“100 phút cuối cùng của Hàn Mạc Tử” trên sâu khấu Nhà hát Tuổi trẻ

Thứ Bảy, 27/05/2006, 09:16
Vẫn biết những câu thơ mới là phần quan trọng, sự ước lệ không cần nhiều lời thoại, nhưng phần thoại của các nhân vật phải được xử lý kỹ, để những câu thoại có thêm sức nặng, tạo hiệu ứng mạnh hơn là những lời thoại khá đơn giản như hiện có.

Một thế giới sáng trắng của tâm hồn thuần khiết, của lòng yêu nguyên lành và màu trắng của vôi bột, của bệnh tật, của những đau thương ập vào tâm hồn Hàn Mặc Tử. Những ngọn nến đã đưa "anh chàng bút mực" về với vòng tay của Chúa, khép lại 100 phút cuối cùng đầy yêu thương, điên loạn, dằn vặt, đau đớn và hy vọng của một hồn thơ huyền diệu. Một vở kịch nhiều tìm tòi và giàu mỹ cảm, tuy nhiên vẫn còn những cái "giá như"...

Như một thông điệp mang đến cho người xem một lẽ sống trường tồn về sự kiên nghị, lòng can đảm và cả nỗi khát khao về tình yêu, màn nhung bắt đầu hé mở "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử" - một vòng tròn luân hồi của kiếp người, từ khi mẹ sinh con đến khi lìa cõi tạm. Vở diễn chia 4 phần: Định mệnh, Đau thương, Điên loạn và Vĩnh hằng, miêu tả tâm trạng của người thơ nhiều hạnh phúc nhưng cũng lắm đau đớn, thiệt thòi này.

Cuộc đời Hàn Mặc Tử là cả những nỗi niềm thơ ca, tình duyên trắc trở và sự tranh đấu đến tận cùng, đòi số phận đổi thay để thể xác có thể sống cùng với linh hồn và những áng thơ đẹp, để không còn những câu thơ điên viết dưới ánh trăng biển Quy Nhơn sáng lòa và bệnh tật đang nghiến dần những tế bào sống. Và "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử" dẫn dắt người xem đến với thế giới thơ của ông với nhiều kịch tính, giàu cảm xúc, một thế giới huyền diệu nói lên khát khao với cuộc đời, với tình yêu và sự sống.

Có thể nói, đây là một bức tranh lãng mạn, từ trong cái lãng mạn ấy mà mọi giằng xé trong con người ông bộc lộ. Một cuộc đấu tranh không bao giờ ngơi nghỉ của linh hồn và thể xác, từ những đau đớn của căn bệnh nan y tới những khổ đau vì tình yêu. Vượt qua mọi buồn đau của trần thế, Hàn Mặc Tử, người được mệnh danh là "anh chàng bút mực", đã quên nỗi đau để cho ra đời những tập thơ "Xuân như ý", "Thơ điên", "Đau thương"…

Vở diễn có một trật tự thông thường: Như một định mệnh, Nguyễn Trọng Trí bị phong và chính quyền đến rắc vôi bột, bắt Trí phải đến trại phong. Những người tình Mộng Cầm, Hoàng Cúc… lần lượt đến để chào anh đi lấy chồng. Một bắt đầu đầy tuyệt vọng trong sự mất phương hướng của người trẻ tuổi.

Trại phong, nơi những bà sơ nâng giấc Trí, nơi những người bạn cùng nỗi đau bệnh tật sẻ chia, nâng niu tâm hồn thơ của Hàn Mặc Tử vẫn không làm tan nỗi dằn vặt của chàng trai trẻ. Trong nỗi đau của người không tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm, Trí bất ngờ nghe sơ nói, ngày mai trong trại có đám cưới. Cái đám cưới nhóm lên trong anh niềm hy vọng vào ngày mai, vào sự sinh sôi và trường tồn, nhưng cuối cùng, đã để lại trong lòng anh một vết thương.

Những người bệnh yêu nhau, cưới nhau, mừng cho nhau trong cái nỗi đau cố giấu. Hạnh phúc như một vạt áo hẹp. Và cứ thế, hy vọng rồi thất vọng, cuộc sống nơi căn phòng trắng ấy với Trí là cuộc sống của một cây nến, đang cháy từng giọt đời mình để bước vào cuộc lụi tàn.

Trong những giấc mơ day dứt, trong những cơn mê sảng của trăng trộn với những dấu vết của ký ức, Hàn Mặc Tử đã làm thơ, say thơ, tặng thơ và đốt thơ, sự sống đã đến và đang đi cùng với những nghĩ suy không dứt về một chốn neo đậu của linh hồn người.

Trong giấc mơ ấy có những người tình yêu dấu, đẹp như một vùng thiên nhiên sáng ngọt, đến từ lòng giếng trong vắt của sự gội rửa và để lại cho anh những buồn đau khi về lại với căn phòng lạnh, với một vầng trăng nát. Những người tình bỏ ra đi, những vách ngăn của định kiến xã hội với căn bệnh đã khiến Trí đi vào một cơn điên loạn khó dứt. Để rồi, một ngày kia, trăng tàn và giếng lạnh, người thơ ấy đã về với Vĩnh hằng.

Một triết lý xuyên suốt vở diễn, đó là sự đấu tranh giữa thể xác và linh hồn. Không có linh hồn thì thể xác này sẽ là thể xác của con gì? Nhưng không có thể xác thì linh hồn sẽ neo đậu vào đâu? Những ngày sức đã tàn, nằm vật vã trong những cơn đau, dường như linh hồn với những câu thơ bất tận đã cõng trên mình cái xác mỏi. Hàn Mặc Tử đã sống những ngày cuối chính bởi những câu thơ, những câu thơ sống trong lòng những người bạn bệnh. Những câu thơ an ủi anh và an ủi chính họ. Những câu thơ gột rửa, soi rọi tâm hồn họ trước khi được về nơi thiên đường. Thơ, trăng, nến và những nàng áo dài trắng bước qua đời Hàn Mặc Tử để lại một khối tình đau, tất cả để lại những cảm xúc đẹp

Lê Hùng đã dựng lên một sân khấu giản dị nhưng đầy tính biểu tượng. Vở diễn mang tính ước lệ cao và mang vào đó một tâm huyết được tìm tòi, được thể nghiệm những hình tượng mới của nghệ thuật sân khấu. Đó không chỉ là một câu chuyện cuộc đời. Hình tượng những vầng trăng thực sự tạo được hiệu ứng mạnh và là một phần quan trọng làm nên thành công của vở diễn.

Và cũng Lê Hùng, lần đầu tiên đưa lên sân khấu một cảnh nude giàu biểu cảm mà vẫn giữ được sự thuần khiết, không vẩn đục. Một vở kịch mà các diễn viên đã không chỉ diễn bằng cử chỉ, hành động và lời thoại, họ còn phải kết hợp cả nghệ thuật múa, xiếc và nghệ thuật sắp đặt, để tạo ra được những hình khối và không gian riêng cho từng cảnh diễn. Có thể nói, đó là một không gian đầy mỹ cảm.

Nhưng với một số khán giả, giá như vở diễn ấy được tiết chế lại và được xử lý kỹ lưỡng hơn, nó sẽ là một sự thể nghiệm thành công. Vẫn biết những câu thơ mới là phần quan trọng, sự ước lệ không cần nhiều lời thoại, nhưng phần thoại của các nhân vật phải được xử lý kỹ, để những câu thoại có thêm sức nặng, tạo hiệu ứng mạnh hơn là những lời thoại khá đơn giản như hiện có.

Cũng như thế, giá mà những triết lý của thể xác và linh hồn mạnh mẽ hơn, sắc sảo hơn và có chiều sâu hơn những cách nói, cách nghĩ thông thường thì sẽ thể hiện được phần chìm sâu của Hàn Mặc Tử hơn. Giá như phần "Điên loạn" được tiết chế lại, sự mâu thuẫn và dằn vặt của Hàn Mặc Tử được nén kỹ hơn thì phần quan trọng đó không bị phân tán sự tập trung của khán giả.

Giá như Công Dũng (vai Hàn Mặc Tử) có đủ nội lực để thể hiện phong phú và tinh tế tâm trạng của Hàn Mặc Tử hơn nữa, đây sẽ là một vai lớn có ý nghĩa bước ngoặt trong sự nghiệp diễn viên của anh. Và cuối cùng, giá mà sự xuất hiện của cậu em Hàn Mặc Tử trong những giây phút cuối của vở diễn được thực hiện như một sự ước lệ, nó đã không bị trật ra khỏi đường dây vở diễn, nó sẽ không phá vỡ cái không gian mà các nhân vật kỳ công tạo ra suốt… 99 phút đầu.

Đạo diễn Lê Hùng tâm sự, có thể có những cái chưa thật hài lòng, và anh sẽ tiếp tục chỉnh sửa đến khi nào thực sự ưng ý mới mời khán giả đến xem. Vở diễn này với anh là một bước đi đầy ý nghĩa, đồng thời nó tạo cho những người yêu kịch Hà Nội một hy vọng vào những vở sân khấu nghiêm túc và nhân văn

Bảo Bình
.
.
.