Bùi Công Duy: Sống và yêu nơi xứ tuyết

Thứ Hai, 22/11/2004, 19:00

14 năm ở Nga, Bùi Công Duy đã miệt mài học tập để trở thành một nghệ sỹ Violon danh tiếng, giành được nhiều giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế. Cũng ở nơi đây, anh đã tìm thấy tình yêu của đời mình: nghệ sĩ Piano Trinh Hương, con gái rượu của nhạc sĩ Phú Quang. Hai trái tim, hai tâm hồn đồng điệu đã chắp cánh thêm cho những thành công và hạnh phúc của họ.

Gặp nghệ sĩ violon Bùi Công Duy ngoài đường phố Hà Nội, nhiều người đã nhầm tưởng Duy là một vận động viên thể thao. Anh cao 1m84, khỏe khoắn như một cầu thủ bóng đá, dáng đi nhanh nhẹn nhưng chững chạc, hoàn toàn không để lại ấn tượng về một nghệ sĩ violon, ngoại trừ gương mặt đầy biểu cảm âm nhạc. Đôi mắt sáng và ánh nhìn rạng rỡ. Vầng trán tỏa sức hút của một người có tư duy thơ mộng... Với dáng vẻ và thần thái ấy, Duy có lẽ là giấc mơ của nhiều thiếu nữ.

Bùi Công Duy sinh năm 1981, từng được xem như một thần đồng âm nhạc của Việt Nam. Tên tuổi của Duy đã vượt ra khỏi biên giới và được biết đến ở nhiều quốc gia có nền âm nhạc cổ điển lớn như Nhật, Pháp, Mỹ, Italia, Đức, Ba Lan...

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, cha là nghệ sĩ violon Bùi Công Thành, mẹ là nghệ sĩ Phạm Thúy Lan, Duy được cha mẹ hướng theo học violon từ khi còn rất nhỏ, lúc cậu bé mới 3-4 tuổi, vẫn ham chơi và chưa hiểu gì về âm nhạc. Violon vốn là một nhạc cụ rất khó học trong những buổi đầu. Duy nhớ, để làm quen với cây đàn này, Duy phải mất hơn một tháng. Và càng học, cây đàn càng có sức quyến rũ đến kỳ lạ.

Nhìn ra khả năng đặc biệt của con trai trong nghệ thuật, cha mẹ của Bùi Công Duy quyết định đưa cậu bé sang nước Nga, chiếc nôi đào tạo về âm nhạc lớn nhất thế giới. Lúc đó Duy tròn 10 tuổi. Cha của Duy cũng đã từng tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky, ông hiểu rằng, để Duy có thể trở thành một nghệ sĩ chơi đàn violon thực sự, cậu phải được đào tạo bài bản từ tấm bé. Thế là vì con, cả gia đình nghệ sĩ Bùi Công Thành di chuyển tới nước Nga sinh sống. Duy đến trường học nhạc, luôn có cha mẹ đi cùng để... phiên dịch.

Học tập trong môi trường đầy ắp âm nhạc, xung quanh mình chỉ toàn bạn bè giỏi giang, nhiều tài năng âm nhạc, trong suy nghĩ của Bùi Công Duy luôn luôn là hai chữ cố gắng. Cha mẹ nói: “Nếu con không cố gắng, con không bao giờ trở thành một nghệ sĩ được ngưỡng mộ, bởi vì các bạn khác sẽ vượt lên trước con”.

Cô giáo dạy nhạc đầu tiên của Duy tên là Kuzina, người mà Duy luôn biết ơn vì đã trang bị cho mình một kiến thức nền tảng tốt, đặc biệt yêu quí cậu học trò Việt Nam bé nhỏ. Trong các buổi biểu diễn của mình, bà luôn cho Duy biểu diễn cùng để làm quen với sân khấu và khán giả.

Lớn lên môt chút, Duy được dìu dắt bởi giáo sư âm nhạc nổi tiếng Gvozdev. Thầy Gvozdev là một nhà giáo mẫu mực, rất yêu đất nước Việt Nam và cảm phục tinh thần học tập say sưa của Bùi Công Duy. Ông rất tự hào vì có được một học trò tài năng như vậy. Năm 1998, Bùi Công Duy tốt nghiệp hệ trung cấp và trở thành sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky nổi tiếng ở Moskva.

Tên tuổi của Bùi Công Duy được biết đến ở nhiều nơi, từ khi nghệ sĩ trẻ giành giải nhất cuộc thi Tài năng Âm nhạc trẻ toàn quốc (Việt Nam), giải nhất cuộc thi âm nhạc mang tên Demidov, giải nhất cuộc thi âm nhạc Bron, và đặc biệt là giải nhất cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc danh tiếng mang tên nhà soạn nhạc vĩ đại của nước Nga Tchaikovsky, năm 1997. Báo chí trong và ngoài nước ca ngợi anh như một phát hiện mới của nghệ thuật biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Một số nhà báo Nhật Bản, sau khi nghe Duy trình diễn, đã hết sức ngạc nhiên và xếp Việt Nam là nước thứ 3 có trình độ âm nhạc cổ điển ở châu Á, sau Nhật và Trung Quốc.

Bùi Công Duy chiếm được cảm tình lớn của NSND Bochkova, một nghệ sĩ tài danh nức tiếng ở Nga và trên thế giới. Bà nói, bà sẵn sàng nhận Bùi Công Duy làm học trò của mình. Từ năm 1997 tới nay, Duy học tập dưới sự dẫn dắt của NSND Bochkova.

Bùi Công Duy nói: “NSND Bochkova giúp tôi nâng cao kiến thức và hoàn thiện phong cách biểu diễn. Bà dạy tôi cách xử lý từng tác phẩm âm nhạc sao cho đạt đến một sự hoàn hảo nhất, một phong cách riêng biệt nhất.  Bà là một nhà giáo tôi hàm ơn và ngưỡng mộ. Rất nhiều bạn bè có quan niệm theo học nhiều giáo viên để có một cái nhìn đa dạng hơn, nhưng tôi thì ngược lại. Trong từng giai đoạn, tôi chỉ theo học một thầy, cô giáo và ảnh hưởng một phong cách nhất định”.

Duy đang chuẩn bị luận án thạc sĩ âm nhạc và NSND Bochkova vẫn là người hướng dẫn Duy. Bùi Công Duy là một học trò đặc biệt được bà hết sức trân trọng và yêu mến. Bà đã cùng đi với Duy để giúp đỡ Duy tham dự những cuộc thi âm nhạc lớn. Lần đi thi biểu diễn ở Ba Lan, vì phải đi tàu hỏa mất mấy ngày đường, thời gian lại rất gấp, nên hai thầy trò phải tập đàn ngay trên toa tàu. Hành khách vốn nghe danh tiếng hai nghệ sĩ từ rất lâu nên kéo tới xem. Thế là buổi tập tình cờ trở thành buổi biểu diễn...--PageBreak--

Nghệ sĩ Bùi Công Duy đã tham gia nhiều chương trình hòa nhạc lớn ở nhiều nước trên thế giới. Duy thích nhất được biểu diễn ở Nhật Bản, vì khán giả ở đây rất nồng nhiệt. Tokyo là một thành phố hiếu khách. Osaka là nơi khán giả vô cùng hiểu biết về âm nhạc cổ điển. Không gì hạnh phúc bằng khi người nghệ sĩ được biểu diễn ở một nơi mà mình biết chắc khán giả đang chờ đón mình, am tường thứ nghệ thuật mà mình đang theo đuổi. Khán giả Nhật Bản là khán giả lý tưởng đối với những nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển như Duy. Hơn nữa các phòng hòa nhạc ở đây đều rất tiện nghi, sang trọng.

Với Bùi Công Duy, nơi biểu diễn khó khăn nhất, bị sức ép tâm lý nhiều nhất, lại chính là nước Nga. Vì ở đây có quá nhiều tài năng âm nhạc, tập trung của những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Âm nhạc là một nhu cầu tất yếu, như nhu cầu ăn, nhu cầu thở đối với những công dân xứ Tuyết. Nhiều người Nga thà nhịn ăn để dành tiền mua vé vào xem hòa nhạc cổ điển. Trẻ em, ngay từ nhỏ đã được làm quen, được sống trong môi trường tràn ngập vẻ đẹp của âm nhạc. Đó là một môi trường lý tưởng để người nghệ sĩ có thể biết đích xác mình đang ở vị trí nào trong các bảng xếp hạng của công chúng, để tiếp tục hoàn thiện mình.

Vào cuối năm 2005, Bùi Công Duy sẽ trở về Việt Nam, khi cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ âm nhạc, để sống và làm việc. Đó là một quyết định, mà theo Duy, sẽ không có gì thay đổi. Cho dù đó là một quyết định hết sức khó khăn. Với tài năng âm nhạc của mình, Duy nhận được nhiều lời mời sống và biểu diễn ở nhiều trung tâm âm nhạc lớn. Nhưng Bùi Công Duy muốn trở về nước, dù biết khán giả Việt Nam hiện nay chưa phải là khán giả lý tưởng đối với nhạc cổ điển. Các chương trình biểu diễn nhạc trẻ sôi động dễ dàng khiến khán giả bỏ tiền mua vé hơn là các chương trình hòa nhạc công phu.

Bùi Công Duy nói: “Tôi sống ở nước ngoài đã quá lâu, từ khi còn là một đứa trẻ lên 10. Sau từng ấy năm học tập và biểu diễn ở nước Nga và nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận thấy, người nghệ sĩ, dù sống sung sướng ở đâu cũng không bằng sống trên quê hương mình, trong tình yêu thương của khán giả dân tộc mình. Về nước, ngoài việc đi biểu diễn, tôi muốn được tham gia công tác giảng dạy, truyền đạt những gì mình đã có cho các nghệ sĩ trẻ khác. Người làm nghệ thuật, nếu đã mất rất nhiều thời gian để khổ luyện rồi mới được đứng trên sân khấu, thì khán giả cũng vậy, phải mất thời gian để học, có kiến thức cơ bản về âm nhạc mới có nhu cầu đến phòng hòa nhạc. Điều quan trọng của giáo dục là phải cung cấp cho con người kiến thức về âm nhạc, ngay khi họ ngồi trên ghế nhà trường”.

Bài học lớn nhất lớn mà Bùi Công Duy có được trong suốt quá trình theo đuổi con đường trở thành một nghệ sĩ đàn violon, chỉ ngắn gọn là hai chữ Sáng Tạo. Không ngừng sáng tạo, đó là phẩm chất đặc biệt của một người nghệ sĩ. Phải biết biến những cái hay, cái đẹp mình thu lượm trong cuộc đời, trong sách vở thành cái của chính mình, là máu thịt của chính mình. Tiếng đàn chính là tâm hồn, là trái tim, là tài năng của người nghệ sĩ, không phải chỉ là những nốt nhạc đơn thuần.

Cũng vào dịp đầu năm 2005, Bùi Công Duy sẽ tổ chức lễ thành hôn với nghệ sĩ piano Trinh Hương tại Việt Nam. Nghệ sĩ Trinh Hương cũng theo học âm nhạc ở Nga từ thuở nhỏ. Tình yêu của hai người nảy nở khi họ gặp nhau tại Nhạc viện Tchaicovsky, năm 1998. Lúc ấy Duy mới là sinh viên năm thứ nhất, còn Trinh Hương đã sắp tốt nghiệp.

Buổi đầu, Trinh Hương, với sự nhỏ nhẹ, khiêm tốn của mình, gieo một ấn tượng đặc biệt trong lòng anh chàng nghệ sĩ dáng dấp như một vận động viên thể thao. Không phải là một cô gái đẹp theo cách nhìn nhận thông thường, nhưng Trinh Hương nói chuyện dễ thương, cuốn hút người nghe bằng sự duyên dáng và vốn hiểu biết phong phú của mình. Sự cuốn hút ấy khiến trái tim chàng nghệ sĩ trẻ rung động mãnh liệt. Và họ yêu nhau từ lúc nào không biết nữa.

Trinh Hương trẻ hơn tuổi của mình rất nhiều, còn Bùi Công Duy, dường như lại chín chắn hơn, “già” hơn cái tuổi 24 của anh. Nhiều người tò mò hỏi Duy, có ngại ngần khi Trinh Hương nhiều hơn Duy tới 5 tuổi? Bùi Công Duy cười. Nụ cười ấy hàm ý bảo rằng, đừng hỏi như vậy tôi sẽ rất buồn cười. Tình yêu là tiếng nói của trái tim, và trái tim thì luôn có lý lẽ của nó. Khi con tim mách bảo tôi rằng tôi đang yêu một người phụ nữ nào đó, tôi chỉ biết sống trong sự gọi mời ngọt ngào ấy, không còn điều gì quan trọng cả.

Ngoài những giờ học tập và biểu diễn, giống như rất nhiều thanh niên hiện đại khác, Bùi Công Duy thích xem những chương trình truyền hình thể thao, thời sự. Duy mê thể thao đến nỗi, nếu như không trở thành một nghệ sĩ violon, có lẽ Duy sẽ cố gắng để trở thành một vận động viên đua môtô Công thức 1, hoặc một cầu thủ bóng đá. Và tất nhiên là, để chiều chuộng vợ sắp cưới, Duy thường đưa Trinh Hương đi mua sắm, vốn là sở thích số một của nàng.

Nếu không phải là tình yêu, có lẽ không ai có thể khiến “thần đồng” âm nhạc đứng chờ đợi cả buổi trước một siêu thị. “Tôi rất hạnh phúc vì được hy sinh những khoảng thời gian rảnh rỗi ấy, vì nàng. Trinh Hương là một cô gái rất có duyên. Tôi thích sự duyên dáng. Tôi sợ những cô gái đẹp mà vô duyên, ngồi với nhau 5 phút là không biết nói chuyện gì. Cảm ơn cuộc sống đã mang Trinh Hương đến cho tôi và nàng đã cho tôi một định nghĩa về hạnh phúc”

.
.
.