Những nạn nhân chưa được định danh 17 năm sau vụ 11-9

Thứ Ba, 11/09/2018, 07:47
Có hơn 1/3 trong tổng số gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố kinh hoàng 11-9 vẫn chưa được định danh, bất chấp những nỗ lực của các chuyên gia cũng như sự chờ đợi mòn mỏi của thân nhân những người mãi mãi ra đi trong thảm kịch làm thay đổi nước Mỹ.

102 phút kinh hoàng

Hôm nay, đúng 17 năm từ khi cả thế giới hướng mắt về nước Mỹ, sau khi 19 tên khủng bố - không tặc – đã chiếm quyền điều khiển của 4 máy bay thương cỡ lớn rồi lần lượt tấn công các mục tiêu gồm: hai máy bay lao thẳng vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center) tại thành phố New York, một máy bay khác đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) tại Washington trong khi chiếc còn lại bị rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania..

Hai toà tháp WTC chìm trong lửa. Ảnh: AP

Nước Mỹ không phải là chưa từng bị tấn công. Toà tháp đôi WTC tọa lạc ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ vào năm 1993 từng bị tấn công bởi quả bom tương đương 1,1 tấn thuốc nổ TNT. Khi đó nó vẫn đứng vững, còn trong vụ 11-9, nó bốc cháy như một ngọn đuốc cùng cả ngàn người mắc kẹt bên trong rồi đổ sụp...

"Tòa tháp lắc lư, còi báo động bật lên và đèn tắt. Tôi bước ra khỏi văn phòng xem chuyện gì xảy ra. Tiếng khóc và tiếng la hét ở khắp mọi nơi nhưng tôi không nhìn thấy gì bởi lớp bụi dày đặc", Caputo, một nạn nhân sống sót sau thảm hoạ nói với báo giới. "Sau khi trở lại văn phòng, tôi lấy một số thứ cần thiết như đèn pin, điện thoại, khăn và chai nước rồi chạy về phía cầu thang."

Người đàn ông kể lại khoảnh khắc chạy xuống tới tầng 50 và gặp rất nhiều người khác đang mắc kẹt từ những tầng khác nhau. Họ đều bị thương, mất phương hướng, sợ hãi, khóc lóc, bế tắc hay thậm chí tìm cách nhảy khỏi toà nhà tự tử để thoát khỏi sức nóng, khói bụi và sự ngột ngạt.

Cảnh người dân Mỹ bỏ chạy khỏi khu vực toà tháp đôi. Ảnh: AP

"Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, vợ tôi, Alayne, đã gọi điện cho tôi và nói rằng cô ấy sợ. Hơi thở nặng nhọc của cô khiến tôi rất lo lắng. Cô ấy không phải là một người hay sợ hãi, cô ấy sống thực tế và nếu có cơ hội, cô ấy sẽ không bao giời bỏ cuộc", Jack nói. Người ta sau đó đã tìm thấy thi thể của Alayne ở phía bên kia đường. Bà ấy đã nhảy xuống từ tầng cao của toà nhà để tự giải thoát mình vì không còn lối thoát nào khác.

Chỉ trong vòng 102 phút, cả hai tòa tháp WTC đã bị sụp đổ hoàn toàn. Và 102 phút chấn động đó đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người, gồm 372 công dân nước ngoài, trở thành vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.

Những nạn nhân chưa được định danh

Tại nơi 2 toà tháp WTC ở thành phố New York, Mỹ đổ xuống cách đây 17 năm giờ đã có một khu tưởng niệm bằng đài phun nước rất yên bình và trang nghiêm. Xung quanh đó, các toà tháp chọc trời mới đã mọc lên. Nếu đến đây lần đầu, người ta sẽ không thể nhận ra đây là hiện trường của một vụ khủng bố kinh hoàng đến vậy.

Khu tưởng niệm 11-9 ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong quãng thời gian 17 năm ấy, nỗi đau tưởng chừng như đã nguôi ngoai. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Đối với những gia đình chưa tìm được thi thể người thân, sự mất mát ấy chưa thể nào được bù đắp: Trong số gần 3.000 người thiệt mạng trong vụ khủng bố 11-9 đã được khắc tên lên bia mộ thì có hơn 1/3 đến nay vẫn chưa thể xác định danh tính. Việc tìm kiếm và nhận dạng những thi thể còn lại là mong mỏi của gia đình các nạn nhân, đồng thời cũng là trăn trở của giới chức Mỹ.

Theo NYPost, các thi thể tìm thấy trong vụ khủng bố 11-9 hầu hết đều không còn nguyên vẹn. Ảnh hưởng của nhiệt, vi khuẩn và hóa chất khiến quá trình phân tích ADN trở nên khó khăn. Tại phòng giám định ở New York, nhóm chuyên gia vẫn tiếp tục nỗ lực định danh hài cốt. Ngày qua ngày, họ lặp đi lặp lại một quy trình hàng chục lần.

Nạn nhân trong toà tháp đôi treo mình ra ngoài để tránh khói và áp lực từ đám cháy. Ảnh: AP

Các chuyên gia đã sử dụng phương pháp nghiền các mảnh vụn từ xương của nạn nhân để tách chiết ADN, sau đó đối chiếu với tài liệu về di truyền của người nhà để tìm kiếm. Dù rất nỗ lực nhưng mỗi năm, cơ quan giám định cũng chỉ xác định được danh tính của 1 - 2 nạn nhân. Để ví dụ, NYPost cho biết tháng 8 năm ngoái, nạn nhân thứ 1641 đã được xác định danh tính và phải 1 năm sau, tháng 7-2018, những gì còn lại của nạn nhân thứ 1642 mới được đưa về cho gia đình.

“Xương là vật liệu sinh học khó nhất để xét nghiệm”, Mark Desire, phó giám đốc pháp y tại cơ quan khám nghiệm New York, cho biết. “Không chỉ vậy, khi chúng tiếp xúc với những yếu tố khác ở khu vực phát nổ như lửa, nấm mốc, vi khuẩn, ánh sáng mặt trời và và dầu cháy, tất cả những thứ này phá hủy ADN. Những gì chúng tôi có là rất nhỏ" .

Danh sách nạn nhân vụ 11-9. Ảnh: ITN

Tuy cơ hội là mong manh nhưng gia đình các nạn nhân chưa bao giờ thôi hy vọng. Với họ, chỉ khi tìm tìm thấy thi thể thì người đã khuất mới được yên nghỉ và người còn sống mới xoa dịu được phần nào nỗi đau mất mát người thân.

Mới đây, các nhà khoa học tại Trung tâm giám định y tế New York mới đây đã công bố rằng họ đã đạt được nhiều tiến bộ trong kỹ thuật phân tích DNA và có thể áp dụng để xác định danh tính của những nạn nhân vụ 11-9. Thân nhân của các nạn nhân chưa được xác định danh tính vẫn thường xuyên ghé qua văn phòng giám định. Họ đều hi vọng các công nghệ mới sẽ không để họ phải tiếp tục mòn mỏi chờ đợi.

"Khi được thông báo (về việc nhận dạng thân nhân), bạn cảm giác như mình được đưa trở về ngày đó và hồi tưởng cách họ chết bi thảm. Nhưng thông báo này đồng thời lại an ủi rằng bạn có thể chôn cất người thân yêu một cách tử tế", Mary Fetchet, người mãi mãi mất đi cậu con trai 24 tuổi trong thảm kịch, chia sẻ.

Thiện Minh- Duy Tiến
.
.
.