Sinh hoạt chi bộ thời 4.0:

Sổ tay đảng viên” - Từ bản giấy đến “bản mềm” (Bài 1)

Thứ Sáu, 01/03/2024, 08:08

Công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác Đảng. Trong bối cảnh các cấp chính quyền và người dân hoạt động, tương tác trên môi trường số nhiều hơn thì công tác Đảng cũng cần chuyển đổi số để nắm bắt toàn diện tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để lãnh đạo. Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong công tác Đảng. Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã giúp việc truyền tải nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống được hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ hàng tháng.

Tại Đảng bộ TP Hà Nội, hơn 442.000 đảng viên, chiếm 93,1% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ đã cài đặt ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”. Thông qua phần mềm này, Hà Nội đang từng bước đưa “chuyển đổi số” đến từng chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên. Và để “chuyển đổi số” thành công thì phải có nhận thức đúng, tư duy đúng, bên cạnh đó, cần có dữ liệu, có phần mềm và có con người, có quyết tâm thực hiện.

Bài 1: “Sổ tay đảng viên” - Từ bản giấy đến “bản mềm” -0
Bà Vũ Thị Thân, Trưởng Ban Tổ chức Quận uỷ Long Biên đang cùng cán bộ trao đổi về phần mềm quản lý hoạt động của các chi bộ đảng trên địa bàn quận.

Ứng dụng 4.0 nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Chi bộ Tổ dân phố 14, phường Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) là một trong những chi bộ đầu tiên của quận thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt Đảng từ tháng 7/2023. Trước đó, từ năm 2022, cũng như nhiều chi bộ khác, Chi bộ Tổ dân phố 14 đã triển khai lập sổ tay đảng viên điện tử. Trao đổi với chúng tôi, bác Nguyễn Huy Hoàng, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 14 cho biết, Chi bộ hiện có 62 đảng viên, trong đó diện miễn sinh hoạt là 22 đồng chí nhưng cả chi bộ đã có 42 đảng viên đăng ký và sử dụng sổ tay điện tử qua máy điện thoại thông minh.

“Chúng tôi nhận thức rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đảng cũng là một thực thể tồn tại trong xã hội, Đảng không ngừng phát triển, không đứng ngoài cuộc mà Đảng đã đi tiên phong trong lĩnh vực này. Chuyển đổi số trong công tác Đảng đồng bộ với việc chuyển đổi số của nền kinh tế xã hội đất nước. Chính vì vậy, theo quy định của Quận ủy và Đảng ủy phường Sài Đồng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sinh hoạt chi bộ mới áp dụng ở khối nhà trường nhưng Chi bộ chúng tôi đã mạnh dạn đề nghị Đảng uỷ phường được thực hiện luôn. Chủ trương này được Chi ủy và Chi bộ thống nhất cao; nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin để có thể áp dụng chuyển đổi này vào sinh hoạt Đảng và chúng tôi thực hiện ngay từ tháng 7 năm 2023”, bác Hoàng chia sẻ.

Theo bác Hoàng, trong quá trình thực hiện, điều khiến bác yên tâm nhất và tin tưởng Chi bộ sẽ thực hiện tốt việc ứng dụng chuyển đổi số vì được sự giúp đỡ, tư vấn từ nhiều cấp, và đặc biệt là các đảng viên trong chi bộ đều đồng tình, thống nhất cao dù đa số đều là đảng viên lớn tuổi, đã nghỉ hưu, có nhiều hạn chế trong thao tác, sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính. Bác Hoàng cho biết thêm, bản thân bác cũng đã 72 tuổi, để chuẩn bị sinh hoạt chi bộ hàng tháng, sau khi Chi ủy thống nhất, dự thảo nghị quyết sẽ được tải lên “Sổ tay đảng viên điện tử”. Tại đây, tất cả cán bộ, đảng viên trong chi bộ, kể cả người được miễn sinh hoạt chi bộ đều có thể nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Ngoài ra, các group trên mạng xã hội Zalo cũng là một kênh truyền tải thông tin đến các đảng viên để trao đổi.

Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, tính đến nay có 442.970/475.880 đảng viên đã cài đặt thành công phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”, đạt 102,43% so với số đảng viên đủ điều kiện và đạt 93,1% đảng viên trong toàn Đảng bộ TP. Ngoài ra, có 12.734/16.762 chi bộ đã ứng dụng phần mềm trong sinh hoạt chi bộ, đăng tải 1.300 tin bài, 1.496 văn bản tài liệu…

Nghị quyết 21-NQ/TW tại hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh: "Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đảng, công tác quản lý đảng viên và sinh hoạt đảng phù hợp với tình hình thực tiễn. Hoàn thành cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên bảo đảm đồng bộ, liên thông trong toàn Đảng".

Bài 1: “Sổ tay đảng viên” - Từ bản giấy đến “bản mềm” -0
Thông tin số đảng viên, nội dung các cuộc họp, ý kiến phát biểu của từng chi bộ được cập nhật thường xuyên trên phần mềm quản lý của Đảng bộ quận Long Biên.

Thực hiện yêu cầu này, tại Hà Nội, hệ thống họp trực tuyến hiện nay đã được kết nối xuống 579/579 phường, xã, thị trấn. Nhiều nơi, hệ thống còn được kết nối xuống tận chi bộ, tổ dân phố. Cũng trên địa bàn quận Long Biên, phường Bồ Đề đã có 23/23 chi bộ thuộc Đảng bộ phường đã được trang bị máy tính, gắn cam era (mà như cán bộ, đảng viên hay gọi vui là “cam”) để kết nối trực tuyến với các cuộc họp của Trung ương, TP và quận, phường. Điều đáng nói là các trang thiết bị này đều được chính các cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn đóng góp, tổ chức mua sắm và lắp đặt. Chi phí mỗi bộ bao gồm máy tính, máy chiếu và camera kèm micro từ 25-30 triệu đồng. Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 7, phường Bồ Đề Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Khi có hệ thống họp trực tuyến, chúng tôi không còn lo các chỉ đạo từ Trung ương, TP, quận, phường bị gián đoạn, chậm trễ nắm bắt, triển khai nữa”.

Lan toả tinh thần chuyển đổi số trong sinh hoạt đảng

Theo Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Long Biên Vũ Thị Thân, quận Long Biên là một trong chín đơn vị được Thành ủy giao làm điểm cài đặt ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. “Và ngay trong kỳ sinh hoạt chi bộ tháng 1, tháng 2/2023, chúng tôi đã hoàn thành việc cài đặt phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” đối với 14.243 đảng viên, đạt 100% đảng viên đủ điều kiện”, bà Thân chia sẻ. Lúc mới bắt tay vào làm, nhiều khó khăn đặt ra. Đơn cử như muốn cài đặt được phần mềm thì 100% đảng viên phải có điện thoại smart phone. Thêm nữa, số lượng đảng viên cao tuổi rất đông, thời điểm thực hiện lại vào giáp Tết Nguyên đán. “Lúc này chúng tôi biết là khó nhưng lại là đơn vị làm điểm nên Ban Thường vụ Quận ủy cũng đặt ra mục tiêu chính trị rất cao và ra nghị quyết 100 % sẽ hoàn thành. Chúng tôi giao cho Đoàn Thanh niên, cán bộ, công chức xuống tận nơi, xuống tận chi bộ để giúp các đảng viên cài đặt phần mềm vào máy điện thoại. Khi cài đặt phần mềm xong rồi thì các đảng viên thấy rất hay, hữu ích, trong phần mềm trọn gói toàn bộ, đầy đủ các thông tin hoạt động của toàn Đảng bộ TP. Đặc biệt, khi các bác đảng viên lớn tuổi mở điện thoại có cài đặt phần mềm thì có thể đọc các thông tin, các nghị quyết của quận uỷ, của TP. Từ đây, mọi chỉ thị, nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của Đảng có sức lan tỏa đến đảng viên khác. Người nào chưa có smart phone thì cũng đã về vận động con cháu mua, sau đó cài đặt phần mềm để chủ động đọc thông tin và nhận thông tin trước cuộc họp mà không cần đến văn bản giấy nữa”, Trưởng Ban Tổ chức Quận uỷ Long Biên Vũ Thị Thân chia sẻ.

Bà Thân cũng thông tin thêm, nếu làm tốt việc ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” thì sẽ quản lý được nhiều mặt. Ví dụ biết được chi bộ này sinh hoạt thời điểm nào, có bao nhiêu đảng viên tham dự và đảng viên còn có thể đóng góp ý kiến, tương tác ý kiến ngay trên phần mềm. “Tôi nghĩ, để thực hiện thành công chuyển đổi số trong sinh hoạt Đảng thì phải có “lửa”, không ngại khó, thì khó khăn mấy cũng sẽ tìm ra cách để triển khai. Mỗi chi bộ sẽ có những đặc điểm riêng khác nhau và chúng ta phải linh hoạt thực hiện”, bà Thân nhấn mạnh.

Hiệu quả của việc ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” đến nay đều được từng đảng viên nhận ra. Chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ cũng được nâng cao, thu hút sự lắng nghe, phấn khởi, hào hứng của đảng viên khi dự sinh hoạt chi bộ. Đây cũng chính là cơ sở để đánh giá tiêu chí mô hình “Chi bộ 4 tốt”.

Bên cạnh “Sổ tay đảng viên điện tử”, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội hiện cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết công việc với 4 phần mềm, gồm: Cơ sở dữ liệu đảng viên 3.0; Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp của ban; Đánh giá cán bộ, công chức hàng tháng; Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

N.Yến – T.Huyền
.
.
.