'Siêu bão' tham nhũng trên chính trường Guatemala

Thứ Hai, 07/09/2015, 09:00
Bê bối tham nhũng ở Guatemala không chỉ “hạ gục” gần chục Bộ trưởng và thành viên cấp cao trong nội các chính phủ mà còn khiến cả Tổng thống Otto Perez Molina phải từ chức. Các bằng chứng mà cơ quan điều tra thu thập được cho thấy ông Otto Perez Molina và cựu Phó Tổng thống Roxana Baldetti (bị bắt giữ hồi cuối tháng 8) đã tổ chức một mạng lưới nhận hối lộ lên tới hàng trăm triệu USD.

Phút sa cơ của Tổng thống

Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi từ chức Tổng thống Guatemala, ông Otto Perez Molina đã bị bắt giam vào nhà tù quân sự Matamoros, gần trung tâm thủ đô Guatemala City. Thẩm phán Miguel Angel Galvez cho biết, việc bắt giữ được thực hiện nhanh chóng là nhằm ngăn chặn khả năng cựu Tổng thống trốn ra nước ngoài bằng đường hàng không.

Cựu Tổng thống Otto Perez Molina đã phải xuất hiện trước tòa hôm 3/9. Ảnh: AP.

Trong khi đó, tại tòa nhà Quốc hội, Phó Tổng thống Guatemala Alejandro Maldonado đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống. Ông Maldonado sẽ tại vị cho đến khi một nhà lãnh đạo nhậm chức qua bầu cử vào ngày 14/1.

Theo nhận định của các nhà phân tích, việc bắt giữ ông Otto Perez Molina được xem là động thái đầu tiên trong cuộc đấu tranh khôi phục lại “phẩm giá” đang bị sa sút nghiêm trọng của nền cộng hòa Guatemala. Trước đó, vào chiều 1-9, theo đề nghị từ Uỷ ban đặc biệt gồm 5 nghị sĩ, Quốc hội Guatemala đã bỏ phiếu thông qua quyết định tước quyền miễn trừ truy tố của Tổng thống đương nhiệm Otto Perez Molina với 132 phiếu thuận. Ngay sau đó, ông Otto Perez Molina đã buộc phải đệ đơn xin từ chức.

Từ đây, cơn địa chấn chống tham nhũng thực sự tiến vào tâm điểm. Hôm 3/9, ông Otto Perez Molina đã phải xuất hiện trước tòa án ở thủ đô Guatemala City, nơi mà các nhà điều tra thuộc Bộ Công cộng đang đưa ra những bằng chứng cáo buộc ông này tội liên quan đến các tổ chức tội phạm và có những hành vi gây ảnh hưởng xấu đến uy tín quốc gia và chính phủ. Các nhà điều tra còn khẳng định họ đã tìm thấy bằng chứng về việc cựu Tổng thống Otto Perez Monila cùng Phó Tổng thống Roxana Baldetti đã tham gia và đứng đầu mạng lưới nhận hối lộ để giúp trốn thuế quy mô lớn mang tên “La Linea”.

Mỗi một vụ trốn thuế, cả hai nhân vật này lại nhận được ít nhất 50% hoa hồng. Cũng tại phiên tòa này, ông Otto Perez Monila đã được cho nghe lại hàng chục cuộc điện thoại trong tổng số 86.000 cuộc điện thoại mà các điều tra viên xác định là thuộc “La Linea”. Đây là những cuộc điện thoại vào đường dây nóng mà các công ty dùng để liên lạc với một số quan chức hải quan, biên phòng.

Trong các cuộc điện thoại này, có nhân vật là “Số Một” và “Số Hai” thường xuyên được nhắc đến và cơ quan điều tra cho rằng đó chính là ông Otto Perez Molina và bà Roxana Baldetti, lúc đó là Tổng thống và Phó tổng thống đương nhiệm. Truyền hình Guatemala đưa tin, tại phiên xử hôm đó, ông Otto Perez Molina đã không nói được gì trước những bằng chứng này. Trong khi đó, hàng trăm ngàn người dân đã tụ tập trước cửa tòa án, vẫy cờ và khẩu hiệu ủng hộ cuộc điều tra chống tham nhũng.

Và cuộc điều tra của Uỷ ban quốc tế

“Siêu bão” tham nhũng hiện nay tại Guatemala bắt đầu từ tháng 4 khi Ủy ban Quốc tế chống tình trạng tội phạm không bị trừng phạt ở Guatemala (CICIG) và Bộ Công cộng Guatemala công bố báo cáo, phanh phui một đường dây bê bối tham nhũng lớn liên quan tới nhiều quan chức chính phủ.

Hồi tháng 5, nhiều quan chức trong số này đã bị bắt giữ gồm Chủ tịch Ngân hàng Bảo hiểm xã hội Juan de Dois Rodriguez, Thống đốc Ngân hàng trung ương Julio Roberto Suarez. Hai người này đều bị cáo buộc nhận hối lộ, lạm quyền trong một hợp đồng trị giá 15 triệu USD ký với hãng dược phẩm PISA nhằm cung cấp dịch vụ thẩm tách máu cho bệnh nhân thận hồi tháng 12-2014. Sau đó, ông Otto Perez Molina cũng đã chấp nhận đơn xin từ chức của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Bộ trưởng Bộ Năng lượng & mỏ, cùng người đứng đầu cơ quan tình báo.

Đến tháng 6, thư ký trưởng của Phủ Tổng thống Gustavo Martinez Luna bị bãi nhiệm còn Juan Carlos Monzon, thư ký riêng của Phó Tổng thống Roxana Baldetti thì vội vàng bỏ trốn. Trong tình hình rối ren như vậy, bà Roxana Baldetti cũng tìm đường lui bằng cách đệ đơn xin từ chức nhưng vào cuối tháng 8 vừa qua, cựu Phó Tổng thống này vẫn bị bắt giữ vì bê bối tham nhũng. Các điều tra viên đã khám nhà bà Roxana Baldetti để tìm kiếm các bằng chứng, trong khi tòa án đã cho đóng băng tài khoản ngân hàng và 11 bất động sản của gia đình bà.

Được biết, CICIG là một tổ chức đa phương được thành lập từ năm 2007 theo yêu cầu của Chính phủ Guatemala với sứ mệnh ban đầu là điều tra tội phạm có tổ chức và huấn luyện nghiệp vụ cho các công tố viên địa phương. CICIG hoạt động bên cạnh các tổ chức, định chế nhà nước của Guatemala, phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức này trong công tác điều tra tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, gian lận thương mại, tội phạm chức vụ trong các tổ chức, cơ quan công quyền. Với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan điều tra Guatemala, CICIG đã gặt hái được một số thành công.

Chẳng hạn, vào năm 2010, CICIG đã khám phá và giải quyết dứt điểm vụ án luật sư Rodrigo Rosenberg “bị sát hại” và khẳng định đây chỉ là màn kịch gây bất ổn cho chính quyền của Tổng thống Otto Perez Molina. Hai năm sau, CICIG lại bắt giữ cảnh sát trưởng Marlene Blanco Lapola, với cáo buộc tội điều hành một “biệt đội thần chết” chuyên thực hiện các vụ ám sát chính trị và giết thuê…

Theo tờ NewYorker, người ủng hộ mạnh mẽ cho các hoạt động của CICIG là Bộ trưởng Tư pháp Claudia Paz y Paz, một cựu luật sư từng có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nhân quyền. Trước thế lực ngày càng mạnh của bà Claudia Paz y Paz và CICIG, năm 2014, Tổng thống Guatemala Otto Perez Molina đã chỉ định Bộ trưởng Tư pháp mới là Thelma Aldana, một đồng minh thân cận của ông. Nhưng Otto Perez Molina không ngờ rằng ý định muốn hủy bỏ sự hiện diện của CICIG tại Guatemala của ông đã bị Thelma Aldana bác bỏ. Thậm chí, Thelma Aldana còn cùng với CICIG kết hợp để phá một đường dây làm giấy tờ hải quan giả, từ đó dần phanh phui ra bê bối tham nhũng lớn nhất ở quốc gia Trung Mỹ này.

Khánh Chi
.
.
.