1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị nào để học online

Thứ Năm, 11/11/2021, 11:59

"Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những cháu không có thiết bị trong tay, đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trăn trở. 

Nhiều học sinh đang dần bỏ học vì không có thiết bị

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn vào sáng 11/11, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) chất vấn việc nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, việc học tập của những em này như thế nào? Bộ GD&ĐT đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến ra sao?

1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị nào để học online -0
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc dạy học trực tuyến không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ năm học trước nhưng bước vào năm học này, quy mô, tính chất, thời gian học trực tuyến là chưa từng có với rất nhiều thách thức. 

1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị nào để học online -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời các đại biểu.

Thầy trò chuyển sang học trực tuyến trong điều kiện khó khăn. “Thực tế, 1,8 triệu học sinh (không phải 1,5 triệu như thống kê hồi đầu năm học) hiện không có bất kỳ thiết bị nào để học trực tuyến. Nhiều gia đình có hai, ba anh chị em chỉ có một điện thoại để học. Trước khi quan tâm đến chất lượng, chúng ta cần quan tâm những cháu không có thiết bị trong tay, đang dần dần bỏ học, điều đó quan trọng nhất” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trăn trở.

Có điều đáng mừng là ở những địa phương khó khăn, trong đó có các địa phương phía Bắc, thời gian qua, học sinh được học trực tiếp. Việc đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến, Bộ GD&ĐT theo dõi các đơn vị thường xuyên. Bộ cũng đang tổ chức hỗ trợ thiết bị học tập. Để đánh giá mức độ đạt được của dạy học trực tuyến, chúng ta đang thực hiện, mọi việc còn ở phía trước.

Trúng điểm cao vẫn trượt đại học, Bộ sẽ rà soát lại quy định

Đại biểu Trương Ngọc Ánh (Cần Thơ) đặt vấn đề việc dạy và học trực tuyến theo chương trình trực tiếp, gây áp lực cho cô và trò? Kế hoạch điều chỉnh chương trình dạy và học theo từng bậc học để học sinh khi trở lại trường không bị lệch, hổng kiến thức? Thời gian qua có nhiều học sinh trung học phổ thông có em điểm trung bình môn 9 điểm nhưng không đậu đại học, ý kiến của Bộ trưởng?

1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị nào để học online -0
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, về việc dạy học trực tuyến vẫn sử dụng chương trình dạy học trực tiếp,  Bộ GD & ĐT đã ban hành văn bản để xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giản. Thực tế các năm 2019, 2020 trước tình hình dịch bệnh, bộ đã hai lần tinh giản chương trình phù hợp với tình hình mới; năm 2021 - 2022 này tiếp tục rà soát, để xác định yêu cầu, nội dung cốt lõi chứ không phải mỗi năm rút một ít. Theo đó, các trường bám sát vào chương trình cốt lõi, khi có thời gian sẽ bổ sung thêm kiến thức, nên dạy học sẽ bám sát chương trình cốt lõi.

Với câu hỏi điểm cao vẫn trượt đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim  Sơn cho rằng có nhiều nguyên nhân. “Như năm qua, có 165 học sinh phổ thông có điểm cao từ 27 điểm trở lên, hầu hết là học sinh chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng vào trường công an, quân đội” – Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, có hiện tượng các trường đặt ra quá nhiều cách xét tuyển, chỉ tiêu ít nên ảnh hưởng xét trúng tuyển. Thực tế này cũng có việc phải điều chỉnh ở các trường đại học, khi việc tuyển sinh là quyền của các trường, nhưng phải nằm trong quy định cho phép, nên chúng tôi sẽ rà soát để không nên có quá nhiều phương án, gây phức tạp và rủi ro cho người đăng ký.

Phương Thuỷ
.
.
.