể to bằng mèo (nặng trung bình từ 2,7kg đến 4kg). 

Không chỉ có Mỹ, mà Trung Quốc cũng đã và đang phải đối mặt với sự hoành hành của giặc chuột. Theo thống kê, khoảng 6 triệu hecta đồng cỏ chăn thả gia súc (chiếm khoảng 20% diện tích) của tỉnh Tân Cương từng bị chuột đe dọa. Trung tâm thương mại Hongkong vốn nổi tiếng với những toà nhà chọc trời và những hiệu thời trang sang trọng cũng từng phải đối mặt với nạn chuột hoành hành.

Vấn nạn chuột cũng từng diễn ra tại nước Cộng hoà Montenegro khi những con chuột với kích thước bằng nửa chú chó con với hàm răng sắc nhọn đã cắn đứt từng chùm dây cáp điện nặng hàng chục tấn.

Nông dân các tỉnh Palencia và Valladolid ở miền Trung của Tây Ban Nha từng phải sống trong tâm trạng hoảng sợ khi hàng trăm triệu con chuột đồng tàn phá mùa màng. Lũ chuột này tàn phá ngũ cốc, khoai tây, nho, củ cải đường... với diện tích lên tới 260.000ha

Trường Giang (tổng hợp)
.
.
.