Điểm mặt những nhân vật cộm cán trong vụ bạo loạn Điện Capitol của Mỹ

Thứ Năm, 06/01/2022, 08:05

Một năm sau khi hàng nghìn người ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “xâm chiếm” Điện Capitol để phản đối kết quả bầu cử hôm 6/1/2021, nhà chức trách Mỹ vẫn đang truy tố những kẻ bạo loạn bị bắt giữ.

Điểm mặt những nhân vật cộm cán trong vụ bạo loạn Điện Capitol của Mỹ  -0
Jacob Chansley cùng một số người biểu tình bên trong tòa nhà Capitol. Ảnh AP. 

Hơn 700 người đã bị bắt vì có liên quan đến vụ bạo động mà phía đảng Dân chủ thường mô tả là một “cuộc nổi dậy” nhằm ngăn cản một cách thô bạo việc chứng nhận chiến thắng bầu cử của Tổng thống Joe Biden.

Cá nhân ông Trump đã bị Hạ viện luận tội vì kích động bạo loạn. Nhưng tháng trước, cựu Tổng thống Mỹ vẫn kiên quyết bác bỏ mọi lời chỉ trích về vai trò của ông trong một cuộc tấn công mà theo ông là “một cuộc biểu tình hoàn toàn không có vũ khí đối với cuộc bầu cử gian lận”.

Trong khi ông Trump dường như đã thoát khỏi những hậu quả pháp lý đối với cuộc bạo động ở Điện Capitol cho đến nay, nhiều người ủng hộ ông thì không.

Các nhà chức trách liên bang đã đưa ra vô số cáo buộc chống lại những kẻ nổi loạn, có hành động từ việc xâm nhập trái phép vào khu vực hạn chế hay nghiêm trọng hơn là tấn công cảnh sát với vũ khí nguy hiểm.

Jacob Chansley, kẻ tự xưng là “QAnon Shaman”

Với bộ râu nhọn, lá cờ Mỹ vẽ trên mặt và cặp sừng nhô ra khỏi mũ lông, người cởi trần và xăm trổ dày đặc, tự cho mình là “QAnon Shaman”, Jacob Chansley đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên mạng sau cuộc bạo động.

Điểm mặt những nhân vật cộm cán trong vụ bạo loạn Điện Capitol của Mỹ -0
Jacob Chansley, kẻ tự xưng là “QAnon Shaman”. Ảnh Getty Images. 

Chansley, một người đến từ Phoenix, Arizona, đã bị bắt vào ngày 9/1 và ban đầu phải đối mặt với bản cáo trạng gồm 6 tội danh.

Người này bị buộc tội trèo lên bục phát biểu tại Thượng viện và “chiếm vị trí mà Phó Tổng thống (lúc bấy giờ) Mike Pence vừa ngồi cách đó không lâu” khi Quốc hội đang họp chứng nhận bầu cử.

Vào tháng 2, thông qua luật sư cá nhân, anh ta đã đưa ra một tuyên bố xin lỗi về hành động của mình trong cuộc bạo động và bày tỏ sự thất vọng với ông Trump vì đã không ân xá cho anh ta và các nghi phạm khác trong vụ ngày 6/1 trước khi rời nhiệm sở.

Chansley cuối cùng đã nhận tội và bị kết án 41 tháng tù.

Richard Barnett, kẻ đã đột nhập văn phòng Chủ tịch Hạ viện

Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, là nhà lập pháp quyền lực nhất ở nước này. Là nhân vật quyền lực thứ 3, dường như không có quyết sách nào được thông qua tại Quốc hội mà thiếu đi có sự chấp thuận của bà.

Điểm mặt những nhân vật cộm cán trong vụ bạo loạn Điện Capitol của Mỹ -0
Hình ảnh phản cảm của Barnett, người đến nay vẫn chưa nhận tội. Ảnh Getty Images. 

Vào ngày 6/1/2021, người ủng hộ của ông Trump, Richard Barnett, hay được gọi là “Bigo”, bị chụp lại cảnh để chân lên bàn làm việc của bà Pelosi.

Chính Barett cũng thừa nhận hành vi này. “Bà ta không xứng đáng. Tôi đã để lại một mảnh giấy ngay trên bàn làm việc của bà ta”.

Người này bị bắt 2 ngày sau vụ bạo loạn và bị giam giữ hơn 3 tháng trước khi xét xử. Các công tố viên buộc tội tên này mang súng gây choáng vào Điện Capitol, gây ra mối đe dọa cho cộng đồng.

Bị cáo đã được trả tự do vào cuối tháng 4/2021. Barnett phải đối mặt với 7 cáo buộc liên bang, mức án tối đa là 10 năm tù. Người này không nhận tội, và ngày xét xử vẫn chưa được ấn định.

Aaron Mostofsky, người mặc áo lông vũ bên trong Điện Capitol

Trong trang phục bộ lông màu nâu với cây trượng bằng gỗ, nhiều người liên tưởng Aaron Mostofsky là một “người thượng cổ”, đồng thời, bức ảnh người này đăng tải lên mạng cũng nhận được sự chú ý.

Điểm mặt những nhân vật cộm cán trong vụ bạo loạn Điện Capitol của Mỹ -0
Aaron Mostofsky trong trang phục "người thượng cổ". Ảnh Reuters. 

Tuy nhiên, những phụ kiện khác mà anh ta mang theo, gồm một chiếc áo giáp và một chiếc khiên chống bạo động, có thể khiến anh ta phải ngồi tù 10 năm, vì các công tố viên liên bang cáo buộc những món đồ này thuộc về Cảnh sát Quốc hội Mỹ và buộc tội anh ta trộm cắp tài sản của chính phủ.

Mostofsky, con trai của một thẩm phán nổi tiếng ở Brooklyn, bị bắt vào ngày 12/1/2021. Người này phải đối mặt với 8 tội danh liên bang, bao gồm cản trở thủ tục chính thức và hành hung, chống cự hoặc cản trở sĩ quan cảnh sát.

Mostofsky đã được bảo lãnh vào tháng 3 và không nhận tội, phiên tòa xét xử anh ta dự kiến diễn ra ​​vào ngày 22/1, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Vào ngày xảy ra bạo loạn, Mostofsky nói với New York Post rằng anh ta cảm thấy “bị lừa dối” bởi kết quả bầu cử.

Jennifer ‘Jenna’ Ryan, người tạo dáng bên cửa sổ bị vỡ của Điện Capitol

Mặc dù không phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng có thể phải ngồi tù nhiều năm, Jenna Ryan đã trở thành một trong những “gương mặt tiêu biểu” của vụ bạo loạn ngày 6/1 sau khi đăng một bức ảnh chụp cô này tạo dáng với một dấu hiệu hòa bình bên cạnh cửa sổ tòa nhà Capitol bị vỡ.

Điểm mặt những nhân vật cộm cán trong vụ bạo loạn Điện Capitol của Mỹ -0
Ảnh AP. 

“Chúng tôi vừa làm mưa làm gió ở Điện Capitol. Đó là một trong những ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”, Ryan viết trong một dòng tweet đăng năm ngoái mà đến nay vẫn chưa bị xóa. Sau đó, cô này khẳng định mình không làm gì sai.

Cuối tháng trước, Ryan đã trình diện tại một cơ sở giam giữ liên bang ở Texas để chấp hành án tù 60 ngày sau khi nhận tội về tội “biểu tình trái phép” ở Điện Capitol.

Ryan, một nhà môi giới bất động sản ở Texas, đã bay bằng máy bay riêng đến Washington, DC, để tham gia cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử Mỹ, diễn ra trước khi xảy ra bạo loạn.

Các luật sư của Ryan đã lập luận rằng cô này đã ở bên trong Điện Capitol trong 2 phút, đi không quá 3 mét bên trong ngưỡng cửa. Nhưng các công tố viên lại cho rằng cô này hoàn toàn nhận thức được vụ bạo lực ở Điện Capitol, cho thấy “tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà cô ta đã tham gia”.

Trong thời gian sau vụ bạo loạn, Ryan đã nhiều lần tự nhận mình là nạn nhân và “đổ lỗi cho truyền thông”.

Tiến Dũng (Theo Al Jazeera)
.
.
.