Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch săn lùng Giáo sĩ Fethullah Gulen

Thứ Bảy, 30/07/2016, 07:47
Nửa tháng sau cuộc đảo chính bất thành ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul, tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phức tạp. Các cuộc thanh lọc trong lực lượng quân đội, cảnh sát, giáo dục, ngoại giao… được tiến hành một cách cấp tập. Bên cạnh đó, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triển khai một chiến dịch săn lùng quy mô lớn nhằm vào Giáo sĩ Fethullah Gulen và những kẻ thân cận.


Điều tra những kẻ có liên quan

Có thể nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua thời kỳ thanh lọc hậu đảo chính. Bộ, ban, ngành nào cũng bị sờ gáy. Sau khi cho nghỉ việc hàng chục ngàn giáo viên và cách chức hàng ngàn hiệu trưởng, đóng cửa nhiều trường tư thục, hôm 28-7, chính quyền Ankara bắt đầu “sờ gáy” các nhà ngoại giao.

Hơn 300 nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bị phát hiện là có liên quan đến Giáo sĩ Fethullah Gulen – người bị cáo buộc là đứng đằng sau vụ đảo chính bất thành hôm 15-7. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, có 88 nhân viên của Bộ Ngoại giao đã bị đình chỉ chức vụ, trong đó có 2 người là Đại sứ.

Những người khác đều đang bị điều tra. Trong lĩnh vực truyền thông, chính quyền Ankara cũng đã ra lệnh đóng cửa 3 cơ quan thông tấn, 16 kênh truyền hình, 45 tòa soạn báo, 15 tạp chí và 29 nhà xuất bản bị tình nghi có quan hệ thân thiết với Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Trước đó 5 ngày, cố vấn cấp cao của Giáo sĩ Fethullah Gulen, ông Hails Hanci đã bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Trabzon, bên bờ Biển Đen. Một quan chức cấp cao của lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ miêu tả rằng, ông Hails Hanci là “cánh tay phải của Giáo sĩ Fethullah Gulen và là người phụ trách các hoạt động tài chính của nhân vật này.

Thường thì các khoản tiền tài trợ được gửi về cho ông Hails Hanci rồi sau đó ông này chuyển thẳng cho Giáo sĩ Fethullah Gulen. Cùng bị bắt giữ với ông Hails Hanci còn có Muhammet Sait Gulen, cháu trai của Giáo sĩ Fethullah Gulen…

Lý giải về chiến dịch truy quét lớn trên toàn quốc trong thời gian qua, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết, dù sống lưu vong ở Mỹ, cách xa Thổ Nhĩ Kỳ tới 8.000km nhưng Giáo sĩ Fethullah Gulen vẫn có ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia này.

Phát biểu trên Đài truyền hình Haberturk, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, trước khi thực hiện kế hoạch cuộc đảo chính hôm 15-7, Giáo sĩ Fethullah Gulen đã lên kế hoạch về nước nếu cuộc đảo chính thành công. Mục đích của Giáo sĩ Fethullah Gulen là phá hủy tất cả những gì mà chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan đã gây dựng và tạo nên một đế chế riêng theo trường phái, quan điểm và tư tưởng của ông.

Cũng theo Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ thì người dân không nên nghe theo lời tố ngược của Giáo sĩ Fethullah Gulen cho rằng, cuộc đảo chính là một âm mưu do chính phủ dàn dựng nhằm tạo cớ để đánh đuổi những người theo phong trào Gulen.

Trong nước, chính quyền Ankara mở chiến dịch truy quét các phần tử liên quan đến Giáo sĩ Fethullah Gulen. Ảnh: Reuters.

Thúc giục việc dẫn độ

Một mặt tiến hành điều tra cẩn trọng trong nước, mặt khác, chính quyền Ankara cũng khá cương quyết trong những phát ngôn và yêu cầu của mình đối với Mỹ về trường hợp của Giáo sĩ Fethullah Gulen. Hãng Reuters cho hay, kể từ sau hôm 15-7, Thổ Nhĩ Kỳ đã năm lần bảy lượt gửi yêu cầu chính thức với Mỹ về việc dẫn độ nhân vật lưu vong này.

Thế nhưng cho đến nay, các cuộc nói chuyện giữa Washington và Ankara về vấn đề này dường như vẫn bế tắc. Mỹ đã thể hiện thái độ do dự bằng những tuyên bố rằng nước này cần “chứng cứ xác đáng đáp ứng các tiêu chuẩn về giám sát hiện có tại nhiều quốc gia” chứ không phải là những lời cáo buộc suông.

Lời qua tiếng lại khiến quan hệ ngoại giao hai nước có vẻ xấu đi và đỉnh điểm của nó là việc Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã hỗ trợ, đào tạo các thành viên phong trào của Giáo sĩ Fethullah Gulen và “chống lưng” cho âm mưu đảo chính bất thành vừa qua.

Hãng thông tấn nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đã đăng tải cáo buộc này hôm 28-7 theo thông tin do Văn phòng trưởng công tố Edirne cung cấp. Thậm chí, Anadolu còn chỉ rõ rằng, những kẻ chỉ huy nhóm đảo chính đều là các đối tượng được 2 cơ quan này đào tạo.

Chưa hết, ngoài những cáo buộc về việc Mỹ có liên quan đến đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ còn chĩa mũi dùi chỉ trích vào Đức khi cho rằng chính quyền Berlin đã không nỗ lực hết mình trong việc giúp đỡ Ankara dẫn độ những đối tượng đang sống tại Đức bị tình nghi liên quan đến Giáo sĩ Fethullah Gulen.

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag còn cho rằng, nhiều khả năng Giáo sĩ Fethullah Gulen đang lên kế hoạch lẩn trốn khỏi nơi ẩn náu tại bang Pennyslvania của Mỹ và xin tị nạn ở một số nước có cảm tình với ông như Australia, Mexico, Canada, Nam Phi hoặc Ai Cập.

Vậy Giáo sĩ Fethullah Gulen là ai mà lại bị Ankara truy lùng gắt gao đến vậy. Theo cáo buộc từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Giáo sĩ Fethullah Gullen là người chỉ đạo từ xa cuộc đảo chính này.

Năm nay 74 tuổi, Giáo sĩ Fethullah Gullen xuất thân trong một gia đình theo đạo Hồi ở làng Korrucuk. Ngoài 20 tuổi, ông đã là một giáo sĩ thuyết giảng khắp vùng Izmir (miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ) và cũng là người đặt nền móng cho Phong trào Hizmet còn được biết đến với tên gọi Phong trào Gulen vào năm 1978 với việc thành lập Trung tâm học tập đầu tiên.

 Năm 1999, Giáo sĩ Fethullah Gulen rời Thổ Nhĩ Kỳ di cư sang Mỹ với lý do sức khỏe và định cư tại bang Pennsylvania, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đi của ông là do rắc rối với chính quyền khi đó. Một số nguồn tin khác khẳng định, Giáo sĩ Fethullah Gulen là người rất ghét Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, còn ông Erdogan thì gọi Phong trào Gulen là phản quốc.

Điều đáng chú ý là trước năm 2013, cả hai là đồng minh thân cận của nhau nhưng tình thân này đã bị phá hủy hoàn toàn sau cuộc điều tra tham nhũng năm 2013. Khi đó, Tổng thống Tayyip Erdogan cáo buộc Giáo sĩ Fethullah Gullen đứng đằng sau cuộc điều tra nhằm hạ bệ ông.

Hiện Giáo sĩ Fethullah Gullen có tên trong danh sách khủng bố bị truy lùng gắt  gao ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một tòa án hình sự Thổ Nhĩ Kỳ đã ban lệnh bắt và truy lùng Giáo sĩ Fethullah Gullen, yêu cầu Mỹ cho phép dẫn độ ông về nước.

Các nhà phân tích lý giải rằng, nguyên nhân chính khiến Tổng thống Tayyip Erdogan ghét Giáo sĩ Fethullah Gullen là bởi ông lo ngại về mục đích chính trị, nguồn lực khổng lồ cũng như sức ảnh hưởng của giáo sĩ này đối với các chính trị gia cao cấp và dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ.

Kể từ khi thành lập Trung tâm học tập đầu tiên, cho đến nay, Giáo sĩ Fethullah Gulen đã xây dựng hơn 1.000 ngôi trường Gulen tại 140 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ là 300 trường và ở Mỹ là 100 trường.

Châu Anh
.
.
.