Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Chủ Nhật, 04/02/2024, 08:28

Việc xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác của người tham gia giao thông luôn được Bộ Công an xác định là mục tiêu quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Chỉ có xây dựng được văn hoá giao thông để người dân tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông thì mới giảm được tai nạn giao thông (TNGT), đảm bảo an toàn mỗi khi ra đường.

Một trong những biện pháp đảm bảo TTATGT trong thời gian qua mà Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT kiên trì thực hiện, đó là xử lý vi phạm nồng độ cồn, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời siết chặt trật tự kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu Cục CSGT chỉ đạo CBCS xử lý vi phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không tự ý bỏ qua vi phạm, các vi phạm đều phải xử lý đúng lỗi theo đúng chủ đề năm An toàn giao thông Quốc gia “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Trang 19: Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn -0
CSGT hướng dẫn người dân tham gia giao thông an toàn.

Đặc biệt, Bộ Công an đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác để chủ trì, phối hợp với Công an các tỉnh, thành phố thực hiện chuyên đề xử lý “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”. Sau một thời gian triển khai, các tổ công tác của Bộ Công an đã phát hiện, bàn giao cho địa phương xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 232 trường hợp là cán bộ công chức, viên chức… Tất cả các trường hợp vi phạm đều được làm rõ thông tin cá nhân và gửi thông báo kiến nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đến cơ quan, đơn vị quản lý. Nhờ việc xử lý nghiêm này đã không còn cảnh cán bộ, công chức say rượu cự cãi với CSGT, làm xấu hình ảnh của cán bộ, công chức trong mắt người dân; tác động tích cực đến ý thức tham gia giao thông của người dân, dần tạo thói quen, văn hoá “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Chị Nguyễn Thị Tám ở thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang đã viết thư cảm ơn CSGT Công an tỉnh Bắc Giang xử lý nghiêm nồng độ cồn giúp gia đình chị giữ được hạnh phúc. “Chồng tôi rất hay uống rượu bia say rồi đánh chửi vợ, con, cãi nhau với hàng xóm. Cũng vì rượu bia mà bị bệnh gan, tôi không có cách gì ngăn được. Có hôm, ông ấy uống rượu xong lấy xe máy đi ra đường không làm chủ được nên lao xuống mương, tôi lo sợ cứ đà này có ngày sẽ không ổn. Rất may, Công an xử lý nghiêm nồng độ cồn, ông ấy bị phạt 7 triệu đồng và bị tạm giữ xe. Sau khi bị phạt, ông ấy thay đổi hẳn vì đi làm thợ hồ vất vả mỗi ngày 250 nghìn tiền công, bị phạt 7 triệu là đi làm không công cả tháng. Từ đó, ông ấy gần như bỏ uống rượu bia, hôm nào vui quá cũng chỉ dám uống vài chén rồi gọi vợ đến đón về chứ không dám đi xe nữa” – chị Tám chia sẻ.

Trang 19: Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn -0
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, với tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm,  không có ngoại lệ, chúng ta không cấm uống rượu bia ngoài giờ làm việc nhưng khi đã uống rượu bia thì không được lái xe vì phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ cho bản thân người lái mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác, gây mất TTATGT, trật tự xã hội, để lại hệ lụy rất nặng nề cho xã hội, văn hóa giao thông bị méo mó, làm thiếu thiện cảm trong mắt bạn bè quốc tế. Ngoài gây TNGT, người uống rượu bia điều khiển phương tiện còn dễ dẫn đến lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, gây rối trật tự công cộng, đánh chửi nhau…

Để xây dựng văn hoá giao thông, các địa phương đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều mô hình, hoạt động góp phần lan tỏa văn hóa giao thông, như “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông”; “Phụ nữ không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang giao thông để buôn bán, họp chợ, phơi nông sản gây tai nạn và ách tắc giao thông”; “Giáo dục hành động thực hiện an toàn giao thông”; “Phụ nữ lên tiếng về uống có trách nhiệm, thực hiện an toàn giao thông vì cộng đồng hạnh phúc”; “Cổng trường an toàn giao thông”... Những mô hình này đã được thực hiện nghiêm túc, tạo nên bầu không khí thi đua sôi nổi, tích cực, có sức lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Bộ Công an đã triển khai xây dựng “Tỉnh An toàn giao thông” tại Bắc Ninh, huy động cả hệ thống chính trị tham gia bảo đảm TTATGT với nhiều mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt như “Gia đình có trách nhiệm trong thực hiện an toàn giao thông”; “Cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh tham gia giữ gìn TTATGT và xây dựng văn hóa giao thông”; xã “An toàn giao thông”, “Tuyến đường an toàn giao thông”… dần tạo thói quen, ý thức của người dân khi tham gia giao thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, góp phần hình thành đặc trưng "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh - Kinh Bắc…

Trang 19: Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn -0
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Để xây dựng văn hóa giao thông, cùng với việc tuyên truyền, xử lý nghiêm các vi phạm, Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đảm bảo TTATGT. Trong đó, năm 2023, Bộ Công an đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới (thay thế Chỉ thị số 18-CT/TW). Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, đồng thời có Kế hoạch triển khai thực hiện. Bộ Công an báo cáo Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật TTATGT đường bộ trình Quốc hội cho ý kiến. Cục CSGT đã chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT và phòng, chống ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm; kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông; phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký kết, triển khai kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động tăng, ni, phật tử tham gia bảo đảm TTATGT giai đoạn 2023 – 2026.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, để thực hiện công tác đảm bảo TTATGT, thực hiện “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, Cục CSGT đã bám sát chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp bảo đảm TTATGT. Trong đó, trọng tâm là: Tham mưu hoàn thiện thể chế pháp luật; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm TTATGT; tham mưu cho Bộ và trực tiếp ban hành nhiều kế hoạch lớn; tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các chuyên đề; triển khai thực hiện có hiệu quả 3 đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội trong các dịp lễ, tết và phục vụ các hội nghị, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT. Tăng cường CBCS cho các cơ sở kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện của Bộ Giao thông Vận tải tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm giải quyết vướng mắc của Bộ Giao thông Vận tải và nhu cầu của người dân. Triển khai đấu giá biển số xe ôtô và định danh biển số; chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATGT và phòng, chống ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng thời điểm; kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông… Nhờ đó, tình hình TTATGT trên toàn quốc đã có chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông được kiểm soát, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đạt kết quả cao.

Phương Thủy
.
.
.