“Vua tra tấn” của CIA

Thứ Năm, 18/12/2014, 12:15
Đây là biệt danh mà báo giới Mỹ gọi hai nhà tâm lý học Jim Mitchell và Bruce Jessen - những người được thuê với mức giá 81 triệu USD để nghĩ ra cách thẩm vấn đối với những nghi phạm khủng bố trong các nhà tù bí mật của Cục Tình báo trung ương (CIA). Hiện cả 2 nhân vật này đang bị Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia yêu cầu đưa ra truy tố vì đã tham gia vào các hành vi tội ác mang tính hệ thống và vi phạm trắng trợn Luật Nhân quyền quốc tế.

Chương trình huấn luyện tuyệt vọng

Hai cái tên Jim Mitchell và Bruce Jessen đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bản báo cáo gây sốc của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về chương trình thẩm vấn của CIA. Hai nhà tâm lý học này là những người kiến tạo nên chương trình thẩm vấn của CIA và thậm chí còn liên tục áp dụng phương pháp trấn nước nhằm vào các nghi can khủng bố trong nhà tù bí mật của CIA. Tờ Daily Mail của Anh dẫn một nguồn tin từ Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cho biết, hai thành viên cấp cao của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda Khalid Sheikh Mohammed và Abu Zubaydah là những kẻ từng chịu nhiều đòn trấn nước do Jim Mitchell và Bruce Jessen thực hiện.

Jim Mitchell.

Khi đó, hai nhà tâm lý học đã làm mẫu để hướng dẫn các nhân viên CIA thực hiện làm sao cho tù nhân phải cảm thấy như sắp chết đuối. Thường thì tù nhân sẽ bị buộc vào một cái bàn nghiêng, với chân cao hơn đầu. Người thẩm vấn sẽ đặt một miếng vải lên mặt tù nhân; che miệng, mồm họ và đổ nước liên tục lên vải để ngăn không cho tù nhân thở. Tiến trình tra tấn kiểu này kéo dài khoảng 40 giây và có thể được sử dụng nhiều lần trong quá trình thẩm vấn. Tính tổng cộng, Jim Mitchell và Bruce Jessen đã thực hiện hành động trấn nước với Abu Zubaydah 83 lần và với Khalid Sheikh Mohammed hơn 100 lần.

Tiếp đó, cả hai nhà tâm lý học này đã cùng viết một chương trình thẩm vấn với 12 phương cách khác nhau, dựa trên những kỹ thuật thẩm vấn được đào tạo tại trường quân sự với tên gọi tắt là SERE – Tồn sinh, Lẩn trốn, Đối kháng và Thoát hiểm. 12 phương cách rùng rợn này bao gồm: liên tục tát vào mặt, rọi đèn sáng vào người, bị ép phải tuân thủ các tư thế gây stress, trấn nước, dội nước lạnh, đánh đập và đe dọa, bơm thức ăn và nước qua đường hậu môn, nhốt trong một chiếc hộp kín, bắt trần truồng trong nhiều ngày, không được ngủ trong 1 tuần đến 10 ngày, bị bắt nghe nhạc với âm thanh lớn, bị bắt nằm dưới đất liên tục trong lúc bị đóng bỉm hoặc treo ngược lên xà nhà trong nhiều ngày. Những phương pháp này được áp dụng liên tục hằng ngày và kéo dài trong nhiều tuần, được các nhân viên CIA coi là “một thủ thuật tra khảo tăng cường”.

Còn đối với Jim Mitchell và Bruce Jessen, việc tạo ra các phương cách tra khảo khác biệt là nhằm buộc các tù nhân phải phục tùng, bẻ gãy khả năng tự chủ bản thân của họ. Cụm từ mà 2 “kiến trúc sư tra tấn” của CIA sử dụng là “huấn luyện tuyệt vọng”.

Sau khi bị tra tấn kiểu này, các nghi phạm khủng bố hoặc các tù nhân sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi và sự sợ hãi chính là kẻ thù, khiến họ phải khai ra những gì mà CIA muốn biết. Bằng chứng là tại Afghanistan, nhiều tù nhân tỏ ra khúm núm ngay khi các cai ngục mở cửa buồng giam. Các nhân viên điều tra CIA thậm chí còn nhận xét, vài người “trông như con chó bị nhốt trong chuồng”.

Và khoản chi trị giá 300 triệu USD

Theo phát hiện của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, CIA đã sử dụng việc tra tấn như một công cụ trong quá trình điều tra, tìm bắt các nghi phạm khủng bố. Nhưng có điều đáng chú ý là CIA đã chuyên nghiệp hóa hoạt động tra tấn bằng cách hình thành nên các trung tâm thẩm vấn ở nhiều nơi trên thế giới. Cụ thể, mạng lưới này được trải rộng tới 54 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ như Australia, Anh…

Tù nhân trong nhà tù bí mật của CIA tại Afghanistan đã được đưa đi chữa trị tâm lý sau khi bị tra tấn dã man năm 2002. Ảnh: AP.

Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ còn cho biết thêm rằng, chương trình “huấn luyện tuyệt vọng” của Bruce Jessen và James Mitchel được hình thành dựa trên một nghiên cứu của nhà tâm lý học Martin Seligman năm 1972. Hai tháng sau khi xảy ra sự kiện 11/9/2001, CIA đã quyết định thuê Jim Mitchell trong vai trò giám sát quá trình thẩm vấn một thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda bị bắt tại Anh.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Jim Mitchell đã mời Bruce Jessen cùng cộng tác vì trước đó họ đã làm việc với nhau tại một căn cứ không quân. Một năm sau, theo yêu cầu của CIA, Jim Mitchell và Bruce Jessen đã viết báo cáo tổng kết cho trung tâm chống khủng bố CIA và đưa ra những yêu cầu cụ thể để triển khai kỹ thuật tra tấn. Tiếp đó, họ thiết kế chương trình “huấn luyện tuyệt vọng” rồi bán cho CIA với giá 81 triệu USD.

Trách  nhiệm trong việc thực hiện thỏa thuận này của hai nhà tâm lý (được biết đến với cái tên giả là Tiến sĩ Grayson Swigert và Tiến sĩ Hammond Dunbar) là họ phải thường xuyên theo dõi hoạt động thẩm vấn và đưa ra những tư vấn khác trong khoảng thời gian từ năm 2002-2009. Đến năm 2005, CIA lại có “bước tiến mới” trong kỹ thuật tra tấn khi thành lập một công ty do Jim Mitchell và Bruce Jessen đứng đầu với mục đích duy nhất là tiếp tục nghĩ ra các biện pháp tra tấn phục vụ cho các cuộc thẩm vấn của CIA. Việc ký hợp đồng với công ty này cũng được thực hiện và kéo dài trong nhiều năm với tổng chi phí 99 triệu USD.

Bên cạnh đó, CIA còn có cam kết bảo vệ công ty khỏi dính vào các trách nhiệm pháp lý nếu có rắc rối xảy ra. Báo cáo dài hơn 500 trang của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ về chương trình thẩm vấn mà CIA thực hiện còn nhấn mạnh, ngoài số tiền 180 triệu USD chi cho việc phát minh các biện pháp thẩm vấn, CIA còn chi khoảng 120 triệu USD cho việc thực hiện chương trình này tại các nhà tù bí mật trên thế giới.

Cho đến nay, khi được hỏi về chương trình thẩm vấn của CIA, cả Jim Mitchell và Bruce Jessen đều từ chối không trả lời. Có nhiều nguồn tin cho hay, nguyên do là vì cả hai cùng ký với CIA một thỏa thuận không tiết lộ và sẽ bị phạt nặng nếu vi phạm. Hiện cả hai nhân vật này đều đã ngoài 60 tuổi và đã nghỉ hưu. Jim Mitchell từng làm việc trong lực lượng không quân Mỹ và làm chuyên gia phá bom rồi tiếp tục học thêm về lĩnh vực tâm lý... Bruce Jessen cũng khá nổi tiếng trong việc đào tạo các quân nhân và nhân viên an ninh Mỹ đối phó với tình huống xảy ra bắt cóc con tin nghiêm trọng.

Ngọc Khuê
.
.
.