Việt Nam – thành viên tích cực của Chương trình Hợp tác kinh tế GMS

Thứ Năm, 29/03/2018, 19:34

Năm 2018 đánh dấu cột mốc đáng nhớ - kỷ niệm 25 năm thành lập Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng GMS. Là một trong những thành viên nòng cốt của GMS, sự tham gia của Việt Nam mang nhiều kết quả tích cực cả về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực.

Từ mắt xích hành lang kinh tế

Việt Nam tham gia tích cực Chương trình hợp tác kinh tế GMS ngay từ khi Chương trình này được thành lập vào năm 1992. Tính đến tháng 12-2017, các dự án hợp tác trong GMS tại Việt Nam có quy mô đạt khoảng 6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay/trợ cấp của GMS. Trong đó, lĩnh vực giao thông chiếm 87%. Hiện nay, Việt Nam là mắt xích quan trọng trong việc hình thành các hành lang kinh tế GMS và đã tham gia vào 3 tuyến hành lang kinh tế chính là: Bắc - Nam, Đông-Tây và hành lang ven biển phía Nam. 

Việc kết nối các tuyến hành lang qua lãnh thổ Việt Nam giúp Việt Nam tối đa hoá các lợi ích kinh tế thu được từ kết nối giao thông, tăng cường thương mại và đầu tư trong các vùng dọc theo các hành lang kinh tế. Từ các dự án tuyến hành lang kinh tế, nhiều dự án giao thông đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như tuyến đường thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự án tài trợ hành lang Đông-Tây, đoạn đường từ Đông Hà - Lao Bảo (do ADB tài trợ), xây dựng hầm đường bộ Hải Vân và nâng cấp cảng Đà Nẵng (do Nhật Bản tài trợ), cũng như việc hoàn thành xây dựng cầu quốc tế Mekong thứ hai nối Mukdahan và Savannakhet - cây cầu giúp thông tuyến giao thông của hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền đường bộ từ Thái Lan – Lào - Việt Nam đi ra biển Đông. 

Công trình hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh: BDT

Song song với đó, Việt Nam cũng tham gia thực hiện Hiệp định Giao thông xuyên biên giới GMS (CBTA) từ năm 1999, mang lại các kết quả tích cực, cho phép giải phóng nhanh các loại hàng hoá thông thường và rút ngắn thời gian xử lý thông quan cho người, phương tiện và hàng hoá.

Những sáng kiến và sự tham gia chọn lọc có hiệu quả của Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đã tác động không nhỏ tới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia GMS. GMS mở ra cơ hội giúp Việt Nam tích cực tham gia nhiều chương trình lớn như Diễn đàn doanh nghiệp GMS, Diễn đàn đầu tư GMS, Diễn đàn thương mại GMS; song song với việc thực hiện Khuôn khổ chiến lược tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư (SFA-TFI). Ngoài ra, với việc tham gia xây dựng Khung đầu tư tiểu vùng, Việt Nam có cơ hội quảng bá để thu hút vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực xúc tiến đầu tư của Việt Nam.

Đến thành viên trách nhiệm

Quan điểm về các vấn đề hợp tác trong GMS được Việt Nam đề cập tại 5 kỳ Hội nghị Thượng đỉnh (2002, 2005, 2008, 2011, 2014) bao trùm là sự phát triển của Tiểu vùng cần bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế-con người-môi trường. Từ đó, mỗi động thái hợp tác của Việt Nam đều có sự kết hợp hài hòa các yếu tố trên. Đơn cử như trong lĩnh vực năng lượng, Viêt Nam đã tham gia ký kết và thực hiện Kế hoạch Tổng thể Khu vực về liên kết điện năng trong GMS; Hiệp định giữa các Quốc gia về Thương mại điện năng khu vực; Chiến lược Năng lượng tiểu vùng Mekong; Thương mại điện năng tiểu vùng Mekong mở rộng …. 

Viêt Nam đã tham gia ký kết và thực hiện Kế hoạch Tổng thể Khu vực về liên kết điện năng trong GMS. Ảnh: EVN

Chính hợp tác phát triển năng lượng GMS giúp Việt Nam xác định, chuẩn bị và đầu tư cho các sáng kiến ưu tiên nhằm thúc đẩy thương mại điện năng, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân nhằm bổ sung cho đầu tư của khi vực công và bảo đảm an ninh lương thực. 

Hay trong lĩnh vực viễn thông, Việt Nam đang cùng các nước triển khai Kế hoạch hành động Vientine trong lĩnh vực viễn thông GMS, trong đó Việt Nam tập trung vào xây dựng mạng Siêu xa lộ thông tin GMS nhằm cung cấp đường truyền viễn thông băng rộng gắn kết 6 quốc gia GMS.

Bên cạnh đó, cùng với các đối tác GMS, Việt Nam đang tập trung nỗ lực vào công cuộc giảm nghèo và bình đẳng giới nhằm hỗ trợ những lao động dễ tổn thương được hưởng lợi từ các chương trình đào tạo quốc gia, đồng thời tăng cường việc bảo vệ người lao động di cư, cả trong nước và qua biên giới, như dự án Hỗ trợ kỹ thuật (HTKT) của ADB cho các nước Việt Nam, Lào và Campuchia, hay dự án nghiên cứu các giải pháp xoá bỏ ma tuý trong GMS. 

Việt Nam cũng tham gia xây dựng Khung chiến lược và kế hoạch hành động nhân lực GMS giai đoạn 2009-2012, và giai đoạn 2013-2017, với mục tiêu thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực một cách bền vững, hỗ trợ triển khai các sáng kiến vùng về hợp tác nguồn nhân lực và xử lý các vấn đề xuyên biên giới về nhân lực giữa các nước GMS.

Và đối tác tích cực trong nhiều lĩnh vực

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề môi trường và bảo vệ tài nguyên. Việt Nam đã tham gia Chương trình Môi trường trọng điểm (CEP) nhằm giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình phát triển kinh tế tiểu vùng, cùng Khung Chiến lược Hợp tác GMS về nông nghiệp và Chương trình Hỗ trợ nông nghiệp trọng tâm (CASP) các giai đoạn 2006-2010 và 2011-2020 với sự hỗ trợ của ADB. 

Việt Nam tham gia tích cực vào các dự án và chương trình nông nghiệp, du lịch, phát triển bền vững của GMS. Ảnh: Wanderlust

Từ năm 2015, Việt Nam đã thành lập đơn vị hỗ trợ ban thư ký quốc gia, đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và ký thoả thuận hợp tác với ADB vào tháng 2-2015. Hiện, Việt Nam có 8 dự án nông nghiệp với số vốn 310.000 USD. Đặc biệt, Việt Nam đã phối hợp với các đối tác của GMS triển khai nhiều biện pháp để tăng năng suất cho ngành nông nghiệp; ưu tiên cho những cải cách quan trọng nhằm đạt được sự tăng trưởng ổn định trong sản lượng nông nghiệp, từ đó đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Đặt du lịch là một trong những trụ cột mới trong phát triển kinh tế, Việt Nam cùng các thành viên GMS đã điều chỉnh Chiến lược phát triển du lịch GMS vùng theo hướng phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch vì người nghèo, du lịch bền vững; phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch GMS. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc hình thành “Chiến lược ngành du lịch GMS giai đoạn 2016-2025”cũng như các dự án lu lịch và phát triển du lịch bền vững.

Từ ngày 29 đến 31-3, Việt Nam chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ sáu (GMS 6) - một trong những sự kiện đa phương lớn nhất được tổ chức tại nước ta trong năm 2018.

Nhận xét về sự tham gia của Việt Nam trong GMS, Trưởng phòng điều phối hoạt động và hợp tác khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng ADB, ông Alfredo Perdiguero cho rằng Việt Nam luôn là một thành viên có nhiều sáng kiến trong tất cả lĩnh vực mà hợp tác GMS thúc đẩy. Và chắc chắn rằng, Hội nghị GMS 6 chính là cơ hội để Việt Nam mang lại nguồn năng lượng mới, những ý tưởng đột phá và nguồn tài chính cho cơ chế hợp tác liên kết khu vực này.

An Nhiên
.
.
.