Trung - Ấn: Xít lại nhờ BRICS

Thứ Bảy, 09/09/2017, 09:51
Đây là dấu hiệu cho một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn giữa 2 cường quốc quân sự châu Á? Hay chỉ là những nhượng bộ tạm thời để có thể “không thẹn khi nhìn mặt nhau” trong bối cảnh lãnh đạo 2 nước chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS diễn ra đầu tháng này?


Dấu hiệu hy vọng

Ngày 28-8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các binh sĩ Ấn Độ đã rút lui khỏi Doklam, trong khi quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra và bố trí lực lượng đồn trú tại khu vực này.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố được đưa ra cùng ngày, Ấn Độ cho biết, hai bên đã đồng ý "rút nhanh chóng" lực lượng của mình tại Doklam thông qua các kênh liên lạc được duy trì nhiều tuần nay.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói với Hãng tin AP, hai bên đã đồng ý quay trở lại "hiện trạng ban đầu". Trong khi kênh tin tức NDTV cho hay, các máy ủi của Trung Quốc đã được chuyển đi và hoạt động xây dựng đã dừng lại, ngụ ý rằng yêu cầu từ phía Ấn Độ đã được đáp ứng.

Thế nhưng, phía Trung Quốc miêu tả diễn biến mới là một chiến thắng của mình, với tuyên bố của Bộ Ngoại giao khẳng định quân đội "đã đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi chính đáng". Bắc Kinh cho biết, chính phủ muốn quan hệ hữu nghị với Ấn Độ và kêu gọi New Delhi tuân theo "nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Căng thẳng Trung - Ấn bùng phát hồi tháng 6 sau khi New Delhi quyết định điều động binh sĩ ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường cao tốc tại Doklam, khu vực vốn là điểm nóng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Binh sĩ hai bên đã có những xô xát nhỏ trong vài tuần trở lại đây, khiến giới quan sát lo ngại cuộc xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Ảnh minh họa

Tờ Times of India ngày 29-8 cho biết, các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề đối đầu ở Doklam được diễn ra ở các cấp lãnh đạo 2 nước Trung - Ấn. Đầu tiên là cuộc hội đàm giữa Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì diễn ra vào hồi tháng 7. Sau đó là cuộc tiếp xúc giữa Thư ký đối ngoại S Jaishankar với các quan chức Trung Quốc dưới sự sắp xếp của Đại sứ Ấn Độ tại Bắc Kinh Vijay Gokhale.

Thỏa thuận “ngầm”

Theo tờ Times of India, trong các cuộc họp song phương, Ấn Độ đã đưa ra một số yêu cầu, bao gồm việc Trung Quốc không được đơn phương thay đổi nguyên trạng thực địa và tôn trọng đồng thuận chung về biên giới 2 nước được ký kết năm 2012. Tờ này dẫn nguồn tin tiết lộ, trong quá trình đàm phán, New Delhi kiên quyết rằng, nếu Bắc Kinh không thể đảm bảo "hòa bình", quan hệ hai bên sẽ chịu tổn thất. Điều này có khả năng xảy ra, trừ phi hai nước đồng thời rút quân.

Mao Siwei, cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc từng làm việc tại Ấn Độ, cho biết hai bên đã cố tình "mập mờ" vì tính nhạy cảm của vấn đề và không muốn đối phương hay bản thân bị mất mặt. Một số chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, Trung Quốc đã âm thầm đồng ý với Ấn Độ về việc ngừng hoạt động xây dựng của mình, nhưng sẽ không tuyên bố một cách công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

"Có thể hai bên đã thống nhất Trung Quốc sẽ ngừng xây dựng tuyến đường và Ấn Độ sẽ rút quân, trong đó Ấn Độ sẽ rút trước và Trung Quốc sẽ rút sau", Mao Siwei nói. Đồng quan điểm, Shashank Joshi, nhà phân tích của London, nhận xét: "Rất ít khả năng New Delhi đồng ý rút quân, nếu không nhận được cam kết từ Bắc Kinh rằng họ sẽ ngừng xây dựng tại vùng tranh chấp".

Trong trường hợp này Ấn Độ đã chấp nhận lời hứa hẹn từ phía Trung Quốc vì yêu cầu mà quốc gia Nam Á đề ra chỉ là đưa tình hình trở về nguyên trạng. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn thận trọng vì Trung Quốc có khả năng sẽ tiến hành tuần tra tích cực hơn ở Doklam trong tương lai, học giả Joshi bình luận.

Thượng đỉnh BRICS

Quyết định hòa hoãn của 2 nước được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Hạ Môn, một thành phố ven biển của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 29-8 thông báo: "Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Modi sẽ tới thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến từ ngày 3 đến 5-9 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 9 của nhóm BRICS".

"Đó là một tin cực kỳ tốt", Wang Dehua, một chuyên gia nghiên cứu Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, bày tỏ. "Chúng tôi đã tránh rơi vào tình huống mà hai cường quốc trở thành kẻ thù địch".

Đánh giá về tình trạng 2 nước trong thời gian tới, một số nhà phân tích khác cho hay, mối quan hệ song phương đầy căng thẳng giữa hai cường quốc sẽ không chỉ kết thúc tại đó. "Mọi thứ sẽ còn rất gập ghềnh", Harsh Pant - chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học King, Anh nhận định.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Jiang Jingkui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ thuộc Đại học Bắc Kinh, đánh giá Hội nghị Thượng đỉnh BRICS "chỉ là một giải pháp tạm thời". Bà Jingkui nói: "Modi sẽ đến Trung Quốc để tham gia vào cuộc họp BRICS. Nhưng mối quan hệ giữa hai bên không thể hàn gắn chỉ trong một ngày".

Bằng mặt không bằng lòng

Nhận định của bà Jingkui không phải không có lý, khi ngày 30-8, Bắc Kinh đã có động thái “lên lớp” với New Delhi. "Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ rút ra được nhiều bài học từ mâu thuẫn này và không để những vụ việc tương tự lặp lại trong tương lai. Chúng tôi hy vọng rằng nỗ lực từ 2 phía có thể duy trì các mối quan hệ ổn định và tốt đẹp" - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói.

Còn trên “mặt trận thông tin”, các phương tiện truyền thông cả 2 nước đều tuyên bố việc rút quân chính là chiến thắng của “phe ta”. Các phương tiện truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã tường thuật sự kiện bằng những câu chữ nhấn mạnh binh lính Ấn Độ đã rút khỏi "lãnh thổ Trung Quốc".

Trong một bài xã luận hôm 29-8, Tân Hoa xã nói Ấn Độ đã đưa ra "sự lựa chọn đúng đắn" để tuân thủ luật pháp quốc tế bằng cách rút quân đội ra khỏi "lãnh thổ không có tranh cãi với lịch sử và cơ sở pháp lý rõ ràng của Trung Quốc". Tờ này viết thêm: "Hy vọng rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục có thái độ đúng đắn để đưa mối quan hệ Trung - Ấn vào một con đường lành mạnh".

Tờ China Daily và Gobal Times của Trung Quốc cũng có những bình phẩm tương tự, cho rằng việc rút quân của Ấn Độ theo sau việc họ xâm nhập "bất hợp pháp" vào lãnh thổ Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Ấn Độ, các phương tiện truyền thông cùng xem diễn biến này như một chiến thắng ngoại giao cho New Delhi. Bình luận về các tuyên bố “chiến thắng” của phía Trung Quốc, tờ India Times viết: “Để Trung Quốc giữ sĩ diện, Bắc Kinh "muốn nói sao thì nói" dù thực tế 2 bên cùng rút quân”.

Còn tờ Business Standard thì cho rằng việc rút quân "có thể là một trong những chiến thắng ngoạn mục nhất của Ấn Độ trong nhiều thập niên, New Delhi đã thực hiện chiến lược hoàn hảo".

Cơ hội cho Mỹ?

Theo một số chuyên gia, mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc là một cơ hội tốt để Washington chứng minh rằng Bắc Kinh đang bị các nước thù địch sát biên giới bao vây. Ngoài Ấn Độ và Bhutan, trong số những kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc còn có Philippines, Mông Cổ và Nhật Bản. Ủng hộ dự án xây dựng hệ thống an ninh khu vực (không có sự tham gia của Trung Quốc) như là cách Washington ghi nhớ tạo ra một loại hàng rào phòng vệ chống Trung Quốc.

Dẫn nguồn tin giấu tên trong chính quyền ông Donald Trump, nhà kinh tế học - chính luận của Mỹ Frederik Engdal kết luận: "Chiến tranh giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ không bao giờ xảy ra, thay vào đó là cuộc chiến Trung Quốc - Ấn Độ".

Vĩnh Ðông
.
.
.