Tôn trọng phán quyết của tòa - nghĩa vụ của các quốc gia thành viên UNCLOS
- Philippines sẽ hối thúc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA
- Trung Quốc từ chối phán quyết của tòa trọng tài, Philippines có phản ứng bất ngờ
- Điểm lại những diễn biến chính vụ Philippines kiện Trung Quốc
Trong phán quyết ra ngày 12-7, tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc (gọi tắt là PCA) đã nhắc lại rằng Điều 11 của Phụ lục VII đã quy định “phán quyết…sẽ được các bên trong tranh chấp tuân thủ”. Cùng với đó, cộng đồng quốc tế cũng đang hối thúc Trung Quốc thực thi trách nhiệm của mình bất chấp việc Bắc Kinh vẫn khăng khăng quan điểm “3 không”.
Tờ Sydney Morning Herald số ra ngày 16-7 dẫn lời của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, Mỹ vẫn đang âm thầm thực hiện chiến dịch ngoại giao kêu gọi các quốc gia gây sức ép để Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của tòa PCA. Ông Joe Biden khẳng định, việc tôn trọng phán quyết và thực thi theo luật pháp quốc tế là điều tối thiểu mà một quốc gia phải làm trong cộng đồng quốc tế, vì sự hòa bình và phát triển của nhân loại.
Ông Joe Biden còn nhấn mạnh rằng, Mỹ cũng luôn thực thi và tôn trọng quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Phó Tổng thống Mỹ còn nêu rõ rằng, Washington hy vọng Bắc Kinh tuân theo những quy tắc quốc tế tương tự như các nước khác và cả Philippines cũng phải tuân thủ theo phán quyết của tòa án quốc tế. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định rằng, phán quyết của tòa PCA là “phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý”.
Tàu hải giám của Trung Quốc đứng trước tàu cá của Philippines, yêu cầu ngư dân ra khỏi vùng biển tranh chấp. Ảnh: CNNPH. |
Liên minh châu Âu (EU) thì hối thúc Trung Quốc và Philippines giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherin khẳng định, các nước thành viên trong khối “nhận thức rõ” phán quyết của PCA và các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, “làm rõ các tuyên bố của mình và theo đuổi những tuyên bố đó theo cách tôn trọng và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Còn Ngoại trưởng Australia Julie Bishop có tuyên bố cứng rắn hơn, rằng Trung Quốc có thể chịu tổn hại nếu không công nhận phán quyết của tòa PCA. Bà Julie Bishop một lần nữa nêu rõ quan điểm của Australia là sẽ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông, đồng thời ủng hộ quyền của các nước khác có hành động tương tự.
Trong khi đó, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 điễn ra tại Mông Cổ, bất chấp những cảnh báo từ các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có phát biểu mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh rằng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp được tôn trọng và kêu gọi các bên liên quan đến vụ kiện Biển Đông tôn trọng phán quyết của tòa PCA.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản còn tuyên bố rằng Tokyo sẽ giám sát chặt chẽ mọi động thái của Trung Quốc sau phán quyết của tòa. Được sự khích lệ từ động thái của Nhật Bản, hôm 15-7, Philippines cũng đã nêu vấn đề Biển Đông vào ASEM. Trước đông đảo lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEM, tân Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã nhắc lại tuyên bố về phán quyết của tòa PCA và khẳng định một lần nữa rằng “yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông đã bị tòa bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý”.
Ông Perfecto Yasay nói: “Philippines khẳng định mạnh mẽ sự tôn trọng của mình đối với quyết định lịch sử này như một nỗ lực góp phần quan trọng vào việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thể hiện thái độ kiềm chế và tỉnh táo. Chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp giúp khôi phục lòng tin và sự tin cậy giữa các bên trong khu vực. Philippines sẽ tiếp tục hợp tác với các bên liên quan trong việc tìm kiếm các biện pháp nhằm giảm thiểu căng thẳng khu vực và tăng cường xây dựng lòng tin”.
Theo nhận định của các nhà phân tích, Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS nên nếu bác bỏ UNCLOS, Bắc Kinh đã tự làm xấu đi hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng sau này về vị thế của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức đa phương khác cũng như trong mối quan hệ trong khu vực. Điều này cũng đã được Thượng nghị sĩ Canada Tobias C.Enverga Jr phân tích kỹ trong thông cáo báo chí liên quan đến phán quyết của tòa PCA.
Không những hối thúc chính phủ Canada làm mọi việc trong khả năng để đảm bảo các bên liên quan tuân thủ các công ước quốc tế, đồng thời kêu gọi Trung Quốc thực thi nghĩa vụ quy định trong UNCLOS mà nước này đã phê chuẩn năm 1996, Thượng nghị sĩ Tobias Enverga còn nhấn mạnh việc chính phủ Canada phải hành động để đảm bảo pháp quyền cho tất cả các quốc gia.
Philippines và Trung Quốc đều thừa nhận UNCLOS nên phải có nghĩa vụ điều chỉnh hành vi của mình Trong phán quyết dài gần 500 trang, tòa trọng tài đã xem xét đề nghị của Philippines về việc đưa ra tuyên bố rằng, từ nay về sau, Trung Quốc cần tuân thủ các quyền và quyền tự do của Philippines và tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo UNCLOS. Tại thông cáo báo chí được đưa ra trong ngày công bố phán quyết, tòa khẳng định, cả Philippines và Trung Quốc đều đã nhiều lần thừa nhận Công ước và các nghĩa vụ chung về thiện chí trong xác định và điều chỉnh các hành vi của mình. Xét rằng cốt lõi của tranh chấp trong vụ kiện này không nằm ở ý định của Trung Quốc hay Philippines trong việc xâm phạm quyền lợi pháp lý của bên kia, mà chính là do có sự hiểu khác nhau cơ bản về các quyền của nước mình theo Công ước đối với các vùng nước thuộc Biển Đông, tòa còn nhắc lại rằng trong Điều 11 của Phụ lục VII đã quy định “phán quyết… sẽ được các bên trong tranh chấp tuân thủ”. Đối với phán quyết về thẩm quyền, tòa cũng đã xem xét liệu tranh chấp của các bên có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước hay không. Tòa đã bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng tranh chấp của các bên thực ra là về chủ quyền lãnh thổ và do đó không phải là một vấn đề liên quan đến Công ước. Tòa chấp nhận rằng, tồn tại một tranh chấp giữa các bên liên quan đến chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, nhưng Tòa cho rằng các vấn đề được Philippines đệ trình để giải quyết bằng trọng tài lại không liên quan đến chủ quyền. Tòa cho rằng không cần thiết phải ngầm quyết định về chủ quyền để có thể xem xét các Đệ trình của Philippines và rằng việc xem xét đó sẽ không hỗ trợ cho các yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào đối với các đảo ở Biển Đông. Tòa cũng bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng tranh chấp của các bên thực tế là về phân định ranh giới biển và do đó bị loại khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp bởi Điều 298 của Công ước và bởi một tuyên bố của Trung Quốc vào ngày 25-8-2006 theo Điều khoản này. Tòa nhận thấy rằng một tranh chấp về việc liệu một quốc gia có quyền đối với một vùng biển hay không là một vấn đề hoàn toàn khác biệt so với vấn đề phân định các vùng biển ở một khu vực mà các vùng biển này chồng lấn. Tòa nhận thấy rằng các quyền được hưởng vùng biển, cùng với nhiều vấn đề khác, thường được xem xét trong việc phân định ranh giới, nhưng cũng có thể phát sinh trong những bối cảnh khác. Tòa quyết định là từ đó không thể kết luận rằng một tranh chấp đối với từng vấn đề trên có thể coi là tranh chấp về phân định ranh giới. Sông Thương (Trích từ Thông cáo báo chí của tòa PCA) |