Những sự cố tàu ngầm bí ẩn và thảm khốc nhất lịch sử thế giới
- Hết hy vọng cứu sống thủy thủ tàu ngầm Indonesia mất tích
- Indonesia ráo riết tìm kiếm tàu ngầm mất tích trong lúc tập trận
- Bí mật về hai tàu ngầm hạt nhân bị chìm của Mỹ
Tàu ngầm Indonesia mất tích cùng 53 thủy thủ
Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia cùng thủy thủ đoàn 53 người liên lạc lần cuối với sở chỉ huy lúc 3h sáng 21/4 để xin phép lặn xuống biển trong cuộc tập trận phóng ngư lôi ngoài khơi Bali và sau đó mất liên lạc hoàn toàn từ 4h30. Hải quân Indonesia nhận định nó gặp sự cố mất điện khi đang lặn, khiến tàu mất kiểm soát.
Tàu KRI Nanggala 402 của Indonesia. Ảnh: Getty Images |
Những ngày qua, giới chức Indonesia đã triển khai 3 tàu ngầm, 5 máy bay và 21 tàu quân sự đi tìm tàu KRI Nanggala 402. Các hệ thống sonar thu thủy âm cũng đã được triển khai để tìm kiếm chuyển động, âm thanh dưới nước nhưng chưa có kết quả khả quan.
Giới chức Indonesia xác nhận lượng oxy dự trữ trên tàu chỉ đủ trong 3 ngày từ khi mất điện. Sáng nay (24/4), thời hạn đó đã đi qua, khiến triển vọng tìm thấy các thủy thủ còn sống gần như tiêu tan. Indonesia được cho là sẽ chuyển việc giải cứu các thủy thủ thành nhiệm vụ trục vớt tàu ngầm.
Hải quân Indonesia cho biết tàu ngầm mất tích nhiều khả năng chìm ở độ sâu 600-700m nhưng tàu KRI Nanggala 402 thường chỉ hoạt động được độ sâu khoảng 250-500m. Bất cứ độ sâu nào lớn hơn đều rất nguy hiểm bởi áp lực nước lên thân tàu có thể bóp nát lớp vỏ.
Thảm kịch ARA San Juan, 44 lính Argentina thiệt mạng
Tháng 11/2017, tàu ngầm chạy bằng diesel ARA San Juan của Argentina mất tích tại khu vực cách bờ biển Argentina khoảng 430km cùng với 44 thủy thủ khi di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến thành phố Mar del Plata.
Phần đầu tàu ARA San Juan. Ảnh: AP |
Trong lần liên lạc cuối cùng, tàu ARA San Juan đã thông báo gặp sự cố về máy do nước tràn vào qua ống thông hơi, gây đoản mạch một ắc-quy. Ba giờ sau thông báo này, một âm thanh như tiếng nổ lớn xuất hiện cách nơi ARA San Juan báo tin lần cuối khoảng 50 km.
Argentina bắt đầu chiến dịch tìm kiếm ARA San Juan với sự hỗ trợ từ 15 quốc gia, bao gồm cả Nga và Mỹ, song đã dừng lại sau đó vài tuần vì không có manh mối nào đáng kể.
Đến năm 2018, xác con tàu được tìm thấy ở độ sâu 900m. Hải quân cho biết họ phát hiện các mảnh vỡ dài 11, 13 và 30 m, phần thân tàu bị bẹp nát về phía bên trong. Argentina thừa nhận họ không có công nghệ hiện đại để đưa tàu ngầm về đất liền và chưa quyết định cách xử lý xác tàu.
Tàu ngầm Kursk chìm ở biển Barents cùng 118 thủy thủ
Khoảng 11h30 ngày 12/8/2000, trong khi đang tập trận bắn đạn giả trên biển Barents, hai vụ nổ lớn liên tiếp đã bất ngờ xảy ra bên trong chiếc tàu ngầm hạt nhân K-141 “Kursk” của Hải quân Nga. Vài phút sau, Kursk đã từ từ chìm sâu xuống đáy biển Barents.
Khác với các vụ mất tích, tàu Kursk được xác định vị trí ngay sau khi nó gặp nạn. Thế nhưng, bất chấp hàng loạt biện pháp cứu giúp được tiến hành nhanh chóng, người Nga đã không thể làm gì hơn, toàn bộ 118 thủy thủ và sĩ quan đã hy sinh.
Tàu ngầm Kursk gãy đôi sau thảm kịch. Ảnh: TASS |
Lần cuối cùng con tàu được nhìn thấy nổi lên ở cảng là khoảng 5 giờ sáng ngày 12/8/2000. Tại khu vực Severomosk, Hạm đội phương Bắc, con tàu đã chậm rãi tiến từ cảng Murmansk ra biển Barents trong một cuộc tập trận bắn ngư lôi giả. Tham gia cùng K-141 Kursk còn có một tàu khác thuộc lớp Typhoon và K-114 “Tula” (thuộc lớp Delta IV).
Hơn 20 năm qua, rất nhiều giả thuyết khác nhau về tai nạn của chiếc tàu ngầm hạt nhân tối tân Kursk đã được đưa ra, nhiều người cho rằng thảm họa xảy ra do có lỗi trong phần thiết kế hay Nga đã vi phạm những quy định bảo dưỡng vũ khí.
Tàu ngầm Kursk trong bức ảnh chụp tháng 4/2000. Ảnh: S. Volkov |
Có giả thuyết thì cho rằng, tàu ngầm Kursk bị một tàu ngầm của Mỹ đang hoạt động trên biển Barents bắn nhầm và hai bên đã thương thảo để "ém chặt" vụ việc nhằm tránh một cuộc xung đột quân sự có thể đẩy cả thế giới vào cảnh đen tối. Trong khi đó, theo kết luận cuối cùng của Ủy ban Điều tra của Chính phủ Nga, nguyên nhân của vụ chìm tàu là do một vụ nổ xảy ra trong khi tàu đang chuẩn bị phóng thủy lôi vào một mục tiêu giả định khi tập trận.
Tàu ngầm K-8 đắm vì hỏa hoạn
Vào thời điểm ra mắt, tàu ngầm tấn công K-8 thuộc Đề án 627A Kit (lớp November) từng được coi là niềm tự hào của Hải quân Liên Xô. Thế nhưng con tàu cũng là tác giả một thảm kịch cướp đi sinh mạng của 52 thủy thủ vào năm 1970.
Theo RBTH, một đám cháy đã bùng lên trên khoang tàu khi nó ra khơi ngày 8/4/1970. Thuyền trưởng ra lệnh tắt lò phản ứng hạt nhân và rời bỏ con tàu.
Tàu ngầm K-8 của Liên Xô. |
Khi một tàu kéo đến hiện trường, 75 thủy thủ trở lại tàu trong nỗ lực đưa K-8 về căn cứ. Tuy nhiên, tàu bị đứt neo và mất kiểm soát trong điều kiện biển động mạnh. 52 thủy thủ trở lại tàu thiệt mạng do ngộ độc khí CO2 trước khi lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận, 23 người được cứu sống.
Tàu K-8 sau đó chìm xuống đáy biển cùng 4 ngư lôi hạt nhân ở độ sâu 4.680 m và cách Tây Ban Nha 490 km về phía Tây Bắc. Độ sâu quá lớn khiến việc trục vớt con tàu gần như không thể. Các chuyên gia cho rằng việc những quả ngư lôi mang theo đầu đạn hạt nhân nằm dưới đáy biển có thể dẫn đến thảm họa rò rỉ phóng xạ gây hại cho môi trường.
Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên gặp nạn
Thế giới bước vào cuộc đua phát triển tàu ngầm hạt nhân ngay từ khi Chiến tranh Lạnh nổ ra. Vào năm 1963, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Thresher trở thành con tàu ngầm hạt nhân đầu tiên gặp nạn, khi nó gặp sự cố trong lúc thử nghiệm hoạt động ở độ sâu 400 m.
USS Thresher ra khơi năm 1963. Ảnh: Getty Images |
Vụ tai nạn khiến toàn bộ 129 thủy thủ trên khoang thiệt mạng. Đến nay, đây vẫn là vụ tai nạn tàu ngầm có số người chết cao nhất trong lịch sử, nhiều hơn cả thảm kịch tàu ngầm Kursk của nga.
Theo Hải quân Mỹ, động cơ điện cung cấp năng lượng cho máy bơm làm mát chính gặp trục trặc khiến lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động nên không có điện bơm nước khỏi khoang rỗng để tàu nổi lên.
Thresher chìm theo quán tính và phát nổ ở độ sâu khoảng 730 m do áp lực nước vượt quá khả năng chịu đựng của thân tàu. Sau thảm họa tàu ngầm USS Thresher, Hải quân Mỹ đã áp dụng chương trình SUBSAFE để bảo đảm chất lượng cho tàu ngầm từ thiết kế cho đến vật liệu chế tạo.
Tàu ngầm Mỹ mất tích đầy bí ẩn
Tháng 5/1968, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Scorpion, lớp Skipjack của Hải quân Mỹ mất tích cùng với 99 thủy thủ cách 643 km đảo Azores, thuộc Bồ Đào Nha về phía Tây Nam. Theo lịch, tàu có lịch trở về cảng ngày 27/5/1968, nhưng nó đã không xuất hiện.
Năm 1968 cũng đánh dấu sự mất tích của 4 tàu ngầm khác, gồm tàu INS Dakar của Israel, tàu Minerve của Pháp và tàu K-129 của Liên Xô, dấy lên nhiều đồ đoán.
Tàu ngầm USS Scorpion. Ảnh: ITN |
Theo các nguồn tin, ngày 16/5/1968, USS Scorpion rời căn cứ Hải quân Mỹ tại Rota (Tây Ban Nha) với 99 thủy thủ, cùng với tàu USS John C. Calhoun. Scorpion được cử đến để quan sát các hoạt động hải quân của Liên Xô ở Đại Tây Dương trong vùng lân cận của Azores.
Khoảng sau nửa đêm ngày 21/5, Scorpion gửi một tin nhắn đến một trạm liên lạc của Hải quân Mỹ ở Nea Makri (Hy Lạp) báo cáo tàu đang ở gần một tàu ngầm Liên Xô và nhóm nghiên cứu "bắt đầu giám sát Liên Xô", và đang chạy với tốc độ ổn định 28 km/giờ ở độ sâu 110 mét. Đó là lần liên lạc cuối cùng của Scorpion.
Đến nay, người ta vẫn chưa biết chính xác điều gì đã xảy ra với con tàu, chỉ được thông báo rằng Hải quân Mỹ phát động một chiến dịch tìm kiếm, nhưng không có manh mối. Đến cuối năm 1969, một tàu khảo sát đại dương của Hải quân Mỹ phát hiện tàu ngầm SSN-589 chìm ở độ sâu 3.048 m.
Hải quân Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về tai nạn, nhưng một số nguồn tin nhận định, vụ nổ vô tình của ngư lôi Mark 37 khiến nước tràn vào tàu và USS Scorpion đã nhanh chóng chìm xuống, trước khi bị áp lực nước bóp nát.