Những quyết định, cam kết gắn với lợi ích người dân của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31

Thứ Sáu, 17/11/2017, 09:23
11 Hội nghị cấp cao diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 13 đến 14-11) tại Thủ đô Manila, Philippines đã mang về một vụ mùa “bội thu” về văn kiện.

Đáng chú ý là các văn kiện này đều mang tính thực tiễn cao, là những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lợi ích của người dân, từ các vấn đề xã hội về quyền của người lao động, cơ hội việc làm, bình đẳng giới, sức khỏe, y tế, giảm nghèo đến thuận lợi hóa doanh nghiệp, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau như phụ nữ, trẻ em, thanh niên.

Lực đẩy mới

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại 11 hội nghị cấp cao nói trên gồm cấp cao ASEAN lần thứ 31, các cấp cao ASEAN+1 với các đối tác (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc (LHQ), cấp cao ASEAN+3 và cấp cao Đông Á (EAS), các nhà lãnh đạo đã ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư và thông qua/ghi nhận 55 văn kiện khác thuộc nhiều lĩnh vực (trong đó 23 văn kiện của ASEAN và 32 văn kiện giữa ASEAN và đối tác). 

: Các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất và ký kết được nhiều văn kiện quan trọng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31. 

Đặc biệt, văn kiện về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư vốn được khởi động đàm phán từ cách đây 10 năm và đã gặp không ít trở ngại. Với tính chất không ràng buộc về pháp lý, Đồng thuận này sẽ không có tính bắt buộc sự tuân thủ giữa các nước và sẽ không có chế tài nào liên quan đến việc trừng phạt một nước thành viên trong việc thực hiện. 

Đồng thuận hướng tới việc khuyến khích thúc đẩy và là kim chỉ nam cho việc xây dựng các hoạt động của Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC); hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế hiện đang được áp dụng bởi nước phái cử và nước tiếp nhận lao động trong ASEAN liên quan đến việc bảo về và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của nước phái cử và nước tiếp nhận lao động. 

Việt Nam là nước có nhiều lao động làm việc tại các nước ASEAN nên có thể tranh thủ Đồng thuận này để đề nghị các nước tiếp nhận lao động đảm bảo các quyền lợi cơ bản cho lao động ta; tổ chức các khóa đào tạo, giáo dục định hướng cho lao động thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế/tổ chức phát triển…

Chưa hết, Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về thập kỷ bảo vệ môi trường biển và bờ biển ở Biển Đông đã tiếp tục cam kết trong các văn kiện liên quan đến bảo vệ môi trường biển của LHQ cũng như các văn kiện giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2016. 

Tuyên bố này cũng giúp thúc đẩy khai thác nghề cá có trách nhiệm, sử dụng các phương pháp đánh cá thân thiện với môi trường, phòng chống các hoạt động đánh cá bất hợp pháp, không có báo cáo, không theo quy định (IUUF); thúc đẩy hợp tác  bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và bờ biển, giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giữ nguồn nước sạch, bảo đảm an sinh và kinh tế của người dân; và hợp tác bảo vệ, bảo tồn các loài động vật/sinh vật hoang dã, loài di cư, loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. 

Theo nhiều nhà phân tích, hiện nay, khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước nhiều nguy cơ về an sinh và đời sống kinh tế-xã hội do tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường (riêng Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng về nước biển dâng)... nên việc hợp tác bảo vệ môi trường biển và bờ biển phù hợp với nhu cầu, quan tâm của đất nước. 

Hơn nữa, trong số các lĩnh vực hợp tác được đề xuất ở Biển Đông hiện nay giữa ASEAN và Trung Quốc, hợp tác bảo vệ môi trường là lĩnh vực ít nhạy cảm hơn. Tuyên bố cũng góp phần tạo dựng khuôn khổ cho các nước ASEAN và Trung Quốc nghiên cứu, triển khai các biện pháp hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này, qua đó góp phần vào nỗ lực chung hợp tác xây dựng lòng tin, bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị. ảnh: VGP

Vị thế quan trọng của Việt Nam

Trả lời phỏng vấn báo giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam khẳng định, các hội nghị đã thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, nỗ lực đạt tiếng nói chung của các nước ASEAN cũng như cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước đối tác đối với sự phát triển của cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. 

Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo đã bàn thảo những nội dung thực chất, tập trung vào các thách thức và xu hướng đang nổi lên ở khu vực và thế giới. Việc lãnh đạo 10 nước ASEAN và các đối tác cùng ký vào nhiều văn kiện đã cho thấy tinh thần làm việc cao độ, sự thiện chí và nỗ lực dung hòa lợi ích để đi đến đồng thuận về một mẫu số chung.

Đề cập đến sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị với tinh thần trách nhiệm và có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và với các đối tác cũng như thành công chung của các hội nghị. 

Thủ tướng đã tham dự tổng số hơn 30 hoạt động đa phương và song phương. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31, Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng với những đề xuất theo 3 trọng tâm hợp tác: Làm mới bản sắc cộng đồng ASEAN trên nền tảng của gắn kết và hội nhập toàn diện, tạo dựng thành quả chung mang tên ASEAN; đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát huy vai trò trung tâm, vị thế và tự cường của ASEAN. 

Thay mặt các nước ASEAN, trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ, Thủ tướng còn có bài phát biểu chung về tiến triển trong quan hệ hai bên và định hướng tương lai quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Trong các hội nghị cấp cao khác, Thủ tướng đều có phát biểu đóng góp, chia sẻ các đánh giá và đề xuất phương hướng, biện pháp thiết thực để làm sâu sắc hơn hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác; chia sẻ các quan điểm, lập trường của Việt Nam về Biển Đông cũng như về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tình hình tại bang Rakhine của Myanmar. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc gặp, tiếp xúc song phương rất hiệu quả với nhiều lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế.

Nhìn tổng thể, những đóng góp của Việt Nam tại các hội nghị với tâm thế của một thành viên chủ động, tích cực, đã cho thấy sự trưởng thành về năng lực hội nhập cũng như vị thế quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Thêm vào đó, các hội nghị ASEAN lần này diễn ra ngay sau Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam tại các hội nghị đã cho thấy Việt Nam không chỉ chủ động, tích cực khi ở cương vị nước chủ nhà, mà trên bất kỳ cương vị nào, ở bất kỳ diễn đàn nào, chúng ta đều có tinh thần trách nhiệm và đóng góp xây dựng vì thành công chung. 

Những kết quả tham gia của Việt Nam tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN, tiếp nối thành công của APEC Việt Nam 2017, đã góp phần hoàn thiện bức tranh về ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2017.

H.Chi
.
.
.